08/01/2008 - 22:51

Một đời làm từ thiện

Trải qua nhiều thăng trầm của cuộc đời, làm đủ mọi nghề để sinh sống, ông Lương Hữu Lợi (bà con thường gọi là Nhất) hiện là Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường An Thới. Ông được nhiều người quý mến vì những việc làm từ thiện, giúp người nghèo.

VỚT XÁC CHẾT TRÔI

Câu chuyện xảy ra đã lâu, đến nay ông Lương Hữu Lợi không còn nhớ rõ. Những năm của thập niên 1980, một hôm đang chạy xe trên đường, ông tình cờ thấy nhiều người tập trung ở chân cầu Bình Thủy. Ông dừng xe lại và thấy mọi người đang chỉ trỏ vào một tử thi trôi lềnh bềnh giữa sông. Không chần chừ, ông nhảy ào xuống sông, một tay bơi, tay kia ôm tử thi kéo vào bờ. Tử thi đó là một cô gái (sau này ông được biết vì chuyện xích mích với anh chị mà tự tử). Ông Lợi tìm một chỗ sạch sẽ, bằng phẳng để đặt tử thi. Sau đó, ông bàn giao tử thi cho công an khám nghiệm rồi ra về. Duyên nợ của ông Lợi với những tử thi chết trôi bắt đầu từ đó, mỗi lần bà con thấy tử thi chết trôi là lập tức báo tin cho ông.

Thấy ông nhiệt tình, phường mời ông vào đội trợ táng và công tác chữ thập đỏ. Ban đầu có người chết trôi, người nghèo chết không có được cỗ quan tài để chôn. Ông đi xin cây gòn về xẻ ra đóng quan tài. Ông liên hệ đến các tổ từ thiện phường bạn, mạnh thường quân để xin hỗ trợ giúp đỡ gia đình có tang gia nghèo khó. Những mạnh thường quân như nhà sách văn nghệ, vỏ xe Đức Thành... trở thành mối quen của ông Lợi. Đến nay, ông Lợi không nhớ nổi số tử thi chết trôi mà ông vớt cũng như không tài nào nhớ nổi bao nhiêu cỗ quan tài vận động cho người nghèo, người chết trôi.

 Hơn hai mươi năm tham gia công tác Chữ thập đỏ, ông Lương Hữu Lợi đã nhận được nhiều kỷ niệm chương, bằng khen, giấy khen...

Tham gia đội trợ táng của phường, rồi đảm nhiệm chức đội phó, đến đội trưởng, trưởng ban mai táng của phường An Thới, ông giúp nhiều gia đình trong lúc tang ma lo chu toàn cho người đã mất. Ông Lợi nói: “Đội trợ táng lo từ hợp đồng xe, đất chôn (hoặc lò thiêu), tẩm liệm... nhưng chúng tôi không bao giờ ra giá. Tùy tâm gia đình có bao nhiêu hỗ trợ bấy nhiêu. Hộ nghèo thì thôi. Mỗi đám tang xong, anh em chia nhau người được 10-25 ngàn đồng. Chẳng đáng là bao nhưng tôi luôn nói anh em làm việc này cần cái tâm”. Có những gia đình có con, cháu chết vì bệnh AIDS. Trong khi gia đình, người thân e sợ thì chính ông đến lau chùi, vệ sinh cho người đã mất. Khi hay tin ở đâu có tang ma, nửa đêm ông không quản ngại, đến lo cho tươm tất.

Nói về ông Lương Hữu Lợi, bà Vũ Thị Bích, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận Ninh Kiều nhận xét: “Anh Lợi rất nhiệt tình, năng nổ trong công tác. Đặc biệt với những người nghèo, bệnh tật, gia đình có tang ma... anh không quản ngại đêm khuya. Trong công tác luôn thể hiện tính gương mẫu, đi đầu, anh là người hiến máu nhiều nhất trong những người nhiều của quận”.

HIẾN MÁU VÀ GIÚP NGƯỜI LẦM LỠ

Năm 1994, khi phong trào hiến máu chưa được phát động rộng khắp như bây giờ. Lúc ấy ông dẫn 14 người đi hiến máu nhưng những người này đều không có nhóm máu thích hợp. Bác sĩ động viên, ông nghĩ: cứ làm thử 1 lần xem sao. Nhóm máu của ông thích hợp, thế là hiến. Sau khi về, ông hồi hộp vì sợ cơ thể mất nhiều máu như vậy, không biết có sao không. Nhưng ông chỉ thấy mình ăn ngon, ngủ khỏe, tăng cân. Từ đó, ông tích cực đi hiến máu và vận động người dân tham gia hiến máu. Từ 10 người vào năm 1995 rồi đến cả trăm người, đến nay phong trào hiến máu ở phường đã phát triển mạnh, năm nào cũng vượt chỉ tiêu trên giao. Bản thân ông đã hiến máu hơn 20 lần và là 1 trong 4 cá nhân của thành phố được Bộ Y tế tặng kỷ niệm chương” vì sức khỏe nhân dân”.

Năm 1992, khi vợ ông sinh người con thứ 6. Cám cảnh vì gia đình nghèo mà vợ sinh hoài. Ông tham khảo ý kiến của các bác sĩ quen biết và quyết định đi đình sản. Sau khi đi đình sản về ông vận động bạn bè, người quen đông con, gia cảnh nghèo trong phường thực hiện theo.

Những ngày còn tham gia lực lượng dân quân tự vệ ở phường. Ông Lợi đã cảm hóa nhiều đối tượng lầm lỡ. Lần ấy, ban đêm đi tuần tra ông bắt gặp anh H. ăn cắp máy bơm nước (H. là kẻ vào tù ra khám như cơm bữa, anh ta từng tuyên bố thích ở tù hơn ở ngoài). Bắt gặp H., ông giải thích và giao anh ta cho công an. Ở tù vài ngày, nửa đêm anh ta trốn trại và tìm đến nhà ông. Tuy trong lòng rất sợ anh ta trả thù, nhưng ông bình tĩnh bày sẵn một tiệc rượu. Vừa đối ẩm, ông vừa nhẹ nhàng khuyên anh ta quay lại trại cải tạo, cố gắng cải tạo tốt để sớm được thả. Nghe lời ông, H. quay lại trại. Sau khi mãn hạn, ông đã giới thiệu anh ta vào làm ở lò gạch. Bây giờ anh ta đã có cuộc sống ổn định với vợ và hai con. Vì công việc không ít lần bị đối tượng ném gạch đá vào nhà, đêm đến rạch vách lá mò vào ăn cắp... nhưng mọi chuyện ông đều giải thích có lý, có tình, không dùng đến bạo lực nên nhiều đối tượng tâm phục, khẩu phục.

Gia đình ông Lợi chỉ đủ ăn. Ông làm đủ nghề từ đạp xe ôm, bốc vác, đào đất mướn... vợ ông bán rau ở chợ để nuôi 6 đứa con ăn học. Nhà không có một tấc đất cắm dùi, phải cất tạm ở mé sông. Nhiều lúc con ông cũng than: “Ba đi làm từ thiện mà gia đình mình nghèo. Thôi ba lo buôn bán, lo làm kinh tế đi”. Nghe con nói, ông chỉ cười: “Làm từ thiện là để đức lại cho các con”.

Năm nay đã 53 tuổi nhưng ông Lợi vẫn vớt tử thi bị chết trôi, hăng hái tham gia đi vận động nhân dân tham gia các phong trào ở địa phương. Ông tâm sự: “Còn sức là còn tiếp tục công tác. Con cái lớn hết rồi, có công ăn việc làm, đã nhẹ lo chỉ còn lo làm từ thiện thôi”.

Bài, ảnh: Huệ Hoa

Chia sẻ bài viết