Cuộc chiến ngân sách và mức trần nợ công của Mỹ vẫn còn treo lơ lửng trước thời hạn chót 17-10 trong bối cảnh nền kinh tế nước này có thể bị hạ bậc tín nhiệm.
|
Các nghị sĩ Mỹ ăn bánh pizza để có sức chạy đua với hạn chót 17-10. Ảnh: AFP |
Giới lãnh đạo chóp bu của Thượng viện Mỹ chiều 16-10 ( rạng sáng 17-10 giờ Việt Nam) lại bắt đầu ngồi vào bàn thương lượng như nỗ lực "còn nước còn tát" nhằm tránh cho nền kinh tế số một thế giới lần đầu tiên bị phá sản. Các thành viên cao cấp của đảng Dân chủ chiều 15-10 cho biết giới lãnh đạo hai đảng tại Thượng viện "đã đến rất gần thỏa thuận cuối cùng" và sẽ tiếp tục bàn thảo chi tiết hơn trong ngày 16-10.
Tuy nhiên, mọi thỏa thuận của Thượng viện đều phụ thuộc vào kết quả đàm phán tại Hạ viện vào buổi sáng, bởi các hạ nghị sĩ ngày 15-10 đã hai lần không thể thông qua thỏa thuận sơ bộ trước đó của Thượng viện. Chính Thượng nghị sĩ John McCain, thành viên cốt cán của đảng Cộng hòa, đã phải thốt lên lời cảnh báo cho phe mình: "Tình thế đang rất nguy kịch. Những người Cộng hòa phải hiểu rằng chúng ta đã thất bại trong cuộc chiến này, điều mà tôi đã tiên đoán cách đây vài tuần, rằng chúng ta không thể giành thắng lợi bởi chúng ta đòi hỏi cái điều không thể thực hiện được".
Thế nhưng mọi hy vọng vào Hạ viện không có gì là chắc chắn. Báo chí Mỹ ngày 16-10 đồng loạt mô tả cuộc họp của Hạ viện hôm 15-10 do Chủ tịch John Boehner chủ trì là "hỗn loạn, điên rồ và vô tích sự". Theo Thời báo Los Angeles, chỉ có 15 hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa chấp nhận nhượng bộ để khai thông thế bế tắc chính trị đã kéo dài quá lâu. Tiếng nói của các thành viên đảng Trà vốn có quan điểm cực kỳ bảo thủ đã lấn át tại cuộc họp và thậm chí họ đã tẩy chay bỏ phiếu. Chủ trương của những người này là bác bỏ mọi cuộc đàm phán sau này về dự luật cung cấp bảo hiểm y tế bắt buộc cho người nghèo do Tổng thống Barack Obama đề xuất.
Thị trường chứng khoán Mỹ hôm 15-10 đã tiếp tục chao đảo. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm trung bình 133,25 điểm, S&P 500 sụt 12,08 điểm và Nasdaq Composite mất 21,26 điểm. Các chỉ số chứng khoán tại châu Á trong phiên giao dịch sáng 16-10 cũng ít nhiều chịu tác động.
Trước sự bấp bênh của chính trường Mỹ, tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch cảnh báo họ có thể hạ bậc tín nhiệm AAA của nước này, điều sẽ khiến lòng tin của nhà đầu tư giảm sút, đồng thời kéo theo lãi suất tăng lên.
ĐỨC TRUNG (Theo Reuters, AFP, LA Times)