Theo thống kê của ngành y tế, 3 loại ung thư (UT) thường gặp ở phụ nữ là UT vú, cổ tử cung và buồng trứng. Ðiều đáng tiếc là có trên 1/2 số ca phát hiện ở giai đoạn muộn, nhất là UT buồng trứng. Trong khi nếu phát hiện sớm, bệnh nhân có cơ hội điều trị khỏi hoàn toàn, ít tốn kém.
TS.BS Hồ Long Hiển thăm hỏi, động viên người bệnh sau phẫu thuật.
Không tầm soát vì sợ phát hiện bệnh
Vừa trải qua phẫu thuật đoạn nhũ, chị T (50 tuổi ở xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long), kể: “Một hôm nằm ngủ, sờ bên ngực trái có cục u bằng đầu ngón tay. 3 ngày sau tôi tìm đến Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ khám, 10 ngày thì có kết quả bị UT vú. Khi nghe kết quả, tôi đã bật khóc. Ở quê, quanh năm lo làm vườn, chăm sóc chồng con, nên chưa từng nghĩ đến việc đi tầm soát, khám sức khỏe định kỳ”. Theo chị T, người thân khi nghe tin chị bị UT, cháu ruột chị cũng từng bị UT, nên đã động viên chị đến bệnh viện điều trị.
Một nữ bệnh nhân khác là chị C.T.T, 40 tuổi ở huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Khi sờ ngực tôi cảm giác có khối u. Ban đầu cứ tưởng bị “trái chàm”, đến khi khối u ngày một to lên, tôi mới đến bệnh viện khám. Bác sĩ chỉ định phẫu thuật đoạn nhũ. Tôi cũng chưa từng tầm soát UT hay khám sức khỏe tổng quát”.
Theo TS.BS Hồ Long Hiển, Trưởng Khoa Ngoại II, Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ, phần lớn bệnh nhân UT khi đến bệnh viện khám, điều trị đã ở giai đoạn muộn. “Nguyên do chị em, nhất là ở nông thôn, ít quan tâm tầm soát phát hiện sớm bệnh. Khi có triệu chứng, mới đến bệnh viện. Khi bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn, điều trị phức tạp, rất tốn kém mà hiệu quả điều trị không cao, ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Trong khi nếu phát hiện sớm, điều trị đỡ tốn kém, cơ may khỏi bệnh cao”, TS.BS Hồ Long Hiển cho biết.
Phát hiện sớm, cơ hội khỏi bệnh
TS.BS Hồ Long Hiển cho biết thêm: với cổ tử cung, nếu phát hiện ở giai đoạn tiền UT, thầy thuốc xử trí bằng phương pháp đơn giản như khoét chóp cổ tử cung, áp lạnh, giải quyết tổn thương tiền UT, ngăn ngừa tiến triển thành UT cổ tử cung. Nếu phát hiện UT cổ tử cung ở giai đoạn sớm, bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi bằng phẫu thuật, xạ trị.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, những người có nguy cơ cao cần tầm soát UT vú gồm: Bị UT vú 1 bên thì nguy cơ bị UT vú bên kia tăng lên; có mẹ, dì, chị em ruột bị UT vú, đặc biệt lúc trẻ tuổi; đột biến gien BRCA1 và BRCA2 gia tăng nguy cơ UT vú; béo phì; bắt đầu có kinh sớm, mãn kinh trễ; không có con, có con đầu sau 35 tuổi; uống rượu quá đà, hút thuốc lá; dùng liệu pháp nội tiết thay thế (để giảm các triệu chứng mãn kinh).
Ðối với UT cổ tử cung, người có nguy cơ cao cần tầm soát bao gồm: Những người nhiễm virus HPV, đặc biệt tuýp nguy cơ cao 16 và 18; nhiều bạn tình; quan hệ tình dục sớm; mắc các bệnh lây lan qua đường tình dục; hệ miễn dịch yếu (nhiễm HIV, AIDS); hút thuốc lá.
Ðối với UT buồng trứng, người có nguy cơ cao cần tầm soát bao gồm: Ðột biến gien BRCA1 và BRCA2; tiền sử gia đình có người mắc UT buồng trứng; đã mắc trước UT vú, ruột già, tử cung; tuổi càng lớn, nguy cơ tăng dần; không có thai lần nào.
Về phương tiện tầm soát, nhũ ảnh vẫn là phương tiện đầu tay để tầm soát và chẩn đoán sớm UT vú. Các phương tiện khác như: Khám vú lâm sàng bởi nhân viên y tế, siêu âm, MRI cũng được đề xuất là phương tiện tầm soát UT. Phụ nữ nhóm bình thường hoặc có nguy cơ trung bình (có mẹ, dì, chị em ruột mắc UT vú): từ 40 trở lên được chụp nhũ ảnh cứ 1-2 năm một lần. Phụ nữ nguy cơ cao (đột biến gien BRCA1 và BRCA2): Tầm soát mỗi năm bằng nhũ ảnh và MRI bắt đầu từ 30 tuổi.
Ðối với UT cổ tử cung: Phụ nữ đã lập gia đình hoặc đã có quan hệ tình dục thì nên đi khám phụ khoa hằng năm. Tầm soát bằng xét nghiệm PAP mỗi 3 năm hoặc đồng thời vừa làm xét nghiệm PAP vừa làm xét nghiệm HPV mỗi 5 năm. Khi kết quả có tế bào bất thường hoặc HPV (+) với tuýp 16, 18 thì cần kết hợp thêm soi cổ tử cung, nếu phát hiện sang thương ở cổ tử cung thì phải sinh thiết để xác định chẩn đoán và xử trí thích hợp.
Về UT buồng trứng: Ðối với phụ nữ có nguy cơ cao nên cảnh giác, đi khám phụ khoa định kỳ và siêu âm vùng bụng chậu, khi phát hiện bất thường có thể sẽ được chụp thêm CT scan hoặc MRI để xác định chẩn đoán. Xét nghiệm kháng nguyên CA125 không có giá trị phát hiện sớm UT buồng trứng.
Khi có các dấu hiệu bất thường, chị em phụ nữ cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám chuyên khoa. Theo Hiệp hội phòng chống ung thư quốc tế (UICC), 40% số người mắc UT lẽ ra có thể phòng ngừa được. Vì thế, mọi người nên có nếp sống lành mạnh, tránh xa khói thuốc lá, tránh uống rượu quá đà, phòng tránh bệnh nhiễm, tập thể dục đều đặn, ăn đúng, ăn lành, giữ cân nặng vừa phải... cũng là các biện pháp tích cực phòng ngừa bệnh UT.