08/05/2023 - 23:19

Liên đoàn Arab tái tiếp nhận Syria 

HẠNH NGUYÊN (Theo AP, AFP)

Liên đoàn Arab (AL) ngày 7-5 đã nhất trí khôi phục tư cách thành viên của Syria, kết thúc 12 năm bị đình chỉ và tiến thêm một bước nhằm đưa Tổng thống Bashar al-Assad trở lại khối 22 quốc gia thành viên này.

Cuộc họp của AL ở Cairo, Ai Cập hôm 7-5. Ảnh: Xinhua

Quyết định trên được thông qua tại cuộc họp kín của ngoại trưởng các nước thuộc AL, diễn ra ở Cairo (Ai Cập). Một số thành viên có ảnh hưởng trong AL vẫn còn phản đối tái tiếp nhận Syria mà nổi bật là Qatar, một trong 9 quốc gia đã không cử ngoại trưởng tới dự họp.

AL đã đình chỉ tư cách thành viên của Syria liên quan việc chính phủ nước này trấn áp những cuộc biểu tình vốn sau đó leo thang thành nội chiến hồi tháng 3-2011. Xung đột đã khiến gần 500.000 người chết, buộc phân nửa trong tổng số 23 triệu dân của quốc gia Trung Ðông này phải đi lánh nạn và tàn phá cơ sở hạ tầng.

Tổng Thư ký AL Ahmed Aboul Gheit cho rằng đưa Syria trở lại khối, qua đó cũng cho phép Tổng thống al-Assad dự hội nghị thượng đỉnh của AL tại Saudi Arabia vào ngày 19-5 tới, là một phần trong tiến trình từng bước giải quyết cuộc xung đột trên. “Ðiều này không có nghĩa cuộc khủng hoảng Syria đã được giải quyết. Nhưng nó cho phép các nước Arab lần đầu tiên trong nhiều năm liên lạc với Chính phủ Syria để thảo luận về mọi vấn đề”, ông Aboul Gheit nhấn mạnh trong tuyên bố.

Trong phản ứng trước tuyên bố của AL, Bộ Ngoại giao Syria nhấn mạnh tầm quan trọng của “sự hợp tác với Arab”. Phía AL đã hoan nghênh việc Chính phủ Syria sẵn sàng hợp tác với các nước Arab nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng nhân đạo, an ninh và chính trị vốn ảnh hướng tới Syria và khu vực do xung đột, bao gồm người tị nạn, mối đe dọa về chủ nghĩa khủng bố và buôn lậu ma túy.

Nhà phân tích Fabrice Balanche nhận định thế cô lập của Syria trong khu vực chính thức đã bị phá vỡ, đồng thời mô tả quyết định của AL là “thắng lợi về ngoại giao” cho ông Assad.

Chỉ là khởi đầu

Tuy nhiên, ông Aboul Gheit lưu ý việc Syria trở lại AL chỉ mới là sự khởi đầu… chứ không phải kết thúc vấn đề bởi còn tùy thuộc vào từng quốc gia quyết định có nối lại quan hệ với Damascus hay không. Nhiều quốc gia Arab đã cắt đứt quan hệ với Syria ở thời điểm xung đột mới nổ ra, trong khi một số nước như Qatar và Saudi Arabia hậu thuẫn cho các nhóm đối lập tìm cách lật đổ ông Assad.

Kịch bản Syria tái hội nhập với các nước Arab chỉ được tăng tốc sau vụ động đất kinh hoàng hồi đầu tháng 2-2023, phá hủy nhiều khu vực của quốc gia này và Thổ Nhĩ Kỳ. Một trong những nước đẩy nhanh việc bình thường hóa với Syria là Saudi Arabia. Trong những năm gần đây, khi chính quyền ông Assad giành lại quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ đất nước nhờ sự hỗ trợ từ các đồng minh quan trọng là Nga và Iran, những quốc gia láng giềng của Syria tiếp nhận lượng lớn người tị nạn đã tiến hành nhiều bước đi hướng tới tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Damascus. Trong khi đó, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain đã khôi phục quan hệ với Syria. UAE - quốc gia mở lại cơ quan đại diện ngoại giao tại Damascus cuối năm 2018 - gần đây đã dẫn đầu nỗ lực kêu gọi tái nhập Syria vào AL.

Tháng 4 đã ghi nhận quan chức đầu tiên của Saudi Arabia, Ngoại trưởng Faisal bin Farhan sang thăm Damascus kể từ khi nội chiến ở Syria bùng phát. Chuyến công du diễn ra vài ngày sau khi Ngoại trưởng Syria Faisal Mekdad đến thăm làm việc tại thành phố Jeddah của Saudi Arabia. Ông Mekdad cũng đã đến nhiều quốc gia Arab trong những tuần gần đây, bao gồm cuộc gặp với những người đồng cấp Jordan, Saudi Arabia, Iraq và Ai Cập tại Amman hồi đầu tháng này để thảo luận về cuộc xung đột. Tổng thống al-Assad hy vọng bình thường hóa với các quốc gia giàu ở vùng Vịnh có thể sẽ giúp xoa dịu kinh tế và mang về nguồn tài trợ cho công cuộc tái thiết Syria, giữa lúc nước này vẫn đang hứng chịu các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Chia sẻ bài viết