14/04/2022 - 09:09

Saudi Arabia thể hiện bất mãn với Mỹ 

MAI QUYÊN

Trong động thái gây thêm căng thẳng với Mỹ, các nguồn tin tiết lộ quyết định của Saudi Arabia về việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) ngừng sử dụng dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) xuất phát từ lo ngại ảnh hưởng của Washington đối với khuôn khổ này.

Một khu khai thác dầu mỏ ở Saudi Arabia. Ảnh: Reuters

Sau cuộc thảo luận do Saudi Arabia và Nga đồng chủ trì hồi tháng 3, OPEC+ nhất trí loại nguồn dữ liệu của IEA trong đánh giá thị trường dầu mỏ. Quyết định này chủ yếu mang tính biểu tượng, vì OPEC+ tham khảo từ ít nhất 6 nguồn bên ngoài trước khi đưa ra thông tin về cung và cầu trên thị trường dầu mỏ. Dù vậy, Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin cho biết động thái của OPEC+ phản ánh bất mãn tích tụ về những gì mà họ coi là sự thiên vị của tổ chức trên đối với Mỹ.

Nguồn cơn mâu thuẫn

Trực thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, IEA được thành lập vào năm 1974 để giúp các nước công nghiệp đối phó cuộc khủng hoảng năng lượng liên quan Chiến tranh Trung Ðông 1973-1974. 

IEA hiện có 31 thành viên, bao gồm Mỹ với vai trò nhà hỗ trợ tài chính hàng đầu, chịu trách nhiệm tư vấn cho chính phủ các nước phương Tây về sách lược năng lượng. Quan hệ giữa IEA và OPEC được xem là ổn định cho đến năm ngoái khi hai bên có quan điểm trái ngược về nhu cầu dầu mỏ trong nhiều thập kỷ tới. Theo đó, OPEC+ dự báo nguồn nhiên liệu hóa thạch này vẫn giữ vai trò chủ đạo trong ngành năng lượng với nhu cầu toàn cầu tiếp tục tăng đến năm 2045. Ngược lại, IEA cho biết nhu cầu dầu mỏ không trở lại mức đỉnh mà sẽ giảm để thế giới đạt mục tiêu trung hòa khí thải CO2 vào năm 2050.

Ðánh giá trên cùng đề nghị sau đó của IEA về việc OPEC+ tăng sản lượng để giảm giá dầu như mong muốn của Mỹ cùng đồng minh đã vấp phải chỉ trích từ các nhà sản xuất Arab. Ðến tháng 2, IEA tiếp tục gây bất ngờ khi nâng dự báo nhu cầu dầu thế giới năm nay lên mức kỷ lục mọi thời đại là 100,6 triệu thùng/ngày, tăng 3,2 triệu thùng/ngày so với dự báo trước đó. IEA cũng hối thúc OPEC+ thu hẹp khoảng cách chênh lệch để đạt sản lượng mục tiêu, giúp ổn định giá nhiên liệu và tránh rủi ro bất ổn gây ảnh hưởng lớn tới kinh tế. Theo các nhà chuyên môn, mối đe dọa này sẽ giảm đi nếu các nhà sản xuất Trung Ðông đang dư thừa công suất bù đắp cho các quốc gia không có khả năng tăng sản lượng. Vấn đề là hai nước nắm giữ phần lớn công suất dự phòng trong OPEC là Saudi Arabia cùng Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) lại không muốn hành động.

Cho đến giao tranh Nga - Ukraine bùng phát, dự đoán của IEA về tác động của các lệnh trừng phạt đối với Nga tiếp tục thu hút chỉ trích từ OPEC. Ðến nay, nhóm vẫn phớt lờ lời kêu gọi bơm thêm dầu của Mỹ và đồng minh nhằm “hạ nhiệt” giá dầu tăng lên mức cao nhất trong 14 năm sau khi phương Tây áp trừng phạt Mát-xcơ-va. Nhiều nước Arab cho rằng các dự báo của IEA mang tính phóng đại chỉ vì muốn họ tăng sản lượng. Với chủ trương của Saudi Arabia và UAE cho rằng OPEC+ nên đứng ngoài chính trường, tổ chức này bất chấp sức ép từ phương Tây, chỉ đồng ý tăng nhẹ sản lượng sau cuộc họp vào cuối tháng 3.

Gia tăng căng thẳng Mỹ - Saudi Arabia

Trước khi lên tiếng loại IEA khỏi nguồn tham khảo, Saudi Arabia trước đó đã công khai thể hiện bất mãn với Washington khi cân nhắc cho Trung Quốc dùng nội tệ thay vì đồng USD thanh toán tiền dầu. Saudi Arabia cùng UAE cũng từ chối các cuộc gọi từ Tổng thống Joe Biden nhằm vận động hỗ trợ Ukraine và kiềm giá dầu.

Trong bối cảnh này, Hãng tin Intercept cho biết các thành viên đảng Dân chủ ở Hạ viện Mỹ đã thảo một lá thư yêu cầu Ngoại trưởng Anthony Blinken cung cấp thông tin về đánh giá của chính quyền trong quan hệ với Saudi Arabia. Các nghị sĩ cũng thúc giục người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ tìm cách “tái cân bằng” chính sách liên quan Riyadh dựa trên giá trị và lợi ích quốc gia.

Theo các chuyên gia, quan điểm của Nhà Trắng với Saudi Arabia gần đây đã mềm mỏng hơn so với lúc Tổng thống Biden nhậm chức. Nó xuất phát từ thực tế Washington muốn thông qua quan hệ đối tác tồn tại nhiều thập kỷ giúp đảm bảo ảnh hưởng ở khu vực. Nhưng tình hình trở nên phức tạp khi cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine đẩy giá xăng dầu leo thang ở nhiều nước, còn Saudi Arabia với tư cách quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới lại từ chối hợp tác với Washington để tăng sản lượng dầu. Trong bối cảnh lạm phát gia tăng, Tổng thống Biden chấp nhận giải phóng 180 triệu thùng dầu từ Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược như một phần nỗ lực kéo giảm giá xăng trước khi diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ mà đảng Dân chủ có thể mất quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội vào phe Cộng hòa. Dự báo thời gian tới, giới chuyên môn cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục nhích lại gần Riyadh. Vấn đề là Thái tử Mohammad bin Salman của Saudi Arabia sau thời gian bị “ngó lơ” vì vấn đề nhân quyền có thể chưa sẵn sàng với sự thân thiện của Washington.

Chia sẻ bài viết