06/01/2008 - 21:33

Sinh viên “bóp bụng” chống chọi với “bão” giá

Những tháng gần đây, giá cả tăng đã tác động đến tất cả mọi người dân. TP Cần Thơ tập trung rất đông sinh viên (SV) đến từ các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, trong đó, phần lớn là con em nhà nông. Trong cơn bão giá, nhiều SV càng phải “thắt lưng buộc bụng”... để lo “ nấu sử sôi kinh”.

Giá lên: thịt càng xa, mì gói càng gần

Em Lê Thị Mỹ Hân, SV khóa 32 ngành Tài chính -Tín dụng, ở ký túc xá (KTX) Cà Mau, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT), cho biết: “Hàng tháng, gia đình gởi cho em 700.000 đồng. Lúc trước, cơm chỉ có 5.000 đồng/phần (tháng 9-2007) nên em gói ghém chi xài cũng tạm ổn. Bây giờ, tiền cơm tăng thêm 2.000 đồng/phần. Như vậy chỉ riêng tiền cơm cũng mất hết 500.000 đồng/tháng, chưa kể tiền ăn sáng”. Mỗi buổi sáng, Hân chỉ ăn qua loa, khi thì bánh ngọt, xôi, bánh mì hay mì gói “dằn” bụng cho xong...

Giá cả tăng cao, nhiều SV chọn cho mình giải pháp tự nấu ăn để tiết kiệm tiền. Nguyễn Thị Dũng Tâm, SV khóa 30 ngành Tài chính doanh nghiệp, ở dãy B19, KTX Trường ĐHCT, quê ở Bến Tre, tâm sự: “ Lúc em mới vào trường cơm chỉ có 3.000 đồng/phần (năm 2005), giờ đây đã lên đến 8.000 đồng/phần. Giá cả tăng dữ quá, em chuyển sang tự nấu ăn để tiết kiệm. Nhưng nấu ăn thời điểm này, đôi khi còn mắc hơn ăn cơm tiệm. Các loại rau cải tăng từ 500 đến 1.000 đồng; còn thịt cá tăng từ 4.000 đến 5.000 đồng/ kg... Mỗi ngày em đi chợ hết 10.000 đồng mà chỉ toàn rau, hột vịt, cá biển...”.

Nhiều bạn sinh viên thường xuyên đến ăn ở quán cơm tấm “siêu rẻ” 4.000đ/dĩa ở cạnh khoa Mác Lênin - Tư tưởng Hồ Chí Minh Trường ĐHCT để giảm mức chi tiêu. Ảnh: ĐOÀN LÝ

Để thích nghi với cuộc sống, nhiều SV nam cũng trở thành những đầu bếp. Nguyễn Văn Ửng, SV khóa 31, học ngành Luật, ở khu KTX Vĩnh Long, Trường ĐHCT, cho biết: “ Hàng tháng, gia đình cho em 500.000 đồng. Lúc trước, em đi chợ ngày 20.000 đồng. Giờ giá thực phẩm lên nhanh quá, em đi chợ chỉ mua rau cải và cá. Lâu lắm rồi, em chưa biết ăn thịt là gì!”.

Nhiều bạn SV, những ngày cuối tháng túi tiền lép xẹp, đành chọn giải pháp: sáng mì gói, chiều mì tôm và tối lại mì gói. Nhưng thức ăn quen thuộc gắn với những sinh viên nghèo, xa nhà giờ cũng lên giá, tăng từ 200-700 đồng/gói.

Cắt giảm chi tiêu

Trường ĐHCT có 14 căng- tin. Giá cơm ở căng- tin thường dao động từ 5.000-6.000đồng/phần với cơm, canh, mặn (tùy món). Nếu SV nào sang hơn có thể chọn món nhiều hơn, giá từ 8.000-10.000 đồng/phần (tùy món). Nhiều SV chọn giải pháp ăn ở căng- tin vừa ngon, rẻ, hợp vệ sinh và có thể tự chọn món phù hợp với khẩu vị. Bà Ngô Thị Lệ Thủy, Giám đốc Trung tâm dịch vụ, Trường ĐHCT, cho biết: “ Trường mở nhiều căng- tin để họ cạnh tranh nhau phục vụ tốt hơn. Mỗi tuần, chúng tôi đều có kiểm tra căng- tin đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”. Nếu gia đình gởi tiền lên không kịp, SV có thể ăn thiếu ở căng- tin 2 (đối diện dãy KTX B1, B2, Trường ĐHCT). SV mua phiếu cơm (phiếu nửa tháng và một tháng), ăn cơm đến hết thời hạn trên phiếu thì trả tiền. Nếu ăn cả tháng chỉ 400.000 đồng, rẻ hơn 20.000 đồng.

Ngoài ra, trong Trường ĐHCT có khu chợ. SV thường đi chợ ở đây, nên chợ được gọi bằng tên rất thân thương “Chợ sinh viên”. SV Nguyễn Thị Dũng Tâm cho biết: “Giá cả các loại có phần cao hơn ở chợ ngoài một chút nhưng đổi lại quãng đường đi chợ gần hơn lại dễ mua. Chẳng hạn, người bán có thể chia nhỏ từ trái bí đỏ hay trái bầu thành từng phần, bán theo yêu cầu của SV. Có những SV nghĩ ra sáng kiến góp gạo nấu cơm chung để tiết kiệm. Lê Hồng Gấm, quê ở Hậu Giang, khóa 32, học ngành Kinh tế học, ở dãy B19 KTX Trường ĐHCT hùn chung tiền với một bạn cùng phòng để giảm chi phí. Hồng Gấm cho biết: “Với 20.000 đồng/ngày đi chợ là đủ cho hai đứa”.

Nhiều SV không có chỗ ở trong KTX phải tìm nhà trọ ở bên ngoài, với mức giá dao động từ 300.000-500.000 đồng/phòng, diện tích từ 12 m2 đến 20m2. Giá nước từ 3.500-5.000 đồng/m3, còn điện từ 2.000-2.500 đồng/kwh (tùy chủ nhà trọ qui định). Trước tình hình khó khăn, để giảm chi phí, nhiều SV rủ nhau cùng thuê, ở chung một phòng.

Không bó tay, chờ xin viện trợ từ gia đình, nhiều SV năng động tìm việc làm thêm để có thêm thu nhập. Lê Hồng Gấm, quê ở Hậu Giang, tâm sự: “Lúc em mới lên học, gia đình cho mỗi tháng 450.000 đồng, em tiết kiệm lắm mới đủ. Giá cả tăng nhanh, chi tiêu bị hụt, em tranh thủ ngoài giờ học đi dạy kèm mỗi tuần 3 buổi. Mỗi tháng cũng kiếm được 300.000 đồng”. SV Lê Thị Mỹ Hân cũng tranh thủ làm đủ việc từ tiếp thị, phát tờ rơi, đến dạy kèm... để giảm bớt phần nào gánh nặng cho gia đình. Còn Nguyễn Văn Ửng may mắn tìm được việc làm thêm ở Trung tâm ngoại ngữ, Trường ĐHCT. Mỗi tháng, Ửng cũng kiếm được 300.000 đồng, trang trải cho sinh hoạt.

Trong cơn bão giá, SV cũng chịu nhiều tác động không nhỏ. Nhưng với bản tính “năng động, chịu khó” các bạn trẻ nghĩ ra nhiều cách để hạn chế chi tiêu giảm gánh nặng cho gia đình. Một tin vui cho các bạn SV, Trường ĐHCT đã hoàn chỉnh xong việc xây dựng khu chợ phục vụ sinh viên với 16 ki-ốt. Dự kiến trong tháng 1- 2008 chợ sẽ đi vào hoạt động sẽ giảm bớt phần nào khó khăn cho các em.

PHI YẾN-HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết