07/08/2019 - 18:45

Mỹ-Trung cạnh tranh địa chiến lược tại Thái Bình Dương 

Chuyến thăm Liên bang Micronesia của Ngoại trưởng Mike Pompeo hồi đầu tuần cho thấy Mỹ lo ngại ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại các đảo quốc Thái Bình Dương.

“Tôi vui mừng thông báo Mỹ đã bắt đầu đàm phán về việc gia hạn hiệp ước Kết hợp tự do (COFA) giữa chúng ta để duy trì nền dân chủ trước những nỗ lực của Trung Quốc nhằm vẽ lại Thái Bình Dương”- Ngoại trưởng Pompeo nói sau khi gặp các lãnh đạo của Micronesia, quần đảo Marshall và Palu trong khuôn khổ chuyến thăm Micronesia hôm 5-8. Theo đó, ông Pompeo cũng trở thành ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đến thăm ba đảo quốc Thái Bình Dương, còn gọi là Các quốc gia liên kết tự do (FAS).

Tìm cách ngăn ảnh hưởng của Trung Quốc

Quan trọng hơn, động thái trên được xem là “bước đi trước” của Washington trong bối cảnh COFA sẽ hết hạn vào năm 2023. Theo các điều khoản hiện tại, quân đội Mỹ có đặc quyền tiếp cận không phận và lãnh hải của FAS, đổi lại ba đảo quốc sẽ nhận được sự hỗ trợ kinh tế từ Washington cũng như công dân của họ được miễn thị thực du lịch và có quyền lưu trú tại xứ cờ hoa. Các chuyên gia cảnh báo nếu Mỹ không gia hạn hiệp ước, Trung Quốc có thể nhân cơ hội để tìm kiếm một thỏa thuận với FAS. Khu vực này có tầm quan trọng chiến lược hơn với Mỹ trong những năm gần đây, nhưng giờ đây Washington quan ngại Bắc Kinh đang ráo riết gây ảnh hưởng.

Chuyến thăm của ông Pompeo diễn ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều chi tiết mới về cái gọi là “chiến tranh chính trị” của Trung Quốc cũng như thành công của nước này trong việc làm xói mòn ảnh hưởng của Mỹ tại 3 đảo quốc nhỏ bé trên. Báo cáo có tên “Winning Without Fighting” (tạm dịch: “Chiến thắng không cần chiến đấu”) của nhà phân tích Grant Newsham cho thấy cách Bắc Kinh sử dụng các nguồn đầu tư, viện trợ tài chính, khoản cho vay, tài trợ, học bổng và nhất là các “chuyến thăm ngoại giao” để từng bước bào mòn sự ủng hộ đối với các căn cứ quân sự của Mỹ trên các đảo quốc. Chẳng hạn như tại Micronesia, Trung Quốc đã xây dựng nhiều văn phòng quan trọng, một trung tâm thể thao cũng như các tư dinh cho tổng thống, phó tổng thống, chủ tịch quốc hội và chánh án của nước này. Ngoài ra, Bắc Kinh còn giúp mở rộng các tuyến đường, tặng tàu cho Micronesia để cải thiện hoạt động vận tải liên đảo, nâng cấp các sân bay… Tuần rồi, Bắc Kinh được cho đã chi 2 triệu USD cho quỹ ủy thác của Micronesia, trong khi đặc phái viên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình- Dương Truyền Đường - mới đây cũng đến tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống Micronesia David Panuelo.

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo (thứ hai, từ trái sang) trong chuyến thăm Micronesia hôm 5-8. Ảnh: AP

“Nếu đối thủ thiết lập vị thế quân sự hoặc chi phối kinh tế bằng quyền phủ quyết thực tế tại các quốc đảo này, thì nó chắc chắn sẽ chia tách sự phòng thủ của Mỹ và các đồng minh dọc cái gọi là Chuỗi đảo thứ hai, trải dài từ Nhật Bản xuống Úc”- ông Newsham nhận định. Đó sẽ là bước lùi đáng kể về mặt chiến lược đối với Washington và các đồng minh, theo chuyên gia người Mỹ.

Kể từ khi các chuyên gia bắt đầu tìm hiểu mức độ tiếp cận của Trung Quốc đối với FAS, Washington đã hối hả hơn. Hồi tháng 5 vừa qua, lãnh đạo các nước Micronesia, quần đảo Marshall và Palu đã có cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng, trong đó thảo luận về sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Thái Bình Dương cũng như ủng hộ hiện nay của Washington đối với khu vực này. Hồi năm ngoái, Chuuk- một trong 4 đảo của Micronesia - đã hoãn cuộc bỏ phiếu về việc ly khai cho đến năm 2020. Nếu ly khai thành công, đảo này sẽ rút khỏi COFA và tự do “bắt tay” với Trung Quốc, theo chuyên gia cao cấp về quốc phòng Derek Grossman. Trung Quốc đã tặng kinh phí xây dựng Hạ viện mới lên tới 10 triệu USD. Do vậy, ông cho rằng Washington chắc chắn tìm cách ngăn Trung Quốc tiếp cận đảo này và các vị trí địa chiến lược khác trên khắp châu Đại Dương.

Đảo quốc Thái Bình Dương vẫn cần Bắc Kinh

Tuy nhiên, trong động thái chưa từng có, Papua New Guinea (PNG) vừa đề nghị Chính phủ Trung Quốc tái cấp vốn để nước này đủ khả năng thanh toán toàn bộ nợ chính phủ lên tới gần 8 tỉ USD. Nợ của PNG chiếm khoảng 32,8% GDP nước này.

Theo chuyên gia Matthew Clarke tại đại học Deakin (Úc), lời đề nghị trên đánh dấu “sự thay đổi đáng kể” trong quan hệ Úc - PNG và quan hệ PNG - Trung Quốc. Úc lâu nay là quốc gia viện trợ tài chính lớn nhất và cũng là đồng minh quan trọng nhất của PNG. Thế nhưng, trong những năm gần đây quan hệ PNG - Trung Quốc đã khắn khít hơn.

Thủ tướng Marape còn yêu cầu Trung Quốc xem xét gia nhập thỏa thuận thương mại tự do với các đảo quốc tại Thái Bình Dương. Năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có chuyến thăm PNG trước thềm thượng đỉnh APEC ở thủ đô Port Moresby. Ở chiều ngược lại, các nghị sĩ PNG cũng đã đến Bắc Kinh và trong năm 2017 Trung Quốc cam kết cho PNG vay 3,9 tỉ USD, bao gồm 3,5 tỉ USD để phát triển đường sá.

Mỹ khẳng định triển khai tên lửa tại châu Á nhằm bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản

Ngày 6-8, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton khẳng định việc Washington gần đây tuyên bố sẵn sàng triển khai các tên lửa tầm trung tại châu Á có liên quan tới việc bảo vệ các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trả lời phỏng vấn Fox News, Cố vấn Bolton nêu rõ nguyên nhân Mỹ thực hiện kế hoạch trên là do Trung Quốc vừa mới đưa vào triển khai hàng nghìn tên lửa như vậy nhưng lại không tham gia Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Đây cũng là một phần lý do khiến Tổng thống Donald Trump rút khỏi hiệp ước trên. 
    

THANH BÌNH (Theo Reuters, Guardian)

Chia sẻ bài viết