02/01/2009 - 21:54

Qua vụ tiểu thương phản ứng việc bố trí phân lô, sạp ở khu Bạch Đằng 2 - chợ Thốt Nốt

Người dân không đồng thuận vì thiếu minh bạch

Khu Bạch Đằng 2 - chợ Thốt Nốt, sau thời gian được thi công nâng cấp, cải tạo, chủ đầu tư (Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Thốt Nốt) đã tiến hành bố trí phân lô, sạp. Tuy nhiên, một số hộ tiểu thương phản ứng, cho rằng: việc bố trí phân lô, sạp của chủ đầu tư như thế là không hợp lý. Cụ thể như bố trí các lô, sạp khá dày đặc, ảnh hưởng đến việc mua bán cũng như việc đi lại của người dân...

Khu Bạch Đằng 2 (tọa lạc tại tổ 1, ấp Long Thạnh A, thị trấn Thốt Nốt) - chợ Thốt Nốt, có vị trí tiếp giáp như sau: Một mặt tiếp giáp với dãy nhà của 17 hộ tiểu thương, mặt còn lại thì tiếp với mặt sau dãy kioques của người dân (dãy kioques này có mặt tiền là đường Lê Lợi - PV). Trước đây, tại khu vực này, mặt đường tương đối thấp, việc bày bán của một số hộ tiểu thương không gọn gàng, ngăn nắp, nạnh ai nấy kê nới hàng hóa lấn chiếm lối đi, không đảm bảo vẻ mỹ quan cũng như việc đi lại của bà con... Nhằm xây dựng chợ Thốt Nốt văn minh, sạch đẹp, giữa năm 2008, UBND huyện Thốt có chủ trương nâng cấp, cải tạo chợ Thốt Nốt (hạng mục nâng cấp mặt đường phía sau đường Lê Lợi, gồm khu Bạch Đằng 1 và Bạch Đằng 2), do Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Thốt Nốt làm chủ đầu tư.

 Mặt đường khu Bạch Đằng 2 - chợ Thốt Nốt vừa thi công xong, chuẩn bị bố trí phân lô, sạp để đưa các hộ tiểu thương vào buôn bán thì bị các hộ tiểu thương phản ứng, phải dừng lại, chờ bố trí mới.

Sau một thời gian thi công, công trình đã hoàn tất. Hiện nay, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Thốt Nốt đang tiến hành việc bố trí phân lô, sạp để đưa các hộ tiểu thương vào đây buôn bán. Theo kế hoạch, tại khu Bạch Đằng 2 sẽ bố trí khoảng 60 lô, sạp (diện tích mỗi lô, sạp trung bình khoảng 4m2) và được chia thành 2 khu: A và B. Các lô, sạp của khu A nằm giữa 2 con đường (một đường tiếp giáp với nhà của 17 hộ tiểu thương, rộng khoảng 2,5m và một đường còn lại rộng khoảng 3m). Các lô, sạp của khu B, có mặt tiền là con đường 3m; mặt hậu tiếp giáp với đường thông gió rộng khoảng 0,5m; rồi đến mặt sau dãy kioques của người dân (dãy kioques này có mặt tiền là đường Lê Lợi - PV).

Với cách bố trí, phân lô, sạp như thế, 17 hộ tiểu thương ở đây không thống nhất. Tiếp xúc với phóng viên, ông Lê Hoàng Lãm, một trong 17 hộ tiểu thương ở tổ 1, ở Long Thạnh A, thị trấn Thốt Nốt, bức xúc nói: “Chúng tôi không hề biết được cách thức bố trí, sắp xếp các lô sạp này. Đến khi, đại diện Phòng Tài chính - Kế hoạch của huyện đến đo, vẽ diện tích của mỗi lô, sạp thì chúng tôi mới biết, nên đã phản ứng. Nguyên nhân mà chúng tôi phản ứng là sau khi làm xong mặt đường chợ, trước nhà chúng tôi chỉ được vỏn vẹn 0,5m trước cửa, phần còn lại là mặt đường sẽ bị sắp xếp 2 dãy lô, sạp sát khít nhau để mua bán. Với cách bố trí này, 17 hộ tiểu thương chúng tôi không có điều kiện để mua bán vì mặt tiền quá nhỏ hẹp. Mặt khác, khi có khách đến nhà hoặc có nhân viên đến nhà giao đồ thì không có nơi đậu xe, trong khi đó, bãi đậu xe thì cách đó quá xa...”.

Trao đổi với phóng viên xung quanh thắc mắc của các hộ tiểu thương, bà Ngô Thị Viễn Hương, Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Thốt Nốt, cho biết: “Sau khi các hộ tiểu thương có ý kiến đóng góp, hiện nay, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Thốt Nốt có kế hoạch điều chỉnh lại cách bố trí, phân lô, sạp ở khu Bạch Đằng 2, khác so với trước đây. Cụ thể, chúng tôi sẽ bố trí các lô, sạp của 2 khu A và B (theo hướng đâu lưng với nhau), nằm giữa 2 con đường rộng khoảng 3m. Ngoài ra, tại khu Bạch Đằng 2 này còn có 8 con đường xẻ dọc, mỗi con đường rộng khoảng 2m, giúp cho việc buôn bán cũng như việc đi lại của bà con được thuận lợi và thông thoáng. Sắp tới, chúng tôi sẽ kết hợp với chính quyền địa phương tổ chức họp dân, thông qua cách bố trí, phân lô, sạp như thế và phấn đấu sẽ hoàn tất, để các hộ tiểu thương vào buôn bán trong những ngày trước Tết Nguyên đán năm 2009”.

Qua sự việc này cho thấy, nếu như trước khi thực hiện việc bố trí phân lô, sạp, chủ đầu tư có tổ chức buổi họp với các hộ tiểu thương nơi đây, để bà con biết, có ý kiến đóng góp thì chắc chắn việc triển khai sẽ diễn ra thuận lợi, đúng kế hoạch và không bị người dân phản ứng. Đây cũng là bài học chung mà chính quyền địa phương và chủ đầu tư cần rút kinh nghiệm khi thực hiện những công trình liên quan đến quyền và lợi ích thiết yếu của người dân.

Bài, ảnh: NG.B

Chia sẻ bài viết