15/08/2009 - 10:03

Nói lại cho rõ !

Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ Hillary Clinton đang bị các chính khách đảng Cộng hòa chỉ trích là có cách hành xử phi ngoại giao ở nước ngoài. Số là trong hành trình 11 ngày tới 7 nước châu Phi vừa kết thúc hôm qua 14-8, bà Clinton đã gây tranh cãi vì những “lời vàng ý ngọc” của mình.

Phát biểu tại Thủ đô Abuja của Nigeria hôm 12-8, Ngoại trưởng Clinton cố gắng truyền thông điệp rằng tình trạng bạo lực ở Nigeria không bao giờ được giải quyết vì hệ thống bầu cử đầy tham nhũng, nhưng lại vô tình “vạch áo cho người xem lưng” khi đánh đồng việc này với nền dân chủ của Mỹ. Bà nói rằng nền dân chủ Mỹ vẫn đang tiến hóa và từng chứng kiến tất cả các hình thức rắc rối trong bầu cử trước đây, rồi đề cập cụ thể tới cuộc bầu cử tổng thống hồi năm 2000. Khi đó, kết quả cuối cùng tùy thuộc duy nhất vào bang Florida, nơi em trai của ứng viên đảng Cộng hòa George Bush là Jeb Bush làm thống đốc. Bà Clinton kết luận: “Vì vậy, chúng tôi cũng có nhiều vấn đề của mình”.

Đảng Cộng hòa lập tức công kích bà Clinton là đã so sánh việc kiểm phiếu lại ở bang Florida hồi cách đây 9 năm (đem lại thắng lợi nhiệm kỳ đầu tiên cho ông Bush) với hình thức gian lận phiếu bầu ở Nigeria, chẳng khác nào nói ông Bush đã đánh cắp phiếu của ứng viên Al Gore của đảng Dân chủ. Họ chỉ trích việc so sánh này đã phá vỡ quy ước rằng các nhà lãnh đạo Mỹ không được “nói xấu” các chính khách trong nước khi đang ở hải ngoại. Theo họ, việc chỉ trích đất nước của mình trên cương vị một quan chức sẽ làm suy yếu vai trò lãnh đạo của chính quyền.

Bộ Ngoại giao Mỹ dĩ nhiên là đứng về phía sếp của mình khi nói rằng bà Clinton đưa ra sự so sánh nền dân chủ Mỹ với hệ thống bầu cử ở Nigeria để nhấn mạnh rằng thay vì tranh cãi dai dẳng hồi năm 2000, thì Mỹ đã có sự chuyển giao quyền lực êm thấm. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao PJ Crowley bao biện: “Ý của bà Clinton là khi có kết quả gây tranh cãi, thì các ứng viên sau đó nên có thiện chí chấp nhận kết quả chứ không nên sử dụng bạo lực”.

Đây không phải lần đầu tiên cựu Đệ nhất phu nhân có sự “lỡ lời” gây tranh cãi. Tháng trước, khi nói về Iran, bà Clinton cho rằng nước này có quyền sử dụng năng lượng hạt nhân dân sự dưới sự giám sát của cộng đồng quốc tế. Cùng với phát biểu này, việc bà nói sẽ thiết lập “ô phòng thủ” cho Trung Đông (đồng nghĩa với việc gián tiếp thừa nhận Tehran có vũ khí hạt nhân) đã gây bất đồng với Israel, đồng minh quan trọng của Mỹ ở khu vực. Vì vậy, tuy thành công với chính sách đối ngoại mềm dẻo và khéo léo, nhưng Ngoại trưởng Clinton đã có nhiều thông điệp mà Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó phải vội vã “nói lại cho rõ”.

N.MINH (Theo Guardian, WSJ, AFP)

N.MINH (Theo Guardian, WSJ, AFP)

Chia sẻ bài viết