09/10/2010 - 22:16

Rối rắm "Hi... hô... hì... hồ..."

Gần đây, nhiều ca sĩ, đặc biệt là ca sĩ trẻ và bạn trẻ yêu âm nhạc thường tải những bản nhạc tự thu âm lên các trang mạng giải trí. “Nhạc online” được xem là phương tiện mới để nhiều người tìm một chỗ đứng trong làng giải trí. Nhưng cũng chính “nhạc online” đang góp phần cho nhạc Việt rối rắm.

Nếu như một số ca sĩ trẻ như Thùy Chi, Bảo Thy, Noo Phước Thịnh, Reno Bình, Quỳnh Nga, Đông Nhi... đã thành công trong việc tự giới thiệu mình thông qua mạng Internet, thì nhiều ca sĩ trẻ cũng nhìn vào đó để bắt chước “cầu may” nổi tiếng. Tuy nhiên, những người bắt chước không hề biết các ca sĩ tên tuổi này phải trải qua quá trình rèn luyện để trở thành những ngôi sao như ngày nay.

Công bình mà nói, cũng có nhiều album, bài hát được phát hành trên mạng Internet có chất lượng khá tốt. Nhưng hiện nay tình trạng “nhạc online” đã tạo nên những hệ lụy. Trước hết, bởi sự phát hành “tự do”, ai cũng có thể làm album nên chuyện tranh chấp quyền tác giả, đạo nhạc, tác phẩm dung tục, phản nghệ thuật... xảy ra phổ biến.

Bên cạnh “chôm chĩa” những ca khúc đã nổi tiếng, vi phạm tác quyền, những “ca sĩ” này còn tự sáng tác những bài hát có nội dung nhảm nhí, bi lụy. Thật nổi “gai ốc” khi phải nghe những ca từ kiểu: “Tình mình như cái ly bể, tình mình vụn vỡ thật sao? Đập vào con tim anh đây, đập vào con tim em đây. Đau thật đau, biết làm sao? Chỉ biết cắn răng mà thôi” (“Bể cái ly”) hay những ca từ ngô nghê: “Nhà anh đây em yêu cứ ghé qua xem nè. Trên ban công kia chỉ có chuông gió thôi. Gió rất mát nếu em ngồi trên tầng hai. Em say không trong đây là trà hoa nhài. Chớ có tiếc, phòng anh chỉ còn bộ bài. Em chơi không sao cứ đi qua, đi lại hoài...” (“Ngôi nhà rơm”). Những bài hát online này thường có giai điệu như đọc ráp trên nền nhạc là vài tiếng đàn “ò í e”. Loại âm nhạc phản cảm kiểu này tác động xấu đến thị hiếu của khán giả, đặc biệt là giới trẻ.

Quy trình sản xuất một album nhạc thông thường trước hết phải xin phép phát hành đến các khâu phức tạp: hòa âm, phối khí, thu âm, thiết kế bìa... Trong khi đó, để phát hành nhạc online, ca sĩ chỉ cần đến phòng thu nào đó thu âm và... thực hiện. Thậm chí, nhiều trường hợp chỉ thu bài hát bằng máy ghi âm, máy quay phim, điện thoại di động... rồi tải lên mạng là coi như xong “một tác phẩm”. Họ còn sử dụng bản nhạc nền lấy từ đĩa karaoke rồi hát “karaoke vào”. Làm kiểu này bất kỳ ai cũng có thể làm cho mình một album rất đơn giản, ít tốn kém lại không bị kiểm duyệt. Chưa kể đến chiêu tiếp thị: Kèm theo bài hát là hàng loạt hình ảnh, tiểu sử, nhân thân... có khi cả ảnh sex để khán giả biết đến họ. Họ quan niệm, nếu “hên”, chỉ cần một ca khúc được khán giả tuổi mới lớn yêu thích, họ đã nghiễm nhiên thành ca sĩ!?

Với các bài hát được thu âm một cách tự phát, thủ công, thiếu đầu tư như vậy thì cái mà khán giả nghe được chỉ là những tiếng ầm ầm, tạp âm thậm chí có cả tiếng gà gáy, chó sủa, xe chạy(!) Một số ca khúc còn sử dụng nhạc nền của các ca khúc nước ngoài để “hô biến” nó thành của mình, nhưng giai điệu và lời ca lại không dính gì với nhau...

Tình trạng này trước hết là trách nhiệm của các trang web nghe nhạc trực tuyến không gạn lọc, kiểm định kỹ càng trước khi tải lên.

Dẫu biết rằng những sản phẩm âm nhạc rẻ tiền rồi sẽ qua đi chóng vánh nhưng với tần suất xuất hiện trên phương tiện truyền thông mạnh mẽ là Internet thì ít nhiều “nhạc online” tác động đến định hướng thẩm mỹ và tâm lý của giới trẻ khiến nhiều người yêu nhạc và người làm nghệ thuật chân chính phải lo âu.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết