02/09/2018 - 08:50

Mỹ tố Trung Quốc đẩy mạnh tuyển gián điệp trên mạng xã hội 

Reuters trích cảnh báo của cơ quan phản gián hàng đầu Mỹ cho biết, các cơ quan gián điệp Trung Quốc đang sử dụng tài khoản giả trên trang LinkedIn để chiêu mộ công dân Mỹ có quyền tiếp cận thông tin chính phủ và bí mật thương mại.

Ảnh: ABS-CBN News
Ảnh: ABS-CBN News

Theo Giám đốc tình báo phản gián Mỹ William Evanina, giới chức tình báo và thực thi pháp luật nước này đã thông báo LinkedIn về nỗ lực “rất quyết liệt” của Trung Quốc trên trang web của họ. Trong đó, chiến dịch của Bắc Kinh được thực hiện qua giao thức liên lạc với hàng ngàn thành viên LinkedIn cùng lúc. Tuy nhiên, ông Evanina không tiết lộ bao nhiêu tài khoản giả bị phát hiện, số người Mỹ được liên lạc cũng như mức độ thành công của Trung Quốc.

LinkedIn là mạng xã hội thuộc tập đoàn Microsoft, tập trung vào nhu cầu kết nối tìm việc, tuyển dụng và tìm kiếm cơ hội. Dịch vụ hiện có khoảng 575 triệu người dùng tại hơn 200 nước và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 150 triệu thành viên ở Mỹ. Ông Evanina thừa nhận đây là một trang rất tốt; chính vì vậy, nó cũng hữu ích cho các đối thủ nước ngoài nhắm mục tiêu không chỉ quan chức chính phủ và nhân viên tình báo Mỹ mà còn những học giả, khoa học gia, kỹ sư hoặc bất cứ thành viên chuyên nghiệp nào muốn tìm. Ông Evanina đề nghị LinkedIn nên cân nhắc biện pháp rà soát và gỡ bỏ các tài khoản giả như Twitter, Google và Facebook đang triển khai.

Trước đây, chính quyền Anh và Đức từng cảnh báo công dân họ về khả năng Trung Quốc sử dụng mạng LinkedIn để tuyển điệp viên nước ngoài. Nhưng đây là lần đầu tiên một quan chức Mỹ công khai đề cập thách thức này tại nước Mỹ, thậm chí cho biết vấn đề còn lớn hơn những gì đã biết trước đó.

Xác nhận với Reuters, Giám đốc bộ phận an toàn LinkedIn Paul Rockwell cho biết công ty đã tiếp xúc với các cơ quan chấp pháp Mỹ về vấn đề gián điệp Trung Quốc. “Chúng tôi đang làm mọi khả năng để xác định và ngăn chặn hoạt động này. Chúng tôi luôn chủ động xác định hành vi tiêu cực và gỡ bỏ tài khoản xấu dựa trên thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cơ quan chính phủ” – ông Rockwell khẳng định. Đầu tháng 8, LinkedIn cho biết đã gỡ bỏ dưới 40 tài khoản giả được phát hiện cố liên lạc với những thành viên LinkedIn có mối liên hệ với các tổ chức chính trị không xác định. Song, ông Rockwell từ chối xác nhận liệu những tài khoản đó liên quan tình báo Trung Quốc hay không.

Trung Quốc là “mối đe dọa” lớn nhất

Theo tình báo Mỹ, thì Nga, Iran, CHDCND Triều Tiên và một số quốc gia khác cũng sử dụng LinkedIn và những nền tảng khác để tìm kiếm mục tiêu, tuyển mộ điệp viên nhưng hoạt động của Trung Quốc là cao nhất và đặt ra mối đe dọa lớn nhất. Các quan chức Mỹ còn xác định sự tham gia của Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc thông qua “nhân viên chìm”, thiết lập tài khoản giả tiếp cận mục tiêu tiềm năng là những chuyên gia trong các lĩnh vực như siêu máy tính, năng lượng hạt nhân, công nghệ nano, bán dẫn, công nghệ tàng hình, chăm sóc sức khỏe, lai giống và năng lượng xanh.

Vụ gần đây nhất là hồi tháng 6, cựu sĩ quan Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Kevin Mallory bị kết tội âm mưu làm gián điệp cho Trung Quốc. Theo hồ sơ tòa án, ông Mallory vào thời điểm khó khăn về tài chính thì nhận được liên lạc qua tin nhắn trên LinkedIn vào tháng 2-2017 từ một công dân Trung Quốc giả làm người tuyển dụng. Người này sắp xếp cuộc gọi giữa ông Mallory và người đàn ông khác tự nhận làm việc tại viện nghiên cứu ở Thượng Hải. Sau đó, ông Mallory đồng ý bán các bí mật quốc phòng của Mỹ dù nghi ngờ những người Trung Quốc liên lạc với ông là viên chức tình báo. Trong vòng 2 năm rưỡi qua, có 5 quan chức đương nhiệm và nghỉ hưu Mỹ bị truy tố hoặc bị kết án làm gián điệp cho Trung Quốc.

Theo Thượng nghị sĩ Dân chủ Mark Warner thuộc Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, việc Bắc Kinh khai thác LinkedIn phản ánh phạm vi tình báo Trung Quốc hướng tới và những thách thức đối với hoạt động phản gián trong thời đại mà ai cũng có thể để lại dấu vết trên mạng. Trong thời đại hội nhập kinh tế quốc tế, tình báo Trung Quốc tập trung vào lĩnh vực tư nhân. Joshua Skule, người đứng đầu nhóm tình báo của Cục Điều tra Liên bang Mỹ  (FBI), cho biết khoảng 70% các vụ gián điệp của Trung Quốc là nhằm vào lĩnh vực tư nhân Mỹ, trong đó gián điệp kinh tế đang ở mức độ chưa từng có trong lịch sử.

Trong nỗ lực đối phó, tình báo Mỹ đã thông báo đến quan chức đã và đang làm việc trong chính quyền về mối đe dọa trực tuyến, những biện pháp an ninh tự bảo vệ mình trước tình trạng nhiều quan chức nước này vẫn hay đăng thông tin quan trọng liên quan công việc lên mạng, thậm chí đề cập những đơn vị tình báo mật mà chính phủ không công khai.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Mỹ-Trung Quốc