07/01/2019 - 09:11

Kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh, bảo vệ biên giới Tây Nam của tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979-7/1/2019)

Sáng ngời tinh thần quốc tế cao cả 

Tháng 5-1975, lực lượng Khmer Đỏ nắm quyền ở Campuchia, đưa quân chiếm đóng một số đảo trong vùng biển Tây Nam và liên tục gây hấn biên giới Tây Nam (trên bộ) nước ta. Lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Hậu Giang (nay là Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng) nói riêng và Quân khu 9 (QK9) nói chung đã chiến đấu bảo vệ biên giới, đồng thời phối hợp với các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng giải phóng hoàn toàn Thủ đô Phnôm Pênh vào ngày 7-1-1979. Quân tình nguyện Việt Nam đã giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, hồi sinh và phát triển...

Ông Trần Văn Tư (bìa phải) kể lại kỷ niệm những năm giúp bạn với các thành viên Đoàn Thống tướng Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Campuchia do Thống tướng Sok Phol làm Trưởng đoàn khi Đoàn đến chào xã giao lãnh đạo Thành ủy Cần Thơ. Ảnh: Phạm Trung

Bảo vệ biên cương Tổ quốc

Giữa tháng 5-1975, quân Khmer Đỏ dùng lực lượng xâm lấn biên giới Tây Nam. Có nơi chúng thọc sâu vào lãnh thổ nước ta, nhổ các cột mốc… Lúc này, chủ trương của ta về vấn đề biên giới là tăng cường đoàn kết hữu nghị trên nguyên tắc bảo đảm tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của nhau, tránh mọi khiêu khích vũ trang… Đêm 30-4-1977, quân Khmer Đỏ bất ngờ nổ súng tấn công vào lãnh thổ Việt Nam. Lực lượng của ta trên tuyến biên giới đã chặn đánh địch quyết liệt, gây cho chúng nhiều thiệt hại… Đầu tháng 12-1977, QK9 mở chiến dịch tiến công sâu vào đất Campuchia nhằm tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận sinh lực địch; phá bàn đạp xuất phát tiến công của địch sang đất ta; tạo điều kiện cho cách mạng và nhân dân Campuchia nổi dậy…

Sau khi giành nhiều thắng lợi, QK9 rút toàn bộ lực lượng về biên giới. Đồng thời chỉ đạo các địa phương nhanh chóng củng cố, xây dựng lực lượng du kích, dân quân tự vệ; tiếp tục truy quét tàn quân và bọn phản động còn trên địa bàn… Nhằm tăng cường lực lượng cho tuyến biên giới, QK9 điều động một số tiểu đoàn của các tỉnh phía sau lên phối hợp với lực lượng các tỉnh biên giới, bố trí khu vực phòng thủ. Theo Đại tá Phan Thanh Tâm, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tây Đô (TĐTĐ), Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang (cũ) có TĐTĐ và Tiểu đoàn Phú Lợi đóng quân trên các địa bàn Châu Đốc, Tịnh Biên, Phú Châu, Tân Châu… Bộ đội các đơn vị phần nhiều là tân binh, lại chiến đấu ở vùng đồi núi nên gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, cán bộ, chiến sĩ các tiểu đoàn đã vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ biên giới của Tổ quốc.

Tháng 12-1978, Khmer Đỏ huy động 10 sư đoàn mở cuộc tổng tiến công trên toàn tuyến biên giới. Đáp lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, quân ta mở cuộc tổng phản công – tiến công trên toàn tuyến biên giới, lần lượt tiêu diệt và làm tan rã cơ bản 3 cụm quân chủ lực địch án ngữ đường tiến về Thủ đô Phnôm Pênh. LLVT Quân khu được giao nhiệm vụ phối hợp với Quân đoàn 4 tiến công trên hướng chủ yếu đánh chiếm Phnôm Pênh. Trong đó có các cơ sở quan trọng của địch, như: Sân bay quốc tế Pôchentông, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh thiết giáp, Đài phát thanh... Chiều 7-1-1979, các sư đoàn thuộc QK9 đã phối hợp với Quân đoàn 4 giải phóng hoàn toàn Thủ đô Phnôm Pênh.

Chiến sĩ Tiểu đoàn Tây Đô tổ chức phòng ngự, chuẩn bị tấn công ở huyện Tức-Phốt, tỉnh Côngpông Chnăng ( năm 1986).

Trên đường tiến về Phnôm Pênh, các sư đoàn chủ lực của QK9 và Quân đoàn 4 đánh tan tác các sư đoàn quân Pôn Pốt, buộc chúng phải rút lui. Nhưng khi các đơn vị chủ lực của ta đi qua, quân Pôn Pốt lại tràn ra đánh phá dữ dội, nhiều nơi địch còn có xe tăng yểm trợ. LLVT Cần Thơ và các tỉnh đóng quân ở Cầnđan, Tàkeo, Campốt… đã chiến đấu dũng cảm, đập tan nhiều cuộc tấn công của chúng; nhưng cũng chịu nhiều thiệt hại, hy sinh. Từ  năm 1979-1989, LLVT Cần Thơ tiếp tục ở lại cùng nhân dân và các LLVT Campuchia chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng lại đất nước. Trong đó, LLVT Cần Thơ đã sát cánh cùng quân và dân cách mạng tỉnh Côngpông Chnăng liên tục tiến công tiêu diệt địch, giúp bạn xây dựng chính quyền cách mạng ngày một lớn mạnh, tự đảm đương được nhiệm vụ. 10 năm giúp bạn Campuchia, LLVT Cần Thơ đã phối hợp với các đơn vị bạn loại khỏi vòng chiến đấu 2.848 tên; thu 2.410 súng các loại, 12 máy thông tin; bắn cháy 2 xe, thu 1 tàu và nhiều phương tiện chiến tranh khác. Kịp thời phát hiện 296 vụ phá hoại của địch, bắt 4.376 tên; giúp chữa bệnh cho 15.792 lượt người dân Campuchia... Đại tá Phan Thanh Tâm, nguyên Tiểu đoàn trưởng TĐTĐ, kể: “Một trong những chiến công vẻ vang của LLVT Cần Thơ là trận đánh ngày 2-11-1987, TĐTĐ đã phối hợp với lực lượng của bạn đánh tan 1 Sư đoàn quân Pôn Pốt với 500 tên trên địa bàn sông nước. Trận này quân ta tiêu diệt hơn 100 tên, thu 100 xuồng và nhiều vũ khí, buộc địch phải bỏ chạy về biên giới Campuchia - Thái Lan”.

Nghĩa tình Việt Nam - Campuchia

Tại buổi gặp mặt nhân kỷ niệm 40 năm Chiến thắng chiến tranh biên giới Tây Nam của Tổ quốc vào cuối tháng 12-2018, Trung tướng Nguyễn Hoàng Thủy, Tư lệnh QK9, cho biết: Trong chiến tranh biên giới Tây Nam, LLVT Quân khu là một trong những lực lượng quan trọng góp phần vào thắng lợi chung. Sau khi chế độ Pôn Pốt sụp đổ, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam thuộc QK9 tiếp tục 10 năm giúp nhân dân Campuchia xây dựng lực lượng và tái thiết đất nước. Tháng 7-1981, Bộ Quốc phòng thành lập Mặt trận 979 do cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu đảm nhiệm. Các sư đoàn bộ binh 4, Sư đoàn bộ binh 8, Sư đoàn bộ binh 330, Đoàn Quân sự các tỉnh thuộc QK9 và một số đơn vị binh chủng tăng cường, đứng chân trên địa bàn các tỉnh Đông Nam Campuchia, như: Côngpông Xpư, Côngpông Chnăng, Pôxát, Tàkeo… Các lực lượng đã thực hiện tốt nhiệm vụ giúp bạn theo tinh thần “Ngành giúp ngành, tỉnh giúp tỉnh, huyện giúp huyện”.

Gần 30 năm sau ngày rời Campuchia, ông Trần Văn Tư (Tư Tranh), nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang (cũ), nguyên Trưởng Đoàn chuyên gia thống nhất (bao gồm Đoàn 9902) tỉnh Hậu Giang vẫn rưng rưng khi kể lại chuyện những ngày tham gia giúp bạn. Ông Tư Tranh nói: “Tôi ở Côngpông Chnăng giai đoạn 1987-1988. Kỷ niệm với đồng chí, đồng đội thì nhiều nhưng nhớ nhất là lần tôi dự lễ đưa hài cốt các liệt sĩ về quê hương. Ở Côngpông Chnăng, chúng ta có xây dựng một nghĩa trang tạm để chôn các cán bộ, chiến sĩ. Nhiều liệt sĩ mới hy sinh, thịt vẫn còn nên lực lượng cải táng phải vuốt ra để mang hài cốt các anh em về. Nhìn cảnh đó tôi không kìm được nước mắt!”.

 Sau khi chế độ Pôn Pốt bị lật đổ, quân Khmer Đỏ chạy sang biên giới Thái Lan. Số còn lại lẩn trốn vào rừng núi. Chúng bắt dân Campuchia vào rừng để làm lá chắn sống nhằm đánh du kích với quân tình nguyện Việt Nam. Bộ đội ta phải luồn sâu vào rừng truy quét tàn quân. Sau khi địch bỏ chạy, bộ đội lại khiêng những người dân đã kiệt sức sau những tháng ngày bị đày đọa ra ngoài để cứu chữa, chăm sóc. “Lương thực, thuốc men của bộ đội không nhiều nhưng mọi người đều chia sẻ với người dân Campuchia vốn bị đói khát, bệnh tật hành hạ nhiều năm. Ngày tổng kết 10 năm giúp bạn, tôi tham gia viết báo cáo và trình bày trong hội nghị có gần 200 người tham dự. Cả hội trường im phăng phắc để nghe tôi đọc. Khi tôi đọc xong, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Côngpông Chnăng đến ôm chặt tôi rất lâu. Phía bên dưới nhiều cán bộ Campuchia đã khóc. Nghĩa tình Việt Nam – Campuchia là vậy, thương nhau và tin nhau như anh em một nhà” - ông Tư Tranh nhớ lại.

Đại tá Trần Thành Nghiệp, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Cần Thơ, chuyên gia Đoàn 9902, cho biết: Những năm giúp bạn, LLVT Cần Thơ vừa tổ chức giúp dân, vừa đánh địch, xây dựng cơ sở chính trị, xã hội…  Những ngày Tết cổ truyền của nước bạn hay của Việt Nam, các đơn vị bộ đội đều tổ chức đến thăm và tặng quà, tặng quần áo cho những người dân nghèo. Ngày Đoàn 9902 về nước, Tỉnh ủy Côngpông Chnăng tổ chức lễ mít tinh rất trọng thị. Quân tình nguyện về ngang các huyện 12, 18 thì cấp ủy, chính quyền, người dân Campuchia đều ra chào tạm biệt. Nhiều cán bộ, người dân Campuchia quyến luyến, vẫy tay mãi, nhiều người khóc khi tiễn bộ đội lên xe…

Trung tướng Nguyễn Hoàng Thủy, Tư lệnh QK9 đúc kết: Những chiến tích của Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc vẫn mãi lay động trái tim của mỗi người dân, là bài học quý giá giúp chúng ta vững tiến lên phía trước. Thắng lợi này khẳng định nhân dân Việt Nam với ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế trong sáng, sẵn sàng đập tan bất kỳ âm mưu và hành động chống phá nào của các thế lực phản động, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Chiến thắng có ý nghĩa lịch sử đặc biệt với vận mệnh đất nước Campuchia, xóa bỏ hoàn toàn chế độ diệt chủng của tập đoàn Pôn Pốt, thành lập chế độ Cộng hòa nhân dân Capuchia. Đây là thắng lợi chung của nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia đã kề vai, sát cánh, cùng nhau đánh đổ chế độ diệt chủng tàn bạo có một không hai trong lịch sử nhân loại....

Phạm Trung

Chia sẻ bài viết