10/01/2009 - 21:58

Kỷ niệm 30 năm ngày chiến thắng chế độ diệt chủng Pôn-Pốt (7/1/1979 – 7/1/2009)

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu: "Bi tráng mà không bi lụy"

 Đại úy Phạm Sỹ Sáu lúc ở
chiến trường K. Ảnh: T.L

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu (hiện là cán bộ biên tập của Nhà xuất bản Trẻ) vừa cho ra mắt tập thơ “Khúc ca đồng đội” và sắp sang Campuchia nhận giải thưởng Vặn học sông Mê-kông. Năm 1981, trong lời giới thiệu tập thơ “Khúc ca vào chiến dịch”, nhà thơ Chế Lan Viên viết: “Phạm Sỹ Sáu đã nói về Tổ quốc, về nhân dân, về chủ nghĩa quốc tế, về cái sống và cái chết không một chút nặng nề”. Nhiều người đã gọi anh là nhà thơ hàng đầu trong dòng văn học viết về 10 năm chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với anh…

* Trước hết, xin chúc mừng tập thơ “Khúc ca đồng đội” ra đời nhân 30 năm chiến tranh biên giới Tây Nam đã trôi qua. Anh đã gởi gắm hết những gì mình muốn nói trong thời gian đó, qua tập thơ này chưa?

- “Khúc ca đồng đội” là tái bản có sửa chữa phần thơ Phạm Sỹ Sáu trong tập “Khúc ca vào chiến dịch” do báo Tuổi Trẻ và NXB Văn Nghệ in năm 1981 và tập thơ “Điểm danh đồng đội” do NXB Văn Nghệ in năm 1988. Lần in nầy có thêm những chú thích về những địa danh và sự kiện có trong tập thơ bởi cuộc chiến tranh đã lùi khá xa rồi. Nó đã dần bị quên lãng trong nhiều người, con cái những cựu chiến binh thời đó giờ đã và đang trưởng thành - chỉ có những người trong cuộc là còn đau đáu về nó với tất cả những nỗi niềm khó nói thành lời.

Tập thơ thay lời muốn nói với con cái về thời đã qua của ba mẹ. Người thành công và người chưa thành đạt (từ chiến trường biên giới Tây Nam trở về) đều có điều để nói với con cái họ. Và tôi cố ý không làm mục lục cho tập thơ, để người đọc có thể cùng tôi đi suốt chặng đường 12 năm biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế. Nó cũng là món quà chào mừng 30 năm giải phóng Phnôm Pênh, 30 năm người dân Campuchia được trở lại làm người tự do. Có thể người Campuchia sẽ hiểu được những người lính tình nguyện Việt Nam (thật sự là lính trực tiếp chiến đấu bảo vệ họ) đã sống và nghĩ như thế nào trong thời khốn khó đó.

* Thời đó, bài “Điểm danh đồng đội” đã làm cho Phạm Sỹ Sáu trở thành nổi tiếng vì đã nói lên được tính khốc liệt của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam ở sát bên cuộc sống hòa bình của đất nước. Anh có thể nói thêm một chút về hoàn cảnh ra đời bài thơ ấy?

- Bài thơ được tôi viết sau chuyến đi nghỉ phép ăn Tết ở Sài Gòn, Đà Nẵng và trở lại đơn vị ở Nimit, Tây Sisophon, gần biên giới Thái Lan. Trong chuyến đi tôi đã gặp lại những đồng đội thương binh, đến thăm những gia đình liệt sĩ và cảm thấy sự vắng vẻ của những gia đình trước đó còn treo bằng “gia đình vẻ vang”. Trở lại chiến trường, tôi có cuộc gặp mặt với bạn bè, và nhận ra một điều là trong thời gian hơn một tháng nghỉ phép đã có không ít những người cùng ngồi với tôi trong bữa nhậu chia tay về phép, không có mặt, họ đã khuất mặt và vắng mặt vì nhiều lý do. Và “Điểm danh đồng đội” đã ra đời như thế.

 Bìa tập thơ “Khúc ca đồng đội”.

Nó được viết như lời tự nhủ với chính mình sau khi đã có điều gì chao đảo khi có thời gian sống ở hậu phương yên bình. “Mặc áo lính phải sống cho ra là lính” là lời tự nhắc, tự răn mà chỉ có ở hoàn cảnh cụ thể mới cảm hết được giá trị của nó. Đồng đội tôi mới là những người hiểu tôi muốn nói gì với họ.

* Và bài “Gởi bạn bè làm xong nghĩa vụ”, là một tiếng nói khác của Phạm Sỹ Sáu nói thay cho bao đồng đội của “thế hệ thứ ba”. Nó chứa đựng tình cảm tới nỗi bài thơ đó đã được phổ thành một bài vọng cổ. Anh có nhiều kỷ niệm về nó chứ?

- “Gởi bạn bè làm xong nghĩa vụ” được viết vào giữa tháng 3-1981, là bài thơ cuối cùng gửi về dự cuộc vận động sáng tác do Thành Đoàn và Hội Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh tổ chức thông qua báo Tuổi Trẻ. Nó được phổ biến lần đầu bởi chị Kim Hạnh ở báo Tuổi Trẻ, trong buổi lễ phát giải tại Nhà Văn hóa Thanh Niên TP đầu tháng 5-1981. Lúc đó tôi đang ở chiến trường K. chỉ biết mình được trao giải nhất về thơ qua bản tin thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam 2.

Bài nầy được viết khi những người lính nhập ngũ năm 1976 và đợt đầu năm 1977 còn sống, nhận quyết định phục viên sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Tôi lúc đó đã là thiếu úy, Trợ lý Tuyên huấn Trung đoàn 4, Sư đoản 5, Mặt trận 479. “Tao chừ còn nặng nợ với cỏ cây / Nên chẳng biết nói sao cho mầy rõ” là như vậy. Mừng vì bạn bè sống sót trở về và đau là mình cùng ra đi với họ mà không được về, họa chăng là chỉ được về phép mà thôi. Bài thơ dùng cách xưng danh “mày tao” là để nói thật lòng mình, nói bằng ngôn ngữ lính, chứ dùng từ “đồng chí” hoặc “tôi anh”, “tôi bạn” thì quá kiểu cách, sáo rỗng. Có lẽ ai đã từng là lính tình nguyện ở Campuchia thì cũng thuộc cả bài, vài đoạn hay ít ra vài dòng bài thơ nầy. Hiện nay bài thơ đó thường được đọc trong những buổi họp mặt của cựu chiến binh quân tình nguyện Campuchia.

* Và “Khúc ca đồng đội” sắp nhận giải thưởng Văn học sông Mê-kông của Campuchia...

- Đây là giải thưởng của 3 hội nhà văn Campuchia, Lào và Việt Nam. Hội nghị Văn học sông Mê-kông lần thứ nhất đã diễn ra tại Hà Nội năm 2007. Lần này, Campuchia định tổ chức năm 2008, nhưng có lẽ do những khó khăn riêng, nên bạn quyết định tổ chức sau lễ kỷ niệm 30 năm giải phóng Phnôm Pênh thoát khỏi họa diệt chủng của Pôn Pốt (7/1/1979 – 7/1/2009). Lần nầy dự tính sẽ trao giải vào ngày rằm tháng giêng tới, có 2 nhà thơ và 2 nhà văn Việt Nam được nhận giải. Về văn có anh Nguyễn Trí Huân và Trịnh Thanh Phong, về thơ có anh Anh Ngọc và tôi. Chỉ có vậy thôi. Ít ra những sáng tác của những nhà văn “thế hệ thứ ba” cũng đã được ghi nhận qua lần trao giải nầy.

* Nhân dịp này, với tư cách là một cán bộ biên tập của Nhà xuất bản Trẻ và một nhà thơ đại diện của “thế hệ thứ ba”, anh có thể nói gì những tác phẩm viết về những cuộc chiến tranh vệ quốc của chúng ta trong thế kỷ vừa qua?

- Tôi có dịp đọc nhiều tác phẩm viết về chiến tranh cả 3 thời kỳ, chống Pháp, đánh Mỹ và bảo vệ Tổ quốc sau 1975, tôi có cảm giác các tác phẩm văn học của chúng ta chưa đào sâu tận gốc số phận con người trong chiến tranh. Dường như các sự kiện của cuộc chiến đấu trong tác phẩm lôi con người vào như một hành động, con người thiếu những hoàn cảnh tâm lý cần thiết để thể hiện mình.

Về thời kỳ văn học bảo vệ Tổ quốc sau 1975, tôi đã cố gắng giới thiệu phần nào đó qua 2 tập “Truyện ngắn biên giới Tây Nam”, tập thơ của Đoàn Tuấn và Lê Minh Quốc, và tiểu thuyết “Mùa xa nhà” của người lính bộ binh Nguyễn Thành Nhân - đây là một tác phẩm đích thực về chiến tranh biên giới Tây Nam. Người lính trong “Mùa xa nhà” là người lính có tâm trạng, họ cũng tốt và xấu như cuộc đời thực của họ, bởi họ không phải là thần thánh, họ rất người.

* Nhà xuất bản Trẻ sẽ tiếp tục góp sức vào đề tài này ra sao?

- Chúng tôi mong muốn có những tác phẩm hay về giai đoạn nầy. Dường như nó cũng khó viết đối với tác giả và nếu có cũng khó in đối với nhà xuất bản. Nhưng không lẽ ta lại để nó chìm vào quên lãng sao?

* Nếu chọn một trong hàng trăm bài thơ chiến tranh của mình, Phạm Sỹ Sáu sẽ chọn bài nào? Vì sao như vậy?

- Sự chọn lựa nào bây giờ cũng thật sự khó khăn, nhưng vì có chữ “nếu” của anh nên tôi đành liều vậy. Tôi chọn “Bài hành tráng sĩ mới”. Bởi bài hành nầy thực sự là một bài “hành”, cả ý nghĩa văn chương và ý nghĩa thực tế. Nó bi tráng mà không bi lụy, nó thể hiện được cốt cách của một thằng lính Sài Gòn gốc Quảng Nam, có học chút ít, vỏ vẻ làm thơ từ trước giải phóng, sau 30-4-1975 định ngưng viết để làm con người mới xã hội chủ nghĩa, nhưng rồi số phận phải làm lính trong thời bình, lại làm lính ở Campuchia dữ nhiều lành ít, đành viết lại và viết khác đi rất nhiều. Ít ra là khác với thế hệ những nhà thơ chống Mỹ, vì tôi tình nguyện đi nghĩa vụ quân sự là từ hình ảnh anh Giải phóng quân. Con nhà nghèo đi giúp đỡ người khó, lại không được chuẩn bị gì, là hình ảnh của những “Kinh Kha” thập niên cuối 70 - đầu 80 của thế kỷ 20.

*  Cảm ơn anh!

HUỲNH KIM (thực hiện)

Chia sẻ bài viết