04/09/2013 - 13:55

XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân

Quá trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), huyện Thới Lai xác định, người dân chính là chủ thể, nguồn lực quan trọng đóng góp tiền của, công sức để hoàn thành các tiêu chí về XDNTM. Huyện đã tập trung đề ra các giải pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, làm nền tảng vận động đóng góp XDNTM.

Phát triển sản xuất, giải quyết việc làm

Các xã XDNTM trên địa bàn huyện đang tập trung hoàn thành nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất: tiêu chí về thu nhập - tiêu chí số 10, tỷ lệ hộ nghèo – tiêu chí số 11, cơ cấu lao động – tiêu chí số 12, hình thức sản xuất – tiêu chí số 13… Hiện nay, đã có 7/12 xã đạt tiêu chí số 10, 5 xã đạt tiêu chí 11, 4 xã đạt tiêu chí 12 và 9 xã hoàn thành tiêu chí 13. Theo Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình XDNTM huyện Thới Lai, công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn được huyện thực hiện theo hướng lâu dài, liên tục và đồng bộ. Để khuyến khích nông dân tăng gia sản xuất, huyện tổ chức hơn 1.230 buổi tập huấn, gần 200 hội thảo, trình diễn 25 mô hình, 5 cuộc tham quan… phục vụ sản xuất. Đồng thời, tích cực thực hiện các chính sách hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Kết quả, trên địa bàn huyện đã có 197 máy cày, 302 máy xới, gần 1.720 máy sạ hàng, 90 máy gặt đập liên hợp… Chính sách đã tác động rất lớn đến nhận thức của người dân trong việc đẩy mạnh cơ giới hóa, hạ giá thành sản xuất, giảm tối đa thất thoát sau thu hoạch.

Mô hình “Cánh đồng lớn” giúp nông dân giảm chi phí, tăng thêm thu nhập đang được lãnh đạo huyện Thới Lai khuyến khích nhân rộng.

Ông Huỳnh Văn Giàu, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, cho biết: “Thực hiện Nghị quyết 06 của Huyện ủy Thới Lai về phát triển kinh tế hộ, Trường Xuân định hướng nông dân sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi thích hợp với điều kiện, thổ nhưỡng; tận dụng triệt để diện tích đất ruộng, vườn, bờ liếp, mặt nước để vừa nâng cao thu nhập vừa cải thiện bữa ăn gia đình. Đối với hộ gia đình là cán bộ, đảng viên phải làm gương, đi đầu trong phong trào tăng gia sản xuất…”. Theo ông Huỳnh Văn Giàu, cây lúa là cây trồng chủ lực nên xã tổ chức cho nông dân sản xuất theo mô hình “Cánh đồng lớn” quy mô 643ha (ấp Trường Khương, Thanh Di, Trường Thọ và Thới Thanh); phát triển vùng lúa chất lượng cao kết hợp với nuôi thủy sản (ấp Thới Ninh, Thới Thanh, Thanh Nhung và Thanh Di). Ngoài ra, mô hình 2 vụ lúa – 1 vụ dưa hấu ở ấp Trường Khương lợi nhuận tăng gấp 2-3 lần so với sản xuất lúa 3 vụ; mô hình trồng rau nhút ở ấp Thới Ninh cho thu nhập gần 6 triệu đồng/tháng…

Thới Lai đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Theo ông Nguyễn Tùng Sanh, Trưởng phòng Lao động – Thương Binh và Xã hội huyện Thới Lai, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động địa phương là giải pháp quan trọng góp phần hoàn thành xóa đói giảm nghèo trong toàn xã hội. Một khi đã thoát nghèo, thu nhập được nâng lên thì niềm tin của người dân càng được củng cố và người dân sẽ không ngần ngại góp công sức, tiền của vào tiến trình XDNTM. Chỉ tính riêng năm 2012, huyện đã khai giảng được 19 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với hơn 640 học viên. Các nghề được đào tạo gồm: sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao; trồng dưa hấu, may gia dụng, sửa xe gắn máy, chằm nón, đan đát… Tỷ lệ người có việc làm sau đào tạo đạt trên 80%...

Liên kết bền vững

Theo Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình XDNTM huyện Thới Lai, giai đoạn 2014-2015, huyện phấn đấu có 5 xã đạt trên 14 tiêu chí, 4 xã đạt từ 10-14 tiêu chí và 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Để hoàn thành mục tiêu trên, các xã xác định ưu tiên cho các tiêu chí quan trọng, bức xúc, người dân quan tâm. Đặc biệt, chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hình thành vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn gắn với bao tiêu sản phẩm nhằm tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Ông Nguyễn Thanh Danh, Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, nhấn mạnh: “Huyện chỉ đạo các xã tập trung khai thác lợi thế tiềm năng trong phát triển sản xuất. Chẳng hạn, Trường Thành có điều kiện và vị trí tiếp giáp với huyện Phong Điền nên đầu tư kinh tế vườn để liên kết phát triển du lịch sinh thái; Trường Xuân cần quan tâm nhân rộng mô hình “Cánh đồng lớn”; Thới Tân chú trọng hình thành các vùng rau màu chuyên canh, các hợp tác xã sản xuất lúa giống…”. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo XDNTM các xã cần tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ để xây dựng và thực hiện dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn”, “Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất”… giúp các hộ nông dân, đặc biệt là những hộ nghèo tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững.

Liên kết để cùng phát triển là xu thế tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, một số xã XDNTM trên địa bàn huyện cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể thông qua việc củng cố và nâng chất hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác. Đây là điều kiện để nông dân tương trợ, chia sẻ kinh nghiệm cùng hướng tới mục tiêu hạ giá thành sản xuất về mức thấp nhất. Ngoài ra, tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội, các ngân hàng thương mại để tiếp sức vốn vay cho người dân đầu tư phát triển sản xuất. Ông Nguyễn Tùng Sanh chia sẻ: “Chính sách xóa đói giảm nghèo tuy đạt được kết quả nhưng không thể chỉ dừng lại ở thực hiện các chính sách “ưu đãi” mà việc giảm nghèo phải thực hiện bằng các giải pháp nâng cao chất lượng cho lao động nông thôn. Nghĩa là thông qua việc đào tạo nghề để giúp họ thoát nghèo bền vững”. Xuất phát từ thực tế đó, thời gian tới, Thới Lai ưu tiên mở các lớp dạy nghề phù hợp trình độ học viên, phong tục tập quán vùng miền gắn giải quyết việc sau đào tạo; phối hợp chặt chẽ với các công ty, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện, nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động để có hướng đào tạo đáp ứng yêu cầu từ phía doanh nghiệp.

Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về XDNTM trên địa bàn huyện Thới Lai, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ lưu ý: Để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân qua đó đẩy nhanh tiến độ XDNTM, các địa phương cần tập trung đề ra các giải pháp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi. Để làm được điều này, mỗi cán bộ phải bám sát địa bàn, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân để định hướng trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp. Ngoài ra, cấp huyện, xã phối hợp chặt chẽ với các sở ngành hữu quan tiếp tục thực hiện Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Nghị định 61/2010/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là giải pháp đa dạng hóa và tăng cường nguồn lực đầu tư để hỗ trợ vốn cho nông dân mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất; áp dụng tiến bộ kỹ thuật để hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước cải thiện thu nhập cho nông dân… 

Bài, ảnh: MỸ THANH

 

Chia sẻ bài viết