13/09/2008 - 10:29

"Sân sau" của Mỹ dậy sóng

Trả đũa việc Bolivia trục xuất Đại sứ Mỹ Philip Goldberg, ngày 11-9, Washington đã yêu cầu Đại sứ Bolivia tại Mỹ Gustavo Guzman cuốn gói về nước. Để tiếp lửa cho đồng minh, vài giờ sau, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez buộc Đại sứ Mỹ tại nước này Patrick Duddy phải rời khỏi Caracas trong vòng 72 giờ, đồng thời triệu hồi đại sứ ở Washington về nước. Vài ngày trước đó, Venezuela đã chấp nhận cho 2 máy bay ném bom chiến lược TU-160 của Nga hạ cánh xuống sân bay quân sự Libertador, nhằm chuẩn bị cho cuộc tập trận chung giữa hai nước trên biển Caribbe, trong khi Nicaragua tỏ ra thách thức Mỹ khi theo chân Nga công nhận độc lập cho 2 khu vực ly khai khỏi Gruzia là Nam Ossetia và Abkhazia... Có thể nói Mỹ La-tinh, được Washington xem là “sân sau” của mình, đang thực sự dậy sóng.

 Tổng thống Venezuela Chavez tố cáo Mỹ âm mưu lật đổ ông.

Tại Bolivia, phong trào chống Tổng thống Evo Morales nổi lên ở khu vực phía Đông nước này suốt 2 tuần qua. Lực lượng biểu tình đã chiếm các công sở và sân bay, phong tỏa đường ống dẫn khí đốt; nhiều người đã thiệt mạng. Đất nước Bolivia đối mặt với sự chia rẽ sâu sắc giữa dân da trắng ở các tỉnh phía Đông, trong đó có 4 tỉnh đòi tự trị Santa Cruz, Tarija, Beni và Pando, với dân bản xứ ở phía Tây. Là tổng thống dân cử người bản địa đầu tiên, ông Morales quyết tâm quốc hữu hóa một số ngành công nghiệp và phân phối lại lợi nhuận tài nguyên cho phần lớn dân nghèo là người bản xứ. Ông cáo buộc Đại sứ Mỹ Goldberg là người “giật dây” phong trào chống đối chính quyền, gây nên tình hình bất ổn hiện nay nên quyết định trục xuất ông này.

Phát biểu trên truyền hình ngày 11-9, Tổng thống Venezuela Chavez cho biết lực lượng an ninh nước này vừa bắt giữ một số sĩ quan quân đội âm mưu ám sát ông. Đây không phải là lần đầu tiên ông Chavez bị mưu sát và lần nào cũng có bàn tay của ngoại bang. Tổng thống Chavez khẳng định âm mưu ám sát ông nằm trong một chiến dịch do Mỹ thực hiện nhằm chống lại các chính phủ tiến bộ và được bầu một cách dân chủ tại Mỹ La-tinh. Theo ông, cách đây ít ngày, Phủ Tổng thống và các văn phòng riêng của Tổng thống Guatemala Alvaro Colom cũng đã bị cài thiết bị nghe trộm. Ông Chavez cảnh cáo nếu Washinton thực hiện những âm mưu đó, Caracas sẽ ủng hộ các phong trào vũ trang đấu tranh chống lại âm mưu lật đổ của Mỹ, bảo vệ các chính quyền nhân dân trong khu vực. Tổng thống Chavez cũng tuyên bố sẵn sàng can thiệp vào Bolivia trong trường hợp ông Morales bị lật đổ bằng đảo chính quân sự. Việc Venezuela trục xuất Đại sứ Mỹ Duddy là lời cảnh cáo đối với Mỹ.

Ngoài việc ủng hộ Nga trong cuộc xung đột với Gruzia, Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega còn gây khó chịu cho Washington khi tuyên bố ủng hộ chính quyền Bolovia dùng các “biện pháp cần thiết” để trấn áp phong trào nổi dậy. Do đó, Đại sứ Mỹ tại Nicaragua Robert Callaban vừa cho biết chuyến thăm dự kiến tới quốc gia Trung Mỹ này của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Carlos Gutierrez phải hoãn lại vì “tình hình đã thay đổi”.

Chỉ còn 2 tháng nữa Mỹ sẽ tiến hành bầu tổng thống mới. Dù ông Barack Obama của đảng Dân chủ hay John McCain của đảng Cộng hòa lên nắm quyền thì đều phải đối mặt với vấn đề hết sức hóc búa: lấy lại vị thế đang sụt giảm của Washington tại Mỹ La-tinh.

N.MINH (Theo THX, AFP, CNN)

Chia sẻ bài viết