20/03/2011 - 10:01

"Sói biển" hòn Nồm

Ghi chép: ĐỨC ĐẠT

Hòn Nồm Giữa là một trong 21 hòn đảo của quần đảo Nam Du thuộc ấp An Cư xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Nơi đó có một gia đình đã năm mươi năm qua nương náu, trong đó có cô con gái lớn của gia đình được bà con gọi là “sói biển”.

Từ hòn Củ Tron (Hòn Lớn) muốn sang hòn Nồm phải mướn ghe máy để qua.Ghe chạy trên biển theo hướng Tây chừng 20 phút, đã gặp ba hòn đảo xanh rì. Đó là 3 hòn: hòn Nồm Ngoài, hòn Nồm Giữa và hòn Nồm Trong.

Hòn Nồm Giữa là một hòn đảo hoang sơ, nằm tách biệt hoàn toàn và được bao bọc bởi biển cả và núi rừng. Trên hòn chỉ có duy nhất ngôi nhà cấp 4 và hai cái chòi nằm khuất giữa các lùm cây sát mé ghềnh. Chủ nhân ngôi nhà là cô Vương Thị Hồng Thắm, 41 tuổi, đã 41 năm nương náu giữa đảo hoang này từ khi cất tiếng khóc chào đời.

* * *

Năm 1960, ông Vương Văn Kiều cùng vợ và con trai đến hoang đảo này lập nghiệp. Cuộc sống trên hoang đảo giai đoạn đầu là những tháng ngày cơ cực. Sau khi che tạm căn lều, cha con ông ban đêm đi câu cá, thẻ mực bằng ghe buồm. Ban ngày, đốn cây khai hoang lập vườn. Dụng cụ hồi đó chỉ là cây búa cùi. Còn vợ ông thì mò ốc, đục hàu quanh ghềnh đá. Nhiều tháng liền không có lấy một hột gạo, cả gia đình phải ăn rau, ăn cá thay cơm. Một hai tháng mới có ghe đến đổi cá khô, mực khô lấy gạo, thức ăn tạm sống lây lất qua ngày.

 

Năm 1967, người con trai của ông bà là Sáu Ánh được 20 tuổi, lập gia đình cùng cô gái Võ Thị Huông ở Đồng Tháp đến hòn Ngang làm mướn. Miếng đất ở hòn Nồm giờ được cải tạo một phần, trong vườn đã có hơn 200 cây dừa vừa chắn gió vừa có nước uống. Trên đất khai khẩn, ông Kiều trồng mít, xoài, khoai mì, bắp, đậu xanh và ông còn trồng lúa- giống lúa “nàng Cum” trồng từ tháng 4 đến tháng 10 thu hoạch, mỗi công chừng 10 giạ. Chỉ với vốn liếng ban đầu bao nhiêu ấy, gia đình ông gói ghém cũng tạm đủ gạo ăn qua ngày.

Ngày tháng trôi dần, một thế hệ mới ra đời, đó là người con gái được đặt tên Vương Thị Hồng Thắm. Từ đó căn nhà trở nên ấm cúng lạ thường.

Mới bảy tuổi, Hồng Thắm mỗi chiều theo cha đi biển bủa lưới quàng, câu mực thẻ. Cô làm mồi bằng cá mực để cha thả câu. Lớn lên chút, Hồng Thắm theo cha ra vịnh câu mực, giữ thăng bằng cho ghe. Một thẻ có 7 đến 9 bông, khoảng 2 mét một bông thẻ chìm cách mặt nước 2-3 tất. Mực thấy ánh sáng bu lại, mỗi bông thẻ dính 2-3 con mực. Hồng Thắm lấy vợt xúc lên. Theo năm tháng, những cái Tết lẻ loi, cô quạnh cũng qua đi, cuộc sống gia đình bập bềnh theo con sóng.

Năm Hồng Thắm chín tuổi, ông nội Vương Văn Kiều già yếu qua đời. Trong phút lâm chung ông kêu tất cả con cháu lại hứa với ông: phải yêu biển, yêu rừng. Phải thương yêu đùm bọc cùng nhau sống mãi trên đất mà suốt cuộc đời ông chan hòa mồ hôi nước mắt.

* * *

Cô cháu gái xinh đẹp nghe lời trăng trối của ông nội, ký thác cuộc đời với sóng biển, với tiếng ve rừng, tiếng gọi gà xa vắng... bám đảo mà sống.

Sinh ra ở biển, Hồng Thắm là một cô gái khỏe mạnh, cao ráo, xinh đẹp với nước da màu đồng mặn mòi. Buồn một nỗi là cô không có điều kiện được học hành, chỉ theo cha đi đánh bắt, bủa lưới, giăng câu. Cô chỉ biết cầu xin thần biển đừng nổi giận về số phận những người con gái “cưỡi sóng” giữa biển khơi. Đời cô thuộc về biển, biển đem thức ăn, đem lại buồn vui đời cho đời con gái. Từ 8 tuổi, Hồng Thắm đã biết lặn sâu 6 - 7 sải nước, đã biết đi bủa lưới quàng bắt cá đuối, cá nhám, cá giồng, bủa lưới quanh gạn bắt cá xanh xương. Hồng Thắm nói:

- Đây là món quà biển tặng cho người con gái hòn Nồm.

Là người con của biển, lớn lên với biển, Hồng Thắm đi biển không máy móc, không định vị. Đời sống ở hòn, ở bãi đã dạy cho cô biết nhìn mây, nhìn gió, nhìn trăng, nhìn sao, nhìn nước để đoán thời tiết như: mây đen đóng cục là trời sắp mưa, mây thổi xé gió nhìn biết gió từ cấp 5 trở lên, mây nằm gió thổi mạnh là có giông. Sao Bắc đẩu ở phía Bắc, sao chữ thập (sao đồng cân) ở phía Nam. Nhìn sao nhấp nháy, thế nào 1 - 2 hôm trời xuống gió. Mặt trăng quầng đen trời mưa. Riêng về biển, trời đang êm cho xuồng đậu ngay bãi rạn, âm thanh nổ rắc rắc phát ra từ lòng biển là trời sắp sửa thổi gió mạnh. Còn lặn xuống động san hô, nghe tiếng động rắc rắc thì chắc chắn một vài hôm biển động. Cô bảo là “ý biển”.

Ngày đêm lặn hụp với biển, người con gái ấy thuộc lòng từng bãi rạn, bãi trũng. Bình thản chạy máy giữa biển lúc gió cấp 5, cấp 6. Biết sửa máy khi máy có sự cố. Còn nhu cầu làm đẹp như bao nhiêu người con gái khác, cô không nghĩ đến, bởi chẳng có chàng trai hay láng giềng nào tại đảo hoang mà ngắm, mà ngợi khen.

Cuộc sống ở hòn Nồm đều đặn trôi. Ngày nọ, sóng gió đổ ập vào gia đình: năm 1987, ông Sáu Ánh đi mò điệp, mò ngọc nữ lặn ở độ sâu khoảng 40 mét bị nước ép, chở đi cấp cứu ở bệnh viện trở về để lại di chứng: Viêm tủy cách ngang cột sống, chân liệt. Từ đó, Hồng Thắm đứng ra cáng đáng mọi công việc trong nhà, vừa đánh bắt cá vừa làm vườn, hình như cô không còn nhớ đến tuổi xuân thời con gái.

* * *

Cuộc đời cô Thắm là hàng ngàn đêm quạnh quẽ, suốt tháng ngày chỉ biết lao động. Có nhiều đám con nhà giàu, có học, có nghề nghiệp đến xin cưới, đưa cô vào đất liền đều bị từ chối. Mọi người cho rằng đây là một gia đình kỳ lạ, có con gái đẹp không chịu gả vào đất liền cho sướng tấm thân. Nhà gái không đòi bạc vàng, của cải mà chỉ có một điều kiện duy nhất là xin “bắt rể”. Thế rồi, Hồng Thắm có chồng không thiệp mời, không áo cưới, chồng của cô cũng là ngư phủ, họ chấp nhận đến ở cùng gia đình nhà gái. Từ đó, cô chuyển sang nghề đánh bắt cá xanh xương.

Hồng Thắm đã giữ đúng lời nguyền, nguyện làm “sói biển” hòn Nồm chứ không rời xa mảnh đất chôn nhau cắt rốn.

Quần đảo Nam Du giờ đây đã thay da đổi thịt. Đã có rất đông người đến đây lập nghiệp sinh sống. Hòn Ngang, hòn Mấu, hòn Lớn (Củ Tron) ngày một sầm uất, dưới biển giăng mắc hàng trăm lồng bè nuôi cá bóp, cá mú. Trên bờ nhà cửa xây cất san sát khang trang, tàu thuyền ra vào tấp nập, ánh điện rực rỡ làng chài. Riêng hòn Nồm vẫn âm thầm leo lét ánh đèn dầu trong những đêm dài, như chủ nhân của nó đã nương náu mấy chục năm qua.

Chia sẻ bài viết