28/09/2019 - 11:58

Nhật Bản “quan ngại sâu sắc” các hoạt động của Trung Quốc tại biển Đông 

Ngày 27-9, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã công bố Sách trắng quốc phòng thường niên, trong đó thể hiện “quan ngại sâu sắc” về các hoạt động đơn phương thay đổi hiện trạng trên Biển Đông do Trung Quốc tiến hành.

Tài liệu trên nhận định Trung Quốc đang tiếp tục gia tăng chi phí quốc phòng một cách không minh bạch nhằm xây dựng quân đội lớn mạnh hàng đầu thế giới vào giữa thế kỷ 21. Trung Quốc đang tích cực tăng cường sức mạnh quân sự cả về số lượng lẫn chất lượng, trong đó tập trung tăng cường năng lực tác chiến hạt nhân, tên lửa và tác chiến trên không, trên biển. Việc tăng cường này sẽ dẫn tới việc nâng cao năng lực chống tiếp cận/ngăn cản khu vực (A2/AD) và năng lực tác chiến viễn dương của quân đội Trung Quốc. Đáng chú ý, Nhật Bản nhận định các hoạt động đơn phương thay đổi hiện trạng trên Biển Đông do Trung Quốc tiến hành là “đáng quan ngại sâu sắc”.

Chiến đấu cơ tàng hình J-20 do Trung Quốc chế tạo (phải) được nhận xét cực giống tiêm kích F-22 Raptor của Mỹ. Ảnh: Business Insider

Sách trắng cũng xác định sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc là mối đe dọa an ninh chính đối với Tokyo, thậm chí còn lớn hơn nguy cơ hạt nhân từ CHDCND Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên vấn đề về Trung Quốc chiếm vị trí thứ 2 trong Sách trắng quốc phòng Nhật Bản, ngay sau phần nội dung đề cao quan hệ đồng minh với Mỹ. Nguy cơ an ninh từ Triều Tiên bị đẩy xuống vị trí thứ 3 trong khi Nga vốn là mối đe dọa lớn nhất đối với Tokyo thời Chiến tranh Lạnh, nay xếp thứ 4. Nhật cũng hạ vai trò đồng minh thân cận khác của Washington là Hàn Quốc trong danh sách đối tác hợp tác an ninh quan trọng giữa lúc bế tắc quan hệ với Seoul chưa được tháo gỡ. Theo Tokyo, phản ứng tiêu cực của Hàn Quốc khiến kế hoạch thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa hai nước gặp khó khăn. Ngược lại, một số đối tác như Úc, Ấn Độ và thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tiếp tục được đánh giá cao.

Theo một quan chức quốc phòng Nhật Bản, thứ tự này cho thấy mức độ hợp tác của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe với mỗi quốc gia; đồng thời phản ánh thực tế chỉ có Mỹ và Trung Quốc mới có thể tạo ra ảnh hưởng trên toàn cầu. Riêng với Trung Quốc, Tokyo xác định Bắc Kinh đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng ở nhiều nước thông qua Sáng kiến “​​Vành đai, Con đường” là nhằm phục vụ mục tiêu mở rộng sự hiện diện quân đội tại Ấn Độ-Thái Bình Dương và nhiều nơi khác. 

Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono đặc biệt quan ngại tốc độ tăng trưởng chi phí quân sự nhanh chóng của Trung Quốc. Ngân sách quốc phòng của cường quốc châu Á trong năm 2019 tăng 7,5%, lên mức 177 tỉ USD. Con số này gấp 3 lần so với Nhật Bản. Trên đà hiện đại hóa quân đội, Bắc Kinh đang phát triển các loại vũ khí như máy bay chiến đấu tàng hình và tàu sân bay nhằm mở rộng quy mô và phạm vi quân sự. Nếu như hoạt động của quân đội Trung Quốc trước đây chỉ giới hạn gần bờ, Bắc Kinh giờ đây thường xuyên triển khai các cuộc tuần tra trên không và trên biển gần các đảo phía Tây Okinawa, qua eo biển Tsushima của Nhật Bản và một số khu vực sâu bên trong Tây Thái Bình Dương.

Bất chấp lập luận của Bắc Kinh khẳng định theo đuổi con đường phát triển hòa bình, Sách trắng quốc phòng Nhật Bản coi hoạt động của Trung Quốc trong các vùng biển và không phận gần lãnh thổ nước này là “mối quan ngại an ninh quốc gia”. Đối phó thực tế Trung Quốc đang hiện đại hóa quân đội nhanh chóng, Tokyo trong 7 năm qua cũng tăng chi tiêu quốc phòng lên gấp 10 lần. Ngoài các mối đe dọa an ninh từ Trung Quốc, báo cáo quốc phòng hàng năm của Nhật Bản còn xác định tầm quan trọng của một số lĩnh vực bao gồm không gian, an ninh mạng và sóng điện từ, thậm chí coi đây nền tảng cần thiết cho những thay đổi trong chính sách an ninh quốc gia.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, Yonhap)

Chia sẻ bài viết