18/12/2018 - 20:26

Mueller -nhân vật bí ẩn trên chính trường Mỹ 

Là chính trị gia được nể trọng, giới phân tích cho rằng Công tố viên đặc biệt Robert S. Mueller III (ảnh) sẽ được lịch sử nhắc tới là một trong những nhân vật quan trọng dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Robert Mueller không phải cái tên xa lạ trên chính trường Mỹ. Ông từng giữ chức Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) trong 12 năm liên tiếp dưới thời Tổng thống Geogre W. Bush và Barack Obama. Giữa tâm bão khủng hoảng chính trị về cáo buộc Nga thao túng mùa bầu cử Mỹ năm 2016, Mueller năm ngoái được bổ nhiệm làm công tố viên đặc biệt điều tra vụ này. Quyết định trên nhận được sự ủng hộ của đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa.

Nắm toàn quyền điều tra, Mueller và các cộng sự đang sờ gáy và bắt giam nhiều thuộc hạ thân tín của Tổng thống Trump. Gần đây, ông được giới truyền thông nhắc đến nhiều khi xếp thứ 3 trong danh sách Nhân vật của Năm 2018 trên tạp chí TIME. Tổng thống Trump đứng vị trí thứ 2 sau nhóm “Những người bảo vệ” gồm các nhà báo bị bắt, bị sát hại và bị kết án trong năm nay vì lý do liên quan đến công việc của họ.

Theo phong cách thường thấy, vị chính trị gia 74 tuổi vẫn giữ im lặng và luôn tránh sự chú ý của công chúng. Theo cựu Tổng biên tập tạp chí Washingtonian Garrett Graff, Mueller là nhân vật “phi đảng phái” nhất ở Washington. Việc một người có tiếng như ông lại xa lánh truyền thông đã tạo nên sự khác biệt ngay tại trung tâm chính trị Mỹ. Nhóm điều tra do Mueller dẫn dắt được nhìn nhận là cơ cấu chặt chẽ nhất ở Washington theo tiêu chí “không phỏng vấn, không rò rỉ, không bàn tán, không bông đùa và không tầm phào”. Cũng sự im lặng này thổi lên biết bao đồn đoán từ các phe phái. Với phe cực hữu và giới phê bình, vị cựu Giám đốc FBI bị cho là công tố viên đam mê quyền lực, vượt quá thẩm quyền nhằm cố trưng ra những bằng chứng chống lại Tổng thống Trump. Ngược lại, người theo chủ nghĩa tự do nhìn nhận Mueller là “anh hùng” với nỗ lực bền bỉ trong cuộc chiến pháp lý làm sáng tỏ khả năng nhóm tranh cử của ông Trump thông đồng với Nga.

Trong một bình luận, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) Leon Panetta cho rằng có một lý do khác đằng sau sự im lặng của Mueller. Đó là vị công tố viên đặc biệt không muốn sơ hở nước cờ nào có thể trở thành vũ khí thỏa hiệp của chính quyền Trump.

Đích ngắm tấn công trên mạng xã hội

Quốc hội Mỹ hôm 18-12 cho công bố báo cáo chứng minh sự can thiệp của Nga đối với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 có quy mô rộng hơn so với suy đoán trước đó, bao gồm những nỗ lực nhằm chia rẽ người Mỹ bằng phân biệt chủng tộc và tư tưởng cực đoan. Báo cáo gồm kết quả của nhóm phân tích mạng xã hội New Knowledge, đặc biệt cho biết các tổ chức Nga đã và đang tiến hành các chiến dịch nhắm vào ông Mueller. Các nhóm này được cho “tấn công” ông Mueller thông qua các tài khoản giả mạo trên Facebook, Twitter; tung tin thất thiệt rằng cựu lãnh đạo FBI tham nhũng và rằng cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử năm 2016 là một “âm mưu điên rồ”. Thậm chí, một bài đăng trên trang Instagram còn tuyên bố ông Mueller từng hợp tác với các nhóm Hồi giáo cực đoan.

MAI QUYÊN (Theo Washington Post)

Chia sẻ bài viết