19/02/2010 - 20:40

Nhớ mãi lời Bác

Đường Nguyễn Việt Dũng ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, trải nhựa phẳng phiu, dọc hai bên đường, cây xanh tươi tốt. Bên phải đường có gần 30 cây bằng lăng đã cao hơn đầu người. Bà con địa phương gọi đó là “hàng cây của ông Tư Quỳnh” bởi ông Tư Quỳnh là người chăm sóc, vun vén chúng từ khi còn là cây giống cho đến ngày hôm nay. Đó chính là ông Ngô Quang Quỳnh, ngụ ở tổ 10, khu vực 3, phường An Thới, quận Bình Thủy. Ông là một bậc trưởng thượng được chính quyền và nhân dân địa phương yêu mến, kính trọng.

* Mãi là bộ đội Cụ Hồ

Tết này, ông Tư Quỳnh đã 82 tuổi, mái tóc bạc trắng, dáng người hơi gầy nhưng trông ông vẫn còn khỏe. Chiều chiều ông Tư vẫn xách nước tưới cây và dành thời gian đi bộ tập thể dục với các cụ cao niên. Ông có phong thái nhanh nhẹn, giọng nói sang sảng, quả quyết và thuyết phục, cách làm việc khoa học, hợp tình hợp lý... khiến người tiếp xúc dường như quên mất tuổi tác của ông.

Hơn 60 năm trước, chàng trai Ngô Quang Quỳnh quê ở Thanh Hóa, lên đường nhập ngũ và chiến đấu qua các chiến trường từ Bắc vào Nam. Đến năm 1987, ông Tư Quỳnh về hưu với quân hàm Trung tá và định cư tại Cần Thơ. Từ đó, ông tiếp tục góp sức cho các hoạt động ở địa phương suốt 23 năm qua. Đến nay, ông Tư đã được 56 tuổi Đảng và được tặng Huy hiệu 50 tuổi Đảng, được Đảng bộ quận Bình Thủy tặng giấy khen vì có nhiều thành tích trong thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”....

Chăm sóc cây xanh mỗi ngày là một trong những niềm vui của ông Tư Quỳnh. 

Ông Tư kể: “Lúc tham gia kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được gặp và nghe Bác Hồ nói chuyện hai lần. Lần thứ nhất là năm 1963, tôi đang tham gia khóa học ở Hà Nội dành cho cán bộ tăng cường cho các xã, phường để làm công tác quản lý kinh tế hợp tác xã. Bác đến thăm trường và trò chuyện với chúng tôi. Bác dặn: các chú về địa phương phải nêu cao tấm gương anh bộ đội, luôn hết mình vì dân vì nước... Lần thứ hai là năm 1964, Bác đến thăm và làm việc với cán bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Bác cũng dặn dò chúng tôi nhiều điều tâm huyết. Lời Bác dạy tôi khắc sâu trong tâm trí và nguyện suốt đời làm theo lời Bác để luôn xứng đáng là bộ đội Cụ Hồ”.

Điều ông Tư tâm đắc nhất ở tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chính là tính “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” nên dù làm việc ở cương vị nào, ông cũng luôn giữ đúng tinh thần ấy. Ông Tư Quỳnh cho tôi xem rất nhiều bằng khen, giấy khen, huy chương, huy hiệu mà ông được Trung ương và địa phương tặng qua các phong trào. Ông cho đó là tài sản lớn nhất mà ông tích lũy được sau bao nhiêu năm cống hiến, làm việc. Qua tìm hiểu về ông, tôi nghĩ ông Tư còn một thứ tài sản rất quý nhưng vô hình: đó là sự tín nhiệm, tin yêu và kính trọng của chính quyền và bà con nhân dân địa phương.

* Còn sức là còn cống hiến

Thường trực Đảng ủy phường An Thới giới thiệu: ông Tư Quỳnh là một đảng viên uy tín và gương mẫu ở địa phương. Trước đây, ông Tư tham gia cấp ủy của phường nhiều nhiệm kỳ. Từ năm 1987 đến năm 2000, ông Ngô Quang Quỳnh đã từng làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Trưởng Ban Tuyên giáo, Trưởng khối Dân vận... của phường An Thới. Khi tuổi cao sức yếu, ông Tư vẫn tiếp tục làm tổ trưởng tổ đảng, Chi hội phó của Chi hội Người cao tuổi và Chi hội Khuyến học khu vực 3, Tổ trưởng tổ nhân dân tự quản....

Người cựu chiến binh ấy đã góp sức với Đảng ủy và các ban ngành, đoàn thể của phường tích cực xây dựng các phong trào. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Thới đã phấn đấu để phường hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế xã hội, năm sau cao hơn năm trước. Năm 1988, phường An Thới được Hội đồng Bộ trưởng tặng Bằng khen. Năm 1992, phường An Thới được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3.

Từ năm 1989 đến 1999, ông Ngô Quang Quỳnh được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, UBND tỉnh Hậu Giang trước đây và UBND tỉnh Cần Thơ tặng Bằng khen liên tục 10 năm liền. Ông cũng là chiến sĩ thi đua 10 năm liền của tỉnh, thành phố. Ông được Ban chấp hành các hội đoàn thể Trung ương tặng các loại huy chương: vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, vì thế hệ trẻ, nhân đạo từ thiện...

Ông Tư Quỳnh là một trong ba người tham gia viết lịch sử phường An Thới (quận Bình Thủy) giai đoạn từ năm 1975 đến 2005.

Mọi người còn nhớ: cuối năm 1989, ông Tư Quỳnh được Đảng ủy phân công làm Trưởng ban vận động thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam phường. Ông cùng ban vận động đã vận động được 83 các đồng chí cựu chiến binh gia nhập Hội Cựu chiến binh. Năm 1990, Hội Cựu chiến binh phường An Thới chính thức được thành lập, đến nay đã có gần 500 hội viên. Hội hoạt động hiệu quả với nhiều thành tích nổi bật, từng được đi báo cáo điển hình ở Trung ương Hội.

Dù làm công tác gì nhưng với sự mẫn cán, nhiệt tình trong công việc, ông Tư Quỳnh luôn được cán bộ, bà con nhân dân quí mến. Ông Phạm Văn Thuẫn, Tổ trưởng tổ 6, khu vực 3, phường An Thới, bộc bạch: “Tôi rất nể phục ông Tư Quỳnh vì ông tham gia rất nhiều phong trào và phong trào nào cũng làm rất tốt”.

Tổ 10, khu vực 3- nơi ông Tư Quỳnh làm tổ trưởng- là một mô hình “cộng đồng dân cư trách nhiệm”: hộ nào có việc hỉ, việc tang hay gặp hoạn nạn, khó khăn, các hộ còn lại đều chung tay giúp đỡ, chia sẻ. Mỗi hộ gia đình đều làm bản cam kết về an toàn giao thông và từ đó đến nay hộ nào cũng thực hiện tốt điều đã cam kết. Sáng thứ bảy hàng tuần, các hộ gia đình làm tổng vệ sinh trong nhà, ngoài ngõ, tạo cảnh quan môi trường thông thoáng, sạch sẽ... Tổ 10 luôn là tổ hoàn thành sớm nhất về đóng thuế nhà đất và các nguồn quỹ của địa phương so với các tổ khác trong khu vực. Hằng năm, ông Tư cùng các hộ trong tổ còn tổ chức ăn tết tập thể rất vui và đầm ấm; ông còn vận động bà con cùng quyên góp để hỗ trợ cho người nghèo trong khu vực cùng vui Tết. Người bộ đội được rèn luyện trong quân ngũ đã luôn giữ được tác phong, nề nếp làm việc kỹ càng, đâu ra đó, đã làm việc gì thì làm đến nơi đến chốn.

Năm 2009, khi đã bước qua tuổi 81, sức khỏe không còn được như trước, ông Tư xin nghỉ làm tổ trưởng để làm tổ phó, hỗ trợ cho người mới lên thay.

* Hạnh phúc đời thường

Căn nhà cấp 4 của ông Tư Quỳnh nằm khiêm tốn trong xóm. Hai gian nhà tập thể liền kề được cấp trước đây, ông Tư cho vợ chồng người con trai thứ năm một gian, vợ chồng ông ở một gian. Đã 30 năm trôi qua nhưng ngôi nhà của ông Tư vẫn đơn sơ như ngày nào: mái tôn không đóng trần, nền nhà còn thấp hơn mặt đường... Trong nhà, bày biện những vật dụng đơn giản nhưng gọn gàng, ngăn nắp.

Cuộc sống của ông bà Tư Quỳnh hiện giờ khá thảnh thơi: ngoài công việc của xóm làng, khu vực, ông Tư dành thời gian tập thể dục, thư giãn với bạn bè và vui cùng con cháu. Bà Tư ngày ngày chợ búa, cơm nước cho hai ông bà. Thỉnh thoảng, mấy đứa cháu đi học xa ghé qua ăn cơm chung với ông bà...

Ngày xưa, ông bà Tư Quỳnh đều là bộ đội, lấy nhau trong kháng chiến bằng một lễ cưới đơn giản do đơn vị hai bên tổ chức. Chỉ ở bên nhau được vài ngày, ông bà mỗi người một ngả theo đơn vị đi chiến đấu. Thỉnh thoảng họ mới có dịp gặp nhau. Rồi những đứa con lần lượt ra đời, bà Tư chuyển về làm công nhân và sinh sống ở Hải Phòng, một tay nuôi các con khôn lớn. Ông Tư kể lại: “Tôi đi chiến đấu suốt. Một mình vợ tôi ở nhà nuôi dạy các con. Tôi có 5 đứa con nhưng vì hoàn cảnh mà không chăm sóc được đứa nào. Công lao của vợ tôi lớn lắm. Bà ấy đã quán xuyến nhà cửa, con cái để tôi yên tâm công tác”.

Năm 1980, ông Tư đưa vợ con từ Hải Phòng vào Cần Thơ sinh sống. Ông vẫn thường xuyên vắng nhà do đi công tác xa. Năm 1987, ông Tư nghỉ hưu, cả nhà ông mới thật sự sum họp. 3 con trai và 2 con gái của ông bà Tư đều rất hiếu thảo, chăm ngoan, ngoài giờ học đều phụ giúp gia đình. Học xong, họ đều có công ăn việc làm, gia đình ổn định.

Giờ đây, các con của ông bà Tư hầu hết đã “lên chức” ông bà: người lớn nhất năm nay cũng gần 60 tuổi, người con út tuổi cũng ngoài 40. Ông bà Tư có tất cả 16 cháu và 7 chắt nội, ngoại, mỗi dịp lễ, tết, con cháu về thăm rất đông vui. Con cái thành đạt, cháu chắt đầy đàn, gia đình êm ấm... là niềm hạnh phúc của ông bà Tư Quỳnh và hạnh phúc ấy càng thăng hoa ở gần cuối cuộc đời.

Bài, ảnh: LỆ THU

Chia sẻ bài viết