02/10/2019 - 23:06

Singapore dùng công nghệ giải quyết tình trạng thiếu nước 

Singapore tiêu thụ hơn 1,6 triệu mét khối nước mỗi ngày và con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 4 thập kỷ tới. Trước áp lực ngày càng tăng về tình trạng khan hiếm nước trên toàn cầu, “đảo quốc sư tử” đang phát triển nhiều công nghệ mới để tái chế và lọc nước, chuẩn bị nguồn cung nước sạch bảo đảm cho tương lai.

Vật liệu xử lý nước thải aerogel sợi carbon của Đại học Công nghệ Nanyang và EcoWorth Technology.

Vật liệu xử lý nước thải aerogel sợi carbon của Đại học Công nghệ Nanyang và EcoWorth Technology.

Quá trình đô thị hóa nhanh và nhiệt độ toàn cầu tăng cao đang khiến chúng ta ngày càng khó tiếp cận các nguồn nước tự nhiên, với 25% dân số thế giới đang sống ở những vùng chịu áp lực cao vì thiếu nước.

Nhưng tại Singapore, một đảo quốc không có nguồn nước tự nhiên, phụ thuộc nhiều vào nước tái chế và vẫn đang nhập khẩu khoảng 40% nước từ các nước láng giềng, các công nghệ mới đang giúp nước này tiến gần đến khả năng tự chủ về nguồn nước. Ngoài các công trình khử muối nước biển và tái chế nước sinh hoạt thành nước sạch, Singapore gần đây còn đưa vào sử dụng “thác nước trong nhà cao nhất thế giới” Rain Vortex. Tọa lạc tại sân bay quốc tế Changi, ưu điểm của công trình rộng 135.700m2 này là trưng thu và tái sử dụng nước mưa phục vụ cho trung tâm mua sắm, giải trí và công viên cây xanh bên trong. Lượng nước thải sau đó được tái chế và tiếp tục sử dụng.

“Singapore thực sự đã trở thành một trung tâm nước toàn cầu” - theo Shane Snyder, Giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu môi trường và nước Nanyang tại Đại học Công nghệ Nanyang. Cơ sở nghiên cứu của Snyder là một trong nhiều nơi phát triển các giải pháp về nước của Singapore.

Trong một dự án mới phối hợp với Công ty khởi nghiệp EcoWorth Technology, các chuyên gia đã chế tạo một loại bọt biển màu đen gọi là aerogel sợi carbon mà trường Nanyang cho biết có thể làm sạch nước thải trên quy mô lớn. Theo đó, một miếng bọt biển nhỏ có thể hấp thụ lượng chất thải, chất gây ô nhiễm và hạt vi nhựa với khối lượng gấp 190 lần trọng lượng của nó.

EcoWorth tin rằng tác động tiềm năng của nó là rất lớn khi chuyển đổi chất thải thành một thứ có giá trị. Giám đốc điều hành Andre Stoltz cho biết sản phẩm đang được hoàn thiện để sử dụng cho mục đích thương mại và công ty sẽ xâm nhập thị trường nước thải của Singapore, trước khi đưa vật liệu này ứng dụng trên quy mô toàn cầu. “Chúng ta có động lực lớn để độc lập về nguồn nước - nhằm kiểm soát tương lai của chính mình - điều đó phụ thuộc phần lớn vào các công nghệ đang được phát triển” - ông Snyder nói.

Thiết bị lọc nước xách tay của WateRoam.

Thiết bị lọc nước xách tay của WateRoam.

Một công ty khác, WateRoam, hướng tới mục tiêu đưa công nghệ xử lý nước của Singapore vươn xa đến toàn khu vực. Được thành lập vào năm 2014, WateRoam cho biết thiết bị lọc nước xách tay gọn nhẹ do họ chế tạo đến nay đã cung cấp nước uống cho hơn 75.000 người ở khắp Đông Nam Á. Dù kích cỡ chỉ lớn hơn ống bơm xe đạp một chút, nhưng thiết bị này có thể cung cấp nước sạch cho những ngôi làng với khoảng 100 dân trong thời gian lên tới 2 năm.

Giám đốc điều hành WateRoam - David Pong - cho rằng một trong những khía cạnh sáng tạo nhất của sản phẩm là sự đơn giản. “Vì chúng tôi xem nước là vấn đề cơ bản và là hàng hóa cơ bản... nên chúng tôi cần công nghệ cơ bản để giải quyết vấn đề này”, ông Pong nói và cho biết thêm là bất cứ ai cũng có thể chọn sản phẩm này và dễ dàng sử dụng nó.

HOÀNG ĐIỂU (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Singapore