13/11/2008 - 08:50

Ông Obama sẽ thay đổi chiến lược ở Afghanistan và Iraq?

Binh sĩ Mỹ tuần tra ở Baghdad, Iraq. Ảnh: AP

Theo các cố vấn an ninh của Tổng thống đắc cử Barack Obama, chính quyền mới ở Washington có kế hoạch thử nghiệm cách tiếp cận mang tính khu vực hơn đối với cuộc chiến ở Afghanistan, trong đó có khả năng đàm phán với Iran. Trong khi đó, quyết định rút toàn bộ binh sĩ khỏi Iraq vào năm 2010 như cam kết trong chiến dịch tranh cử của ông Obama lại khó thực hiện được, do bạo lực có nguy cơ bùng phát bất kỳ lúc nào ở quốc gia vùng Vịnh này.

Tờ Bưu điện Washington ngày 11-11 cho biết, ông Obama có thể cho tăng cường việc truy lùng trùm khủng bố Osama bin Laden, một ưu tiên mà ông cho là Tổng thống sắp mãn nhiệm George Bush đã “xem nhẹ” sau nhiều năm không phát hiện được dấu vết tên này. Từng chỉ trích ông Bush tập trung quá nhiều vào Iraq nên phải trả giá đắt ở Afghanistan, tân Tổng thống Obama dự định sẽ đưa thêm hàng ngàn quân (2-3 sư đoàn chiến đấu) tới Afghanistan. Năm 2008 được xem là năm tổn thất nặng nề nhất đối với binh sĩ Mỹ kể từ khi tiến hành cuộc chiến ở Afghanistan năm 2001.

Cùng với việc tăng thêm quân, ông Obama cũng có thể sẽ đàm phán với Iran, một láng giềng quan trọng của Afghanistan. Đây là bước đột phá so với người tiền nhiệm Bush, vốn xem Iran là mối đe dọa, nhân tố gây mất ổn định khu vực nên ra sức cô lập Tehran.

Tuy nhiên, ông Obama có khả năng sẽ phải xem lại kế hoạch rút hết 160.000 quân khỏi Iraq. Các chuyên gia cho rằng quân đội Mỹ sớm rời khỏi Iraq có thể sẽ phá vỡ chính sách an ninh của Baghdad. Mỹ đã đổ quá nhiều sức người, sức của vào Iraq trong 5 năm qua, khiến cho sự phụ thuộc an ninh- chính trị của Iraq vào Mỹ là rất lớn. Trong khi đó, chính trường Iraq chưa thể có sự hòa hợp giữa người Sunni, người Shiite và người Kurd, nên dù cho bạo lực nhìn chung đã giảm nhưng các vụ đánh bom tự sát vẫn diễn ra hàng ngày. Mới đây nhất, trong hai ngày 11 và 12-11, các vụ tấn công khủng bố đã làm 34 người chết và 20 người bị thương ở Baghdad.

Một số tướng lĩnh quân đội Mỹ cũng hoài nghi cam kết của ông Obama về việc rút hết quân trong vòng 16 tháng kể từ khi lên cầm quyền. Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Michael Mullen gọi thời gian rút quân này là “nguy hiểm”. Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, người nhiều khả năng sẽ được ông Obama tái bổ nhiệm, cũng phản đối việc áp đặt một lịch trình “cứng nhắc” cho việc rút quân khỏi Iraq. Mặt khác, việc rút quân này có thể khiến Washington bị chỉ trích là thực hiện cuộc chiến hao người tốn của mà lại không có kết quả. Theo hãng tin AP, đến nay đã có 4.193 binh sĩ Mỹ thiệt mạng tại Iraq. Tổng chiến phí của Mỹ ở Iraq và Afghanistan dự kiến có thể lên tới 1.500 tỉ USD vào cuối năm 2009.

Khi bắt đầu chiến dịch tranh cử, ông Obama tập trung vào chiến tranh Iraq với chủ trương rút quân là phản ánh sự mong muốn của đa số người Mỹ vốn cho rằng cuộc chiến này là một sai lầm. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, cũng không có gì ngạc nhiên nếu sau khi trở thành chủ nhân Nhà Trắng, ông Obama không thực hiện lời hứa với lý do rất thuyết phục là vì điều đó làm ảnh hưởng đến uy tín của Mỹ trên trường quốc tế.

N.MINH (Theo Washingtonpost, Guardian, NYTimes)

Binh sĩ Mỹ tuần tra ở Baghdad, Iraq. Ảnh: AP

Chia sẻ bài viết