07/06/2009 - 08:32

Nâng cao vị thế Việt Nam trong đối tác toàn cầu từ Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ

Báo cáo “Việt Nam tiếp tục chặng đường thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ năm 2008” vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố mới đây cho thấy: Mục tiêu thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển trong cam kết thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam (VN) đã có những bước tiến cơ bản; do vậy đã phát huy được vai trò và uy tín của VN trên trường quốc tế, đồng thời tạo cơ hội đưa nền kinh tế phát triển nhanh, có hiệu quả.

HỢP TÁC ĐA PHƯƠNG VÀ SONG PHƯƠNG

Theo đánh giá của Báo cáo “Việt Nam tiếp tục chặng đường thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ năm 2008”, trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hiệp Quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2008-2009 đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho VN phát huy vai trò của mình trong việc thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển; tham gia sâu rộng và tích cực vào các công việc chung của cộng đồng quốc tế trên cả hai lĩnh vực hợp tác đa phương và song phương.

Tại các diễn đàn kinh tế quốc tế có uy tín, VN tham gia và đóng vai trò tích cực, nổi bật là tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Diễn đàn Tương lai châu Á, Hội Doanh nghiệp châu Á, Đối thoại châu Á (ACD)... Ở cấp độ khu vực, VN là thành viên tích cực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đang hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

 Việt Nam đã có quan hệ thương mại với hơn 170 quốc gia, vùng và lãnh thổ. Trong ảnh: Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cảng Cần Thơ. Ảnh: XUÂN ĐÀO

Là một trong 8 nước được LHQ chọn thí điểm thực hiện sáng kiến “Một Liên hợp quốc”, Chính phủ VN, các tổ chức LHQ và các nhà tài trợ đã phối hợp thực hiện và đề xuất về phương cách thực hiện, mục tiêu, nguyên tắc cùng lộ trình cho mô hình này với 5 cấu phần chính (xây dựng Một kế hoạch chung, Một ngân sách chung, Một quy chế chung về quản lý chương trình, Một Lãnh đạo chung và Một ngôi nhà chung). Tháng 4-2006, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập cơ chế liên bộ để phối hợp với phía quốc tế triển khai thực hiện. Cho tới nay, việc triển khai sáng kiến đã đạt được những kết quả đáng kể trong cả 5 cấu phần; đặc biệt đã xây dựng xong “Một kế hoạch chung” và “Một ngân sách chung” làm cơ sở cho hợp tác giữa VNvà 14 tổ chức LHQ để từ đó có thể rút ra được những kinh nghiệm bổ ích, thực hiện cải tổ hoạt động phát triển của LHQ ở các nước khác một cách hiệu quả hơn. VN cũng đã thiết lập quan hệ ngày càng chặt chẽ hơn với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), tạo dựng quan hệ tốt với cộng đồng tài trợ quốc tế thông qua Hội nghị thường niên Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) và Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF).

Về quan hệ song phương; VN đã có quan hệ thương mại với hơn 170 quốc gia, vùng và lãnh thổ, đã ký hơn 60 hiệp định kinh tế về thương mại song phương và đã thiết lập quan hệ đầu tư với khoảng trên 70 quốc gia, vùng và lãnh thổ. Hiện nay, VN đang xúc tiến đàm phán, ký kết Hiệp định tự do thương mại song phương (FTA) với các nước; trước hết là những đối tác lớn, chiến lược, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, các nước EU. Với Trung Quốc, VN đang đẩy nhanh tiến trình xây dựng “Hai hành lang, Một vành đai kinh tế”. Với Nhật Bản, từ tháng 1-2007 hai nước đã tiến hành đàm phán hiệp định đối tác kinh tế. Cuối năm 2006, Hoa Kỳ đã thông qua dự luật Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam. Từ tháng 1-2007, hạn ngạch, thị thực và visa điện tử liên quan đến hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ được chính thức bãi bỏ. Với Nga, hợp tác hai nước đang ưu tiên vào lĩnh vực năng lượng - nhiên liệu, trong đó có việc phối hợp thăm dò và khai thác dầu khí tại VN, Liên bang Nga và các nước thứ ba. VN cũng đã và đang mở rộng và nâng cao chất lượng hơn nữa hợp tác kinh tế với EU.

Không chỉ hợp tác phát triển với các đối tác lớn, VN còn đáp ứng những nhu cầu đặc biệt của các nước kém phát triển nhất. Đây cũng là một trong những nội dung được cam kết trong Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

VN luôn coi trọng hợp tác phát triển toàn diện với các nước châu Phi. Hiện VN đã có quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước châu Phi và thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao. Trong năm 2007, đã có 6 đoàn lãnh đạo cấp cao các nước châu Phi đến VN. Gần đây, nhiều chuyến thăm quan trọng của Lãnh đạo cấp cao VN tới một số nước châu Phi (tháng 3-2008) đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hữu nghị hợp tác giữa VN và các nước châu Phi trên nhiều mặt. Với sự hỗ trợ tài chính của các tổ chức quốc tế như FAO và UNDP, VN đã và đang tích cực mở rộng hợp tác 3 bên nhằm giúp châu Phi giải quyết khó khăn, nhất là về an ninh lương thực. Thông qua mô hình này, VN tiếp tục chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm về một số lĩnh vực mình có lợi thế như sản xuất lương thực, nghề cá, y tế, giáo dục... Cùng với mô hình hợp tác 3 bên, Chương trình xúc tiến thương mại của VN cũng sẽ tạo thêm nhiều cơ hội hợp tác và thúc đẩy thương mại giữa VN và các nước châu Phi.

CHẤT LƯỢNG HƠN, TOÀN DIỆN HƠN MỐI QUAN HỆ TOÀN CẦU

Báo cáo khẳng định: Trong quá trình thiết lập các mối quan hệ hợp tác toàn cầu, VN đã tăng cường hợp tác với các nước phát triển xây dựng và thực hiện chiến lược tạo việc làm cho thanh niên; hình thành thị trường lao động trong nước, mở rộng và phát triển hệ thống dạy nghề, các trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm, tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội tiếp cận để có việc làm đồng thời hướng vào tham gia thị trường xuất khẩu lao động. VN còn hợp tác với khu vực tư nhân để tận dụng lợi ích của các công nghệ mới, đặc biệt là các công nghệ thông tin và truyền thông.

Với việc tham gia vào tiến trình toàn cầu hóa và gia nhập WTO, VN đã tiếp cận thị trường hàng hóa và dịch vụ ở tất cả các nước thành viên; có nhiều điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thông và tăng khả năng thu hút vốn, lao động, công nghệ từ nước ngoài, để phát triển nhanh, có chất lượng và hiệu quả. Dòng lưu chuyển vốn đầu tư, lao động, công nghệ, dịch vụ cũng được mở rộng, tạo cơ hội cho VN thu hút thêm vốn, lao động có chất lượng, công nghệ tiên tiến để cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại, đưa nền kinh tế phát triển nhanh, có hiệu quả.

Những thành quả trên là do Hệ thống chính trị của VN tiếp tục ổn định và đổi mới. Đường lối đối ngoại đúng đắn của VN là nền tảng vững vàng cho việc thiết lập các mối quan hệ hợp tác toàn cầu vì sự phát triển; từ đó nâng cao vị thế của VN trên trường quốc tế và tạo ra những điều kiện thuận lợi để tham gia sâu hơn, toàn diện hơn trong xu thế toàn cầu hóa. Một nguyên nhân không kém phần quan trọng đó là do kinh tế, xã hội của VN đã vươn lên đạt được kết quả rất đáng khích lệ, tạo ra những khả năng to lớn trong việc hội nhập kinh tế và thiết lập các mối quan hệ hợp tác toàn cầu.

Hướng tới việc thực hiện có chất lượng mục tiêu thiết lập mối quan hệ đối tác toàn cầu vì sự phát triển đến năm 2015, VN sẽ tham gia vào tiến trình toàn cầu hóa một cách toàn diện và sâu sắc hơn cũng như thực hiện đầy đủ các cam kết với các nước và các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, để thiết lập mối quan hệ toàn cầu vì sự phát triển trong khi nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn là những thách thức lớn đối với VN do còn có những hạn chế trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách cơ cấu kinh tế trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiều cơ chế chính sách chưa phù hợp với thông lệ quốc tế hoặc còn khoảng cách với những nguyên tắc hoạt động trên thương trường toàn cầu, hay khu vực.

Ý thức được bối cảnh đó, VN sẽ tiếp tục vượt qua những khó khăn, hạn chế để hòa đồng phát triển có hiệu quả trong chiến lược kinh tế toàn cầu, mà trước hết là với các nền kinh tế trong khu vực. VN sẽ tập trung thực hiện các giải pháp mà trước hết là: Tập trung thực hiện các giải pháp nhằm nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tăng khả năng huy động mọi nguồn lực cho phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp... VN sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó ưu tiên đi trước một bước trong xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật phát triển thị trường vốn, thị trường bất động sản, thị trường khoa học và công nghệ, thị trường lao động, bảo vệ quyền tự do kinh doanh, pháp luật về hỗ trợ kỹ thuật và tiêu chuẩn môi trường.

Báo cáo một lần nữa khẳng định: Phát huy vai trò và uy tín trên trường quốc tế, VN tiếp tục chủ động và tích cực tham gia vào các hoạt động của các Tổ chức quốc tế mà VN là thành viên. Việt Nam sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc triển khai Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.

MINH CHÂU (TTXVN)

Chia sẻ bài viết