14/06/2020 - 13:29

Nỗi khổ dịch chồng dịch 

Đối với hàng triệu người sinh sống ở những vùng nghèo khó trên thế giới, COVID-19 chỉ được xem là dịch bệnh mới nhất. Bởi trước đó họ từng đương đầu rất nhiều dịch bệnh truyền nhiễm chết chóc và làm tê liệt đời sống, bao gồm dịch tả, bại liệt, Ebola, sốt xuất huyết, lao và sốt rét.

Gia đình ông Nawaz trong nỗi khổ dịch bệnh bủa vây. Ảnh: AP

Điển hình như tình cảnh của Tariq Nawaz, ông bố có hai con gái ở làng Suleiman Khel (Pakistan). Khi con gái thứ hai Tuba  được 7 tháng tuổi, bé mắc bệnh bại liệt và vợ chồng ông buộc lòng phải bán đi các món nữ trang được tặng trong ngày cưới để thanh toán số hóa đơn chữa bệnh ngày càng chồng chất. Tuba từng được tiêm vaccine ngừa bại liệt hồi 4 tháng tuổi, nhưng trước khi có thể nhận tiếp liều thứ hai trong số 3 mũi tiêm thì bé đã mắc bệnh.

Tại đất nước mà Nawaz sống, người dân liên tục chống chịu trước sự bùng phát của nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất thế giới. Theo AP, Pakistan có 4,3 triệu trường hợp mắc bệnh sốt rét hằng năm và nằm trong số 10 quốc gia đứng đầu về số ca mắc bệnh lao mới mỗi năm, đồng thời cũng là một trong 3 nước còn tồn tại bệnh bại liệt (cùng với Afghanistan và Nigeria).

Theo bác sĩ Rana Mohammad Safdar - chuyên gia miễn dịch hàng đầu của Pakistan, đợt kiểm tra hồi năm ngoái cho thấy virus gây bại liệt xuất hiện khắp đất nước. Không chỉ vậy, số ca nhiễm COVID-19 đang tăng lên nhanh chóng, khi đã có hơn 120 ngàn người nhiễm và 2,4 ngàn người chết vì SARS-CoV-2. Những biện pháp đối phó COVID-19 khiến khoảng 40 triệu trẻ em chưa được tiêm vaccine bại liệt trong tháng 6, khiến các em không được bảo vệ trước bệnh này.

Tại nhiều nước khác, sự tấn công của dịch bệnh truyền nhiễm càng tồi tệ hơn khi người dân cùng lúc đối mặt nhiều mối đe dọa. Chẳng hạn, tình trạng nghèo đói dẫn đến suy dinh dưỡng và thiếu chăm sóc y tế, từ đó làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh của người dân. Người dân còn phải trốn tránh bạo lực do xung đột giữa phiến quân, băng đảng tội phạm và binh sĩ chính phủ - tình trạng gây khó thêm cho các chiến dịch chống bệnh tật. Như ở CHDC Congo, vào thời điểm dịch bệnh Ebola sắp kết thúc (hồi đầu năm nay), thì người dân cũng bắt đầu điêu đứng vì sự xuất hiện của những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, trong khi phiến quân tấn công khủng bố trong nước.

Còn tại đất nước chìm trong chiến tranh Yemen, tuy số ca mắc bệnh tả đã giảm mạnh từ con số đỉnh điểm hơn 1 triệu hồi năm 2017, nhưng giới chức y tế lo rằng cuộc chiến chống SARS-CoV-2 sẽ làm suy yếu chiến dịch chống dịch tả. Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc cho biết, kho dự trữ bộ dụng cụ vệ sinh và thuốc viên chlorine dùng lọc nước ở Yemen chỉ đủ dùng đến cuối tháng 6.

Tại Trung Mỹ, Honduras chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ số ca mắc COVID-19 giữa lúc nước này cũng đang có dịch sốt xuất huyết. “Chúng tôi có dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh, nghĩa là có 2 dịch bệnh đang hoành hành trong nước. Sự sụp đổ của hệ thống y tế sắp xảy ra nếu 2 bệnh này tiếp tục gia tăng” - bác sĩ Carlos Umaña, chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ An sinh Xã hội tại vùng Tây Bắc Honduras, lo lắng nói.

Quả thực, tình trạng “dịch chồng dịch” đang đẩy hệ thống y tế công vào trạng thái quá tải, khi có ít nguồn lực được tiếp tế thêm. Với dân số khoảng 10 triệu người, Honduras chỉ có 350 giường chăm sóc đặc biệt và khoảng 6 ngàn giường bệnh thường.

NGUYỆT CÁT

Chia sẻ bài viết