29/01/2018 - 21:53

Mỹ có thể tái tham gia Thỏa thuận Paris 

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ITV của Anh, phát sóng tối 28-1, Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ có thể tái tham gia thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, dù vẫn chê thỏa thuận hiện thời là “thảm họa” đối với Mỹ.

Tổng thống Trump trả lời phỏng vấn của ITV. Ảnh: Guardian

Nhà lãnh đạo xứ cờ hoa đã đối mặt với làn sóng chỉ trích toàn cầu hồi tháng 6-2017 khi ông tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận khí hậu. Hiệp ước này được ký kết bởi 195 quốc gia sau các cuộc đàm phán căng thẳng vào năm 2015, trong đó các nước cam kết tự nguyện cắt giảm lượng khí thải các-bon nhằm giữ cho nhiệt độ trái đất tăng không quá 2oC trong thế kỷ này.

Tổng thống Trump nói với người dẫn chương trình Piers Morgan rằng ông là một “tín đồ của không khí sạch và nước sạch”, nhưng thỏa thuận Paris hiện nay “là thảm họa đối với nước Mỹ”. Dù vậy, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết sẽ để ngỏ khả năng ở lại với hiệp ước khí hậu, một phần do mối quan hệ thân thiết của ông với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. “Tôi có quay lại không? Vâng, tôi muốn trở lại. Như bạn biết, tôi thích Emmanuel Macron… Tôi thích làm như thế, nhưng đó phải là một thỏa thuận tốt đối với Mỹ” – ông Trump nói thêm.

Trong cuộc phỏng vấn với  ITV, ông Trump vẫn còn tỏ ra hoài nghi về việc khí hậu toàn cầu đang ấm lên, như kết luận mà hầu hết các nhà khoa học đưa ra. Dữ liệu do Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) mới công bố cho thấy năm 2017 là năm nóng thứ 3 trong lịch sử. 7 trong số 18 năm nóng nhất đã xảy ra trong thế kỷ 21 và kể từ năm 1976 đến nay, trái đất chưa có năm nào mát hơn mức trung bình. Theo NOAA, đánh giá thường niên của Liên minh Địa - Vật lý Mỹ về các điều kiện của Bắc cực – Arctic Report Card – công bố hồi tháng 12-2017 cho thấy, mức độ đóng băng ở Bắc cực trong những tháng lạnh nhất mùa đông đã xuống thấp kỷ lục vào năm 2017 và đang giảm nhanh hơn bất cứ thời điểm nào trong 1.500 năm qua. Tổn thất do thiên tai tại Mỹ cũng đạt mức kỷ lục hồi năm ngoái, gây áp lực cho ngân sách nước này. NOAA ước tính tổng thiệt hại gây ra bởi thời tiết khắc nghiệt, bao gồm 16 trận bão, hỏa hoạn và lũ lụt nặng nề năm 2017 là 306 tỉ USD.

Việc Tổng thống Trump thay đổi ý định rút khỏi thỏa thuận Paris một phần có lẽ do ông cảm thấy bị lạc lõng giữa các nhà lãnh đạo khác. Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sĩ) diễn ra tuần qua, Tổng thống Trump không đề cập gì đến biến đổi khí hậu, trong khi hầu hết các chính khách và lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia đều ít nhiều nói đến. Sự hoài nghi của ông về vấn đề này còn trở thành mục tiêu trêu chọc của người đồng cấp Pháp Macron. “Rõ ràng, và may mắn thay, năm nay bạn đã không mời bất cứ ai hoài nghi sự nóng lên toàn cầu”, ông Macron ám chỉ ông Trump. Khán giả cười.

Khảo sát của các nhà tổ chức WEF cho thấy 4/5 mối quan ngại lớn nhất toàn cầu của các nhà lãnh đạo thế giới đều liên quan đến biến đổi khí hậu.

THANH TRÚC  (Theo Guardian, Bloomberg, Vice news)

Chia sẻ bài viết