28/05/2010 - 08:45

Mỹ sẵn sàng cho chiến tranh trên mạng

Tướng Keith Alexander, Tư lệnh đầu tiên của CYBERCOM. Ảnh: Cnet

Cuối tuần rồi, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã chủ trì lễ khai trương Bộ chỉ huy quân sự trên mạng (CYBERCOM) dưới sự dẫn dắt của tướng lục quân Keith Alexander, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA). Cùng ngày, ông Alexander đã được thăng cấp từ ba sao lên bốn sao.

CYBERCOM được coi là lực lượng tác chiến quân sự đa mục tiêu và toàn diện trên mạng đầu tiên trên thế giới. Bước đầu, CYBERCOM có biên chế 1.000 người và dự kiến sẽ hoạt động hết công suất kể từ đầu tháng 10 tới. CYBERCOM, đặt tại căn cứ quân sự Fort Meade (bang Maryland), là đơn vị trực thuộc Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ (USSTRATCOM) vốn chịu trách nhiệm quân sự hóa không gian cũng như triển khai các dự án tên lửa đánh chặn toàn cầu, chiến tranh thông tin và chống vũ khí hủy diệt hàng loạt. CYBERCOM có nhiệm vụ giám sát, quản lý và bảo vệ sự an toàn cho 15.000 mạng lưới máy tính của Bộ Quốc phòng Mỹ nằm rải rác khắp 4.000 căn cứ quân sự tại 88 quốc gia. Ngoài ra, CYBERCOM còn được giao vai trò bảo vệ mạng lưới máy tính của chính phủ, hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia trọng yếu và hỗ trợ cho cả các doanh nghiệp lớn trên lĩnh vực quốc phòng, viễn thông, hàng không, năng lượng.

Cùng với sự ra mắt của CYBERCOM, Lầu Năm Góc cũng thông báo Lục quân Mỹ sẽ tập hợp 21.000 binh sĩ từ nhiều đơn vị chiến tranh trên mạng thành một bộ tư lệnh thống nhất mới đặt tên là Bộ chỉ huy quân sự trên mạng của lục quân (ARFORCYBER) do một tướng 3 sao lãnh đạo. Trong khi đó, Không lực Mỹ cho biết bắt đầu từ tháng 11-2009, họ đã chuyển ít nhất 30.000 binh sĩ bộ phận truyền thông và điện tử sang “mặt trận chiến tranh trên mạng”.

Thứ trưởng Quốc phòng William Lynn tuyên bố sự ra đời của CYBERCOM là cột mốc lịch sử giúp nước Mỹ đủ khả năng thực hiện các cuộc tác chiến trên một lĩnh vực quân sự mới có tầm quan trọng như 4 “chiến trận” khác, gồm trên đất liền, trên biển, trên không và không gian. Tướng tư lệnh Alexander thì nhấn mạnh CYBERCOM không chỉ giúp nước Mỹ sẵn sàng cho các cuộc tấn công trên mạng ác liệt mà còn đảm bảo vai trò đi đầu thế giới trong nỗ lực sử dụng công nghệ máy tính để ngăn chặn và đánh bại những kẻ thù giấu mặt.

Hiện nay, chiến tranh trên mạng là vấn đề rất được Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) quan tâm và họ coi đây là một phần quan trọng trong chiến lược an ninh mới từ nay đến năm 2020. Giống như các lĩnh vực an ninh và quân sự truyền thống khác, các nước thành viên NATO mong muốn được tập thể bảo vệ khi bị tấn công trên mạng theo điều 5 trong hiến chương của khối này. Chẳng hạn, giờ đây Estonia có thể nhờ sự che chở của Mỹ nếu một lần nữa hệ thống mạng của nước này bị tin tặc (tình nghi là từ Nga) tấn công gây tê liệt như hồi tháng 4-2007.

KIẾN HÒA (Theo Cnet, Australia.to)

Tướng Keith Alexander, Tư lệnh đầu tiên của CYBERCOM. Ảnh: Cnet

Chia sẻ bài viết