07/09/2021 - 07:57

Mỹ tìm cách trấn an đồng minh 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đều đã lên đường thăm các đồng minh vùng Vịnh và châu Âu để đánh giá lại mối quan hệ của Washington trong khu vực sau khi nước này rút quân khỏi Afghanistan.

Ngoại trưởng Blinken lên đường công du Qatar sáng 6-9.

Ngoại trưởng Blinken lên đường công du Qatar sáng 6-9.

Ngoại trưởng Blinken thăm Qatar trong 2 ngày 6 và 7-9, một tuần sau tuyên bố “chương mới” trong quan hệ giữa Mỹ với Afghanistan dưới thời Taliban. Sau khi tạm chấm dứt hiện diện ngoại giao ở thủ đô Kabul của Afghanistan từ ngày 30-8, Mỹ đã chuyển các hoạt động sang Qatar. Qatar hiện tiếp nhận hơn 55.000 người sơ tán từ Afghanistan. Điểm dừng chân tiếp theo của ông Blinken là căn cứ không quân Ramstein ở Đức, nơi hàng ngàn người Afghanistan đang chờ để được đưa đến xứ cờ hoa. Tại Đức, Ngoại trưởng Blinken dự kiến có cuộc gặp với người đồng cấp nước chủ nhà Heiko Maas và sau đó đồng chủ trì hội nghị bộ trưởng của 20 nước về vấn đề Afghanistan. “Chuyến công du sẽ tập trung vào mối quan hệ với Qatar, cảm ơn sự hỗ trợ tuyệt vời của họ cũng như với phía Đức. Đó sẽ là thông điệp nền tảng của chuyến thăm”, quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Dean Thompson nói.

Song song đó, Bộ trưởng Quốc phòng Austin cũng bắt đầu chuyến công du Qatar, Kuwait, Bahrain và Saudi Arabia - những đồng minh quân sự của Mỹ ở vùng Vịnh. Kuwait và Bahrain đã hỗ trợ chiến dịch sơ tán của Mỹ bằng cách tạm thời tiếp nhận hàng ngàn người Mỹ, Afghanistan và công dân các nước khác. Theo thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby, trong chuyến công du này, Bộ trưởng Austin sẽ gặp gỡ các đối tác trong khu vực và cảm ơn họ vì đã hợp tác với Mỹ trong cuộc không vận khổng lồ vừa qua. Cuối tháng rồi, hơn 120.000 người đã được sơ tán khỏi Afghanistan.

Theo giới quan sát, các chuyến công du trên không chỉ để gửi lời cảm ơn mà còn nhằm trấn an các đồng minh vùng Vịnh rằng quyết định của Mỹ về việc kết thúc chiến tranh tại Afghanistan để tập trung hơn vào những thách thức an ninh như Trung Quốc và Nga không đồng nghĩa bỏ rơi những đồng minh ở Trung Đông. Trong chuyến đi, chủ nhân Lầu Năm Góc cũng sẽ tái khẳng định quan hệ quốc phòng mạnh mẽ trong khu vực. Quân đội Mỹ đã hiện diện tại vùng Vịnh trong nhiều thập niên qua, bao gồm trụ sở Hạm đội 5 đóng tại Bahrain. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuy không đề nghị kết thúc sự hiện diện đó, nhưng đã gọi Trung Quốc là ưu tiên an ninh số một, bên cạnh những thách thức chiến lược từ Nga. Trong khi đó, Saudi Arabia đã không tham gia vào nhóm các quốc gia vùng Vịnh giúp Mỹ thực hiện cuộc sơ tán đầy hỗn loạn tại Afghanistan. Quan hệ Riyadh - Washington đang căng thẳng liên quan nỗ lực của ông Biden về việc hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran cùng những vấn đề khác. Chỉ vài ngày trước khi binh sĩ Mỹ cuối cùng rời khỏi Afghanistan, Saudi Arabia đã ký thỏa thuận hợp tác quân sự với Nga.

Chuyến công du của hai quan chức cấp cao Mỹ diễn ra trong bối cảnh chính quyền ông Biden đối mặt với nhiều chỉ trích về việc rút quân khỏi Afghanistan. Một số đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương đã hoài nghi trước quyết định rút quân vội vã của ông Biden, nhưng không chắc cuộc khủng hoảng Afghanistan có làm suy yếu quan hệ Mỹ - châu Âu. Tuy nhiên, Rachel Ellehuus và Pierre Morcos, hai chuyên gia châu Âu tại Trung tâm chiến lược và an ninh quốc tế, cho rằng cuộc khủng hoảng đã phơi bày “những sự thật khó chịu” về quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Được biết, các bộ trưởng quốc phòng châu Âu cũng đang cân nhắc thành lập lực lượng phản ứng nhanh đối với Afghanistan để giảm sự phụ thuộc vào quyết định của Washington. Một trong những đề xuất được xem xét là thành lập một lực lượng gồm 5.000 binh sĩ có khả năng được triển khai nhanh.

Taliban tuyên bố kiểm soát hoàn toàn tỉnh Panjshir

Ngày 6-9, người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid tuyên bố đã kiểm soát hoàn toàn tỉnh Panjshir, khu vực cuối cùng ở Afghanistan mà Lực lượng Mặt trận kháng chiến quốc gia (NRF) vẫn hoạt động chống lại Taliban trước đó. Những hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy các thành viên của Taliban đang đứng trước cửa của tòa nhà chính quyền tỉnh Panjshir.

Trên mạng xã hội Twitter, ông Mujahid tuyên bố thung lũng Panjshir “đã hoàn toàn được kiểm soát”.  Hiện thủ lĩnh NRF, ông Ahmad Massoud chưa đưa ra bình luận gì về thông tin trên.

Trước đó, Taliban đã bác bỏ đề xuất ngừng bắn ở tỉnh Panjshir, do thủ lĩnh NRF Massoud đưa ra. Taliban cho biết các lực lượng chống Taliban thuộc NRF phải chịu nhiều thương vong, với số lượng lớn tù binh, vũ khí và phương tiện rơi vào tay Taliban.

HẠNH NGUYÊN (Theo AP)

Chia sẻ bài viết