12/01/2020 - 18:41

Nông dân Trung Quốc phất lên nhờ TikTok 

Tại hầu hết các quốc gia, ứng dụng chia sẻ video nổi tiếng TikTok chủ yếu được dùng để giải trí, nhưng nông dân Trung Quốc đang sử dụng nền tảng này để tiếp cận khách hàng để bán nông sản.

Theo đó, họ tạo ra các video về nông sản của mình rồi đăng lên TikTok, trong đó đề cập đến giá và các chi tiết khác của sản phẩm. Những đoạn video như vậy cho phép khách hàng được tận mắt nhìn thấy nguồn gốc của sản phẩm cũng như có cái nhìn thú vị về đời sống nông thôn. Đối với nhiều nông dân, chia sẻ video đã giúp họ tìm ra cách để thoát nghèo.

Ma Gongzuo (giữa) cùng những người bạn làm video lấy mật ong. Ảnh: AFP

Ma Gongzuo là trường hợp điển hình. Năm 2015, Ma tiếp quản nghề sản xuất mật ong của gia đình ở một vùng đồi núi thuộc tỉnh Chiết Giang. Nhờ các ứng dụng thương mại điện tử, thu nhập bình quân mỗi năm của anh là gần 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 143.000 USD). Tuy nhiên, doanh số bán hàng ngày càng sụt giảm. Do đó, vào tháng 11-2018, với sự giúp đỡ của bạn bè, Ma bắt đầu đăng video giới thiệu về cuộc sống ở nông trại, chủ yếu là ghi lại cảnh anh lấy mật. "Tôi chưa từng quảng cáo sản phẩm của mình. Tôi chỉ muốn chia sẻ về cuộc sống thường ngày, quang cảnh vùng thôn quê. Đó chính là thứ hấp dẫn mọi người. Song, một số người vẫn nghĩ tôi bán mật ong nên họ liên lạc với tôi để mua" - Ma nói.

Giống như phần lớn giao dịch ở Trung Quốc, nơi tiền mặt ngày càng ít phổ biến, các đơn hàng mật ong được thanh toán qua các ứng dụng như WeChat hay AliPay. Ma cho biết anh bán được 2-3 triệu nhân dân tệ tiền mật ong mỗi năm, cùng với khoai lang sấy và đường nâu.

Hiện Ma là một nông dân nổi tiếng ở Trung Quốc, với 737.000 người theo dõi trên Douyin, phiên bản tiếng Hoa của TikTok - ứng dụng có trên 400 triệu người dùng ở Trung Quốc. Anh sở hữu chiếc xe BMW trị giá khoảng 760.000 nhân dân tệ và đã kiếm đủ tiền để mua nhà cũng như giúp đỡ bố mẹ và dân làng phát triển kinh tế.

Tại Trung Quốc, khoảng 847 triệu người truy cập Internet bằng điện thoại thông minh nên các ứng dụng trực tuyến đã góp phần quan trọng trong thành công của Ma. Theo thống kê của hãng kiểm toán Deloitte (Mỹ), Trung Quốc là thị trường phát video trực truyến lớn nhất thế giới. Bắt kịp xu hướng này, ByteDate, công ty mẹ của ứng dụng Douyin, đã tổ chức tập huấn cho 26.000 nông dân Trung Quốc về cách quay video. Trong khi đó, Taobao, ứng dụng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc do tập đoàn Alibaba sở hữu, năm 2019 đã triển khai dự án hướng dẫn nông dân cách phát trực tiếp (livestream) để giúp họ tăng
thu nhập.

Theo số liệu của chính phủ, số người sống dưới mức đói nghèo ở nông thôn Trung Quốc đã giảm đáng kể, từ 700 triệu năm 1978 xuống còn 16,6 triệu người năm 2018. Tuy nhiên, dân số ở vùng nông thôn ngày càng giảm do người dân tiếp tục lên thành phố lớn tìm công việc lương cao hơn. "Chúng tôi muốn là một ví dụ để giới trẻ thấy rằng họ hoàn toàn có thể gầy dựng sự nghiệp và kiếm tiền tại vùng nông thôn. Chúng tôi hy vọng nhiều người sẽ quay trở về, từ đó cuộc sống và kinh tế ở các thôn làng trở nên nhộn nhịp hơn" - Ma chia sẻ.

TRÍ VĂN (Theo AFP, CNBC)

Chia sẻ bài viết