19/03/2023 - 07:10

Nhật - Hàn nối lại các mối quan hệ 

KHÁNH VÂN (TTXVN) 

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol vừa kết thúc chuyến thăm 2 ngày tới Nhật Bản và hai bên đã đạt được các thỏa thuận nối lại các mối quan hệ đã đứt gãy trong nhiều năm qua và hướng đến một tương lai quan hệ mới chặt chẽ hơn.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (phải) chiêu đãi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại một nhà hàng chuyên phục vụ các món ăn phương Tây theo phong cách Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (phải) chiêu đãi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại một nhà hàng chuyên phục vụ các món ăn phương Tây theo phong cách Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Tokyo hôm 16-3, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí bình thường hóa hoàn toàn Hiệp định bảo mật thông tin quân sự chung (GSOMIA), chia sẻ các thông tin liên quan đến các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên để cùng phối hợp phản ứng.

Hai bên cũng cam kết cải thiện quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực. Thủ tướng Kishida khẳng định Nhật Bản sẽ sớm nối lại các hình thức đối thoại an ninh với Hàn Quốc và thiết lập khuôn khổ đối thoại an ninh kinh tế mới trong bối cảnh khu vực tiềm ẩn bất ổn. Nhật Bản quyết định dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu đối với 3 nguyên liệu quan trọng được dùng để sản xuất chất bán dẫn và tấm màn hình dẻo gồm flo polyimide, chất quang dẫn và hydro florua sang Hàn Quốc, trong khi Hàn Quốc cam kết hủy bỏ khiếu nại Nhật Bản lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hai nước cũng lên kế hoạch tiếp tục đàm phán để khôi phục lại “danh sách trắng” các đối tác thương mại tin cậy của nhau. Hai nhà lãnh đạo khẳng định Nhật Bản và Hàn Quốc có cơ hội mở ra chương mới trong quan hệ song phương.

Tổng thống Yoon Suk-yeol nhấn mạnh Nhật Bản là một đối tác mà Hàn Quốc cùng hợp tác về an ninh, kinh tế, khoa học, công nghệ và chương trình nghị sự toàn cầu. Việc thực hiện các biện pháp cải thiện quan hệ với Nhật Bản được xem là chính sách nhất quán của Tổng thống Yoon Suk-yeol để thực hiện các cam kết tranh cử.

Chính phủ Hàn Quốc mới đây cũng công bố quyết định bồi thường cho các nạn nhân lao động cưỡng bức thời chiến thông qua một quỹ do chính phủ hậu thuẫn, thay vì yêu cầu các doanh nghiệp Nhật Bản trực tiếp bồi thường. Mặc dù động thái này gây nhiều tranh cãi trong nội bộ Hàn Quốc, song được coi là dấu mốc mở ra triển vọng tháo gỡ cơ bản một trong những mâu thuẫn lịch sử dai dẳng nhất giữa Seoul và Tokyo. Chính phủ Hàn Quốc cho rằng việc cải thiện quan hệ với Nhật Bản đã trở thành cấp thiết vì lợi ích chung và vì sự phát triển trong tương lai của cả hai nước.

Thương mại với Nhật Bản chiếm 6-7% tổng kim ngạch thương mại của Hàn Quốc. Đầu tư của Nhật Bản chiếm hơn 22% tổng kim ngạch đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Hàn Quốc. Giao lưu nhân dân giữa hai nước trong quá khứ hết sức năng động. Trước đại dịch năm 2019 và trước khi quan hệ hai nước xấu đi, có tới 5,58 triệu lượt người Hàn Quốc đến Nhật Bản. Ngược lại, số người Nhật đến thăm Hàn Quốc đạt 3,27 triệu vào năm 2019. Người Nhật đang chọn Hàn Quốc là quốc gia số một mà họ muốn đến khi các hạn chế phòng dịch được dỡ bỏ.

Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc Kim Sung-han cho biết chuyến thăm của Tổng thống Yoon Suk-yeol có ý nghĩa báo hiệu rằng mối quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản chính thức bước vào giai đoạn bình thường hóa. Đây cũng là cơ hội để hai nước thảo luận cách thức giải quyết các rào cản chính sách cản trở hợp tác kinh tế và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Bên cạnh trụ cột kinh tế, chủ đề hợp tác an ninh chiếm một phần lớn trong chương trình nghị sự cuộc gặp giữa Tổng thống Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Fumio Kishida. Trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên cũng như các vụ phóng thử tên lửa liên tiếp của Bình Nhưỡng thời gian qua, Hàn Quốc cần sự hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản, củng cố liên minh 3 bên Hàn - Mỹ - Nhật. Cùng với đó, việc thúc đẩy liên minh Hàn - Mỹ - Nhật cũng giúp tăng cường sự hợp tác của các bên trong Liên minh Chip 4 và các cơ chế an ninh kinh tế do Mỹ đứng đầu.

Việc đảm bảo nguồn cung khoáng sản thiết yếu ngày càng trở thành thách thức lớn hơn trong bối cảnh địa chính trị biến động phức tạp hiện nay. Vì vậy, quan hệ Hàn - Nhật khi được khai thông sẽ góp phần giúp hai nước củng cố vững chắc hơn chuỗi cung ứng của nhau.

Hợp tác chính sách trong triển khai chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng được cho là lý do đưa hai nước láng giềng Đông Bắc Á xích lại gần nhau. Hàn Quốc đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với quan điểm chia sẻ các giá trị phổ quát, vì tự do, hòa bình và thịnh vượng. Qua đó, việc khai thông quan hệ với Nhật Bản có thể tạo ra bước đột phá cho Hàn Quốc trong quá trình triển khai chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và mở đường để phối hợp chính sách và tầm nhìn chiến lược của liên minh 3 nước Hàn - Mỹ - Nhật đối với khu vực rộng lớn và có vị trí địa chính trị chiến lược này.

Chia sẻ bài viết