04/05/2018 - 07:33

Mỹ đau đầu với việc xử lý đầu đạn hạt nhân cũ 

Tại nhà máy Pantex - một cơ sở thuộc Bộ Năng lượng Mỹ nằm gần thành phố Amarillo, các công nhân hợp đồng đang thực hiện một trong những công việc nguy hiểm nhất trong ngành công nghiệp xứ cờ hoa. Đó là tháo các lõi plutonium ra khỏi những đầu đạn hạt nhân đã hết hạn sử dụng. Tuy nhiều quy định an toàn được đặt ra, song chỉ một lần sẩy tay cũng đồng nghĩa thảm họa sẽ đến.

Một góc địa điểm lưu trữ plutonium của Mỹ tại Savannah River, Nam Carolina. Ảnh: Reuters
Một góc địa điểm lưu trữ plutonium của Mỹ tại Savannah River, Nam Carolina. Ảnh: Reuters

Reuters cho biết có 54 tấn plutonium dư thừa tại các cơ sở trên toàn quốc của Bộ Năng lượng Mỹ. Trong đó, Pantex trữ hơn 20.000 lõi plutonium, mức tối đa được phép lưu trữ tạm thời. Số lượng đó đủ gây ra các vụ nổ hạt nhân có sức công phá lên đến hàng ngàn megaton. Đáng lo ngại là mỗi ngày lại có thêm nhiều lõi plutonium được bổ sung vào kho.

Trong khi việc tháo dỡ các đầu đạn hạt nhân tuy ít được chú ý nhưng đang trở nên cấp thiết nhằm đảm bảo Mỹ không vượt quá giới hạn 1.550 đầu đạn theo một hiệp ước ký hồi năm 2010 với Nga. Theo đó, Washington muốn tháo dỡ các đầu đạn cũ để có thể thay thế chúng bằng các vũ khí mới hơn, gây sát thương nhiều hơn.

Mặt khác, theo một thỏa thuận khác hồi năm 2000, Mỹ phải chuyển đổi 34 tấn plutonium thành “nhiên liệu ôxít pha trộn” MOX, vốn không thể dùng chế tạo bom. Còn Nga cũng hủy một khối lượng tương tự nhưng sử dụng một loại lò phản ứng đặc biệt. Mục đích của thỏa thuận là giữ plutonium không rơi vào tay kẻ xấu và loại trừ khả năng hai nước dùng vật liệu này để chế tạo lại vũ khí. Theo trang web của Bộ Năng lượng Mỹ, 2 nước cần phá hủy tổng cộng 68 tấn plutonium – đủ để làm ra 17.000 vũ khí hạt nhân. Nhưng đến nay, Mỹ vẫn không có kế hoạch lâu dài để xử lý số lượng plutonium theo cam kết. Washington chưa bao giờ xây dựng một nhà máy MOX, cũng như không có lò phản ứng tư nhân nào dùng MOX như là nhiên liệu.  Họ thậm chí còn chưa bắt đầu các bước đi cần thiết để có thêm không gian cho việc chôn vùi plutonium xuống độ sâu được xem là an toàn dưới lòng đất là hơn 600 mét. Phần nhiều số plutonium của Mỹ hiện được cất trữ trong một tòa nhà tại Nam Carolina. Ngoài ra, Bộ Năng lượng Mỹ còn một điểm cất trữ nhỏ dưới lòng đất ở bang New Mexico.

Theo Reuters, số plutonium dư thừa ngày nay phần lớn là “di sản” từ thời Chiến tranh Lạnh. Vào thời điểm năm 1967, kho hạt nhân của Mỹ đạt đỉnh điểm với 37.000 đầu đạn. Còn đỉnh điểm của phía Liên Xô vào những năm 1970 là khoảng 45.000 đầu đạn, đủ để hủy diệt sự sống trên Trái Đất hàng ngàn lần. “Chúng ta ngày nay đang ở trong tình huống còn nguy hiểm hơn cả thời Chiến tranh Lạnh”- ông William Potter, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu không phổ biến vũ khí James Martin, nhận định.

NG. CÁT

Chia sẻ bài viết