17/05/2019 - 17:23

Mỹ mở mặt trận công nghệ ‘’đấu” Trung Quốc 

Bằng sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về công nghệ, tờ Bloomberg xác định Tổng thống Mỹ Donald Trump đang khởi động “cuộc chiến” giành quyền thống trị lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt thế hệ mạng di động thứ 5 (5G) với Trung Quốc.

Sắc lệnh của ông Trump được cho là nhắm vào Huawei. Ảnh: AP

Sắc lệnh của ông Trump được cho là nhắm vào Huawei. Ảnh: AP

Trong động thái được chờ đợi từ lâu, Tổng thống Trump hôm 15-5 chính thức ký sắc lệnh hành pháp tuyên bố trình trạng khẩn cấp, ngăn các công ty trong nước sử dụng thiết bị viễn thông nước ngoài gây nguy hại cho an ninh quốc gia. Sắc lệnh này dẫn Điều luật quyền lực kinh tế khẩn cấp quốc tế, cho phép tổng thống kiểm soát thương mại để đối phó với tình trạng khẩn cấp đe dọa nước Mỹ. Ngoài ra, Bộ Thương mại nước này cũng có quyền cấm các giao dịch “gây rủi ro nghiêm trọng” đối với an ninh quốc gia. Hiện cơ quan này đang phối hợp các ngành chức năng khác để vạch ra lộ trình thực thi vào tháng 10.

Theo tuyên bố của Nhà Trắng, sắc lệnh của ông Trump nhằm bảo vệ Mỹ khỏi những “đối thủ nước ngoài” đang cố khai thác và tạo ra các lỗ hổng trong cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông cũng như các chuỗi cung ứng dịch vụ. Mặc dù Nhà Trắng không đề cập bất kỳ thực thể nào, nhưng một số thành viên cấp cao Quốc hội Mỹ cho biết sắc lệnh của ông Trump chủ yếu nhắm vào các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc, nhất là Huawei.

Chiến dịch toàn cầu

Từ năm 2012, Mỹ đã phát đi những cảnh báo về mối đe dọa bảo mật từ Huawei. Gần đây, Washington tiếp tục cấm các cơ quan liên bang sử dụng thiết bị Huawei và kêu gọi các đồng minh “tẩy chay” do lo ngại sản phẩm do công ty viễn thông này sản xuất có thể bị Bắc Kinh sử dụng trong các hoạt động gián điệp.

Trong động thái phản ánh sự leo thang đáng kể trong trong chiến dịch toàn cầu của Chính phủ Mỹ, Bộ Thương mại ngay sau thông báo của Nhà Trắng đã bổ sung Huawei và 70 chi nhánh vào danh sách cần theo dõi. Điều này đồng nghĩa Huawei sẽ bị cấm giao dịch với các công ty Mỹ nếu không được Washington cho phép. Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, chính sách trên sẽ ngăn chặn nguy cơ công nghệ trong nước bị các thực thể nước ngoài sử dụng làm suy yếu an ninh quốc gia hoặc chính sách đối ngoại của Mỹ.

Trước đó, Washington từng đưa ra động thái tương tự chống lại tập đoàn Trung Quốc ZTE và gần như buộc công ty này phải đóng cửa trước khi ông Trump can thiệp hồi năm ngoái. Theo chuyên gia Roger Sheng, việc cấm Huawei mua linh kiện của Mỹ có thể giáng đòn mạnh vào tham vọng của Bắc Kinh dẫn đầu cuộc đua phát triển mạng 5G. Tuy nhiên, “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc khẳng định động thái của chính quyền Trump không ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh tại châu Âu và các thị trường mới nổi và điều này không khiến nước Mỹ an toàn và mạnh hơn. Trái lại, động thái này sẽ hạn chế các lựa chọn của người Mỹ, khiến họ bị tụt lại phía sau trong cuộc đua triển khai mạng 5G.

Đồng minh chia rẽ

Cuộc cách mạng 5G không chỉ thúc đẩy sự phát triển của hầu hết lĩnh vực quan trọng trong cuộc sống mà còn hứa hẹn đem lại hàng tỉ USD lợi ích kinh tế cho các quốc gia. Tổng thống Trump nhiều lần đề cập tầm quan trọng xu hướng công nghệ tương lai và nhấn mạnh “Mỹ phải giành chiến thắng” trong cuộc đua này.

Tuy nhiên, lập trường của Washington với sắc lệnh mới đang mâu thuẫn với nhiều đồng minh châu Âu. Trong khi một số nước như Nhật Bản, Úc chung tay với Mỹ “cấm cửa” Huawei tham gia xây dựng mạng 5G, các đồng minh khác dường như không muốn đưa ra lệnh cấm đối với hãng viễn thông này. Theo Giám đốc tình báo nước ngoài của Anh, lệnh cấm triệt để Huawei là hành động “quá mức cần thiết” trong khi Phó Thủ tướng Ý khẳng định tình báo nước này không quan tâm đến vấn đề bảo mật của công ty Trung Quốc. Riêng Canada, nước tiến hành bắt giữ Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ năm ngoái, cho biết đang tiến hành đánh giá xem Huawei có gây ra mối đe dọa bảo mật hay không và sẽ có biện pháp phù hợp. Tuy giới chức cấp cao Mỹ khẳng định hành động mới của chính quyền không liên quan xung đột thương mại với Trung Quốc, nhưng tờ Bloomberg cho rằng những diễn biến hiện nay có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, vốn leo thang sau các biện pháp “trả đũa” thuế quan trong tuần này.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết