19/12/2018 - 08:56

Sinh viên Hồng Công ra trường khó tìm việc 

Tấm bằng cử nhân hiện không còn đảm bảo thu nhập khá cho sinh viên tốt nghiệp tại Hồng Công, khi mà cứ 6 bạn ra trường thì có một người phải làm việc trái ngành với mức lương thấp, theo báo cáo công bố hôm 17-12.

 Các sinh viên tốt nghiệp tham dự hội chợ việc làm ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Nghiên cứu của tổ chức giám sát chính sách công Diễn đàn Thế kỷ Mới cho thấy các cử nhân đang hưởng lương ít hơn các anh chị từng nhận được cách đây 30 năm. Cụ thể, lương khởi điểm trung bình hằng tháng của một sinh viên ra trường hồi năm 1987 là 20.231HKD (gần 2.600USD). 10 năm sau, con số này giảm còn 15.457HKD và đến năm 2012 rớt xuống còn 13.100HKD. Năm ngoái, mức lương này nhích lên 14.395HKD. Các tác giả còn phát hiện rằng lương bình quân của người lao động có bằng đại học đã giảm 10,4% trong một thập niên, từ 32.133 HKD/tháng hồi năm 2007 xuống còn 28.790 HKD/tháng trong năm ngoái.

Lý giải điều này, Chan Wai-keung, giám đốc Diễn đàn Thế kỷ Mới và là giảng viên tại Đại học Bách khoa, cho rằng một phần do “bằng cấp mất giá trị”, bởi số lượng trường đại học tăng quá mức. Tình trạng này gây xói mòn chất lượng chuyên môn. Số lượng người lao động có trình độ đại học đã  tăng từ 131.900 năm 1987 lên hơn 1 triệu hồi năm rồi. Trong đó, giai đoạn 2007-2017 chứng kiến số lao động có trình độ đại học tăng gần 60%. “Kết quả này là điều không cân xứng về kỹ năng trong thị trường việc làm. Chúng ta đang lãng phí tiền bạc vào việc đào tạo quá nhiều sinh viên đại học”- ông Chan nhận định.

Theo nghiên cứu, ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học buộc phải chọn những việc trái ngành, chẳng hạn như thư ký, trợ lý bán hàng hoặc công nhân lắp ráp. Năm 1997, chỉ khoảng 8,4% sinh viên sở hữu tấm bằng cử nhân miễn cưỡng phải làm những công việc như thế. Tuy nhiên, con số này tăng lên 11,4% năm 2007 và năm rồi là 16,4%.

Chính khách Michael Luk Chung-hung tại Liên hiệp Công đoàn cho rằng: “Hồng Công đang tập trung quá nhiều vào tài chính và bất động sản. Chi phí hoạt động tại đây tăng cao, chủ yếu do tiền thuê đắt đỏ, nên cũng ngăn cản các chủ lao động đưa ra mức lương tương đối cho người lao động”.

Tân cử nhân đại lục nhiều hơn dân số Hồng Công

Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, dự kiến có khoảng 8,34 triệu sinh viên ở đại lục ra trường trong năm tới, tăng 1,7% so với năm học hiện nay. Số lượng “tân binh” có bằng đại học gia nhập lực lượng lao động Trung Quốc trong năm 2019 sẽ lớn hơn dân số Hồng Công- hiện hơn 7,4 triệu người. Điều này cũng đặt ra nhiều thách thức cho giới chức trách. Đầu tiên và đáng nói nhất là những cử nhân này sẽ tìm việc ở đâu, khi mà không phải tất cả họ đều tự khởi nghiệp.

Đang có sự mất cân đối giữa nhu cầu của các tập đoàn/ngành công nghiệp và nguồn nhân lực từ các trường đại học. Được biết, các sinh viên tốt nghiệp đang chú trọng vào dịch vụ và sản xuất, nhưng hai lĩnh vực này không đòi hỏi tấm bằng đại học. Trong khi đó, các lĩnh vực sáng tạo và công nghệ thì đang cần lượng lớn cử nhân.

THANH BÌNH (Theo SCMP, ejinsight.com)

Chia sẻ bài viết