18/03/2022 - 08:31

NATO “cài đặt lại” phòng thủ 

MAI QUYÊN (Theo Reuters, AFP)

Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) đang chuẩn bị điều chỉnh chiến lược an ninh để phù hợp với “thực tế mới” ở Ðông Âu, bao gồm tăng cường đáng kể hiện diện quân sự ở khu vực này.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin (trái), Tổng Thư ký NATO Stoltenberg và Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Błaszczak bên lề cuộc họp. Ảnh: Air Force Magazine

“Gia cố” lực lượng

Trong cuộc họp ngày 16-3 giữa bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên ở Brussels (Bỉ), Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg lên tiếng quan ngại về nguy cơ một cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ NATO cũng nằm trong kế hoạch quân sự rộng lớn hơn của Nga. Trả lời phỏng vấn sau đó, ông Stoltenberg cho biết các bộ trưởng quốc phòng đã đồng ý kế hoạch thiết lập lại khả năng phòng thủ tập thể cũng như răn đe lâu dài, đáp ứng tình hình an ninh mới sau khi cuộc giao tranh Nga - Ukraine bùng phát.

Theo tiết lộ, bất kỳ “thế trận” mới nào cũng hướng tới việc tăng cường lực lượng NATO ở Ðông Âu, triển khai thêm tên lửa và hệ thống phòng không, mở rộng sự hiện diện của tàu sân bay cùng tàu ngầm trên biển. Ngoài mặt trận truyền thống, liên minh cũng coi trọng khả năng phòng thủ trên mạng và trong không gian. Theo ông Stoltenberg, các đề xuất quân sự sẽ được đệ trình trong vòng vài tuần, mở đường cho kế hoạch được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra vào tháng 6 ở Madrid (Tây Ban Nha). Nhưng trước mắt, các nhà lãnh đạo NATO vẫn tiếp tục thảo luận thêm chi tiết khi họ gặp nhau vào giữa tuần tới trong cuộc họp khẩn cấp tại Brussels nhằm thể hiện lập trường thống nhất trước tình hình chiến sự ở Ukraine.

Tăng gấp đôi hỗ trợ cho Ukraine

Tuy NATO tìm cách tăng cường đáng kể lực lượng ở sườn Ðông, nhưng ông Stoltenberg khẳng định điều này không có nghĩa liên minh triển khai quân đến Ukraine, nước không phải thành viên. Tuyên bố trên nhằm bác bỏ đề nghị của Ba Lan về một “sứ mệnh hòa bình” có vũ trang ở Ukraine để cung cấp viện trợ nhân đạo.

Ðến nay, Mỹ và các đồng minh NATO vẫn phản đối việc can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến ở Ukraine do lo ngại động thái này châm ngòi cuộc đối đầu với Nga, mà hệ quả là chiến tranh hạt nhân giữa các cường quốc. Tuy nhiên, NATO kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2 đã dồn dập chuyển giao vũ khí hỗ trợ lực lượng Ukraine. Các nhà ngoại giao và phân tích quân sự ước tính, các đồng minh NATO đã gửi hơn 20.000 vũ khí chống tăng và nhiều loại vũ khí khác tới Ukraine, bao gồm hệ thống phòng không di động.

Khối quân sự do Mỹ dẫn đầu cũng bắt đầu triển khai các hệ thống đánh chặn tên lửa ở Ba Lan và Slovakia, trong khi số lượng máy bay chiến đấu hiện diện ở Ðông Âu tăng lên đáng kể. Ngoài ra, liên minh còn lần đầu tiên kích hoạt lực lượng phản ứng nhanh với việc tạm điều chuyển hàng chục ngàn binh sĩ đến Trung và Ðông Âu đề phòng chiến sự ở Ukraine lan rộng ra ngoài biên giới. Và trong cuộc họp mới đây, Tổng Thư ký Stoltenberg xác nhận liên minh nhất trí tăng gấp đôi sự hỗ trợ cho Ukraine về mặt quốc phòng, tài chính và viện trợ nhân đạo.

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo khoản viện trợ quân sự “chưa từng có tiền lệ” trị giá 1 tỉ USD dành cho Ukraine nhằm hỗ trợ an ninh và triển khai các vũ khí tầm xa. Khoản tiền nói trên bao gồm 200 triệu USD được phân bổ vào cuối tuần qua và 800 triệu USD từ gói viện trợ đã được Quốc hội Mỹ thông qua vào tuần trước. Gói hỗ trợ này dành cho 800 hệ thống phòng không, 9.000 hệ thống chống thiết giáp, 7.000 vũ khí hạng nhẹ, 100 súng phóng lựu và 20 triệu viên đạn các loại. Thiết bị không người lái cũng được cung cấp cho Ukraine.

Chia sẻ bài viết