02/04/2011 - 09:20

Libye: Chiến sự trong thế giằng co

Chiến sự khốc liệt tại thị trấn giàu dầu mỏ Brega, khi lực lượng Gadhafi đẩy lui quân nổi dậy. Ảnh: EPA

Báo cáo trước Quốc hội Mỹ hôm 31-3, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mike Mullen nói rằng quân đội của đại tá Gadhafi vẫn chưa có dấu hiệu tan vỡ, bất chấp hàng trăm đợt không kích của liên quân. Đô đốc Mullen đánh giá các binh sĩ ủng hộ Gaddafi vẫn mạnh gấp 10 lần so với lực lượng nổi dậy.

Nhiều nguồn tin của phương Tây hôm qua cho biết các tay súng nổi dậy đã để mất thêm nhiều khu vực về tay lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Muammar Gadhafi. Sự mất ổn định của quân nổi dậy có thể được quy do thiếu bộ máy chỉ huy trung tâm hoặc một cơ cấu tổ chức. Lực lượng này hoạt động theo các đơn vị nhỏ, thường chỉ là nhóm bạn bè, láng giềng hoặc thanh niên bộ tộc, tự vũ trang và tự quyết định chiến đấu mà thiếu sự phối hợp với các nhóm khác. Số thành viên trong các đơn vị chiến đấu này gồm từ 3 hoặc 4 thanh niên tới vài chục dân làng đi theo dưới sự điều hành của một chỉ huy. Hầu như trong mọi trường hợp, mỗi đơn vị phải tự lo hậu cần.

Tinh thần chiến đấu của lực lượng nổi dậy cũng bắt đầu sa sút trong lúc chiến sự diễn ra trên dãy sa mạc rộng lớn giữa các thành phố phía Đông Libye (do phe nổi dậy kiểm soát) với thành phố Ajdabiyah và Sirte ở phía Tây (do quân chính phủ kiểm soát). Vùng lãnh thổ trải dài này cho phép các lực lượng của Gadhafi tấn công bằng pháo và rốc-két tầm xa, trong khi lực lượng nổi dậy với vũ khí nhỏ, không thể chống trả.

Trong khi đó, về vấn đề vũ trang và huấn luyện cho lực lượng nổi dậy chống chính quyền Gadhafi, hãng tin Anh Reuters cho biết do thâm hụt ngân sách và dàn trải quân đội trong 2 cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, Mỹ muốn giảm vai trò trong chiến dịch quân sự của liên quân ở Libye, và muốn các nước khác thực hiện việc này. Tuy nhiên, các quan chức Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), vốn vừa đảm nhận vai trò kiểm soát chiến dịch thực hiện nhiệm vụ của Liên Hiệp Quốc tại Libye, khẳng định họ không xem xét việc vũ trang cho quân nổi dậy. Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết vấn đề NATO quan tâm hiện nay là tập trung thực hiện cấm vận vũ khí, mà ông cho là áp dụng “với tất cả các bên trong cuộc xung đột tại Libye”.

Báo Guardian của Anh ngày 1-4 cho biết chính quyền Gadhafi đã gởi một trong những đặc phái viên đáng tin cậy nhất tới Luân Đôn để đàm phán bí mật với các quan chức Anh. Quan chức đó là Mohammed Ismail, trợ lý thân tín của Saif al-Islam – con trai Gadhafi. Báo này cho biết các cuộc tiếp xúc với Ismail chỉ là một trong nhiều cuộc gặp giữa các quan chức Libye và phương Tây trong 2 tuần qua, dấu hiệu cho thấy chính quyền Gadhafi có thể đang tìm phương án thoát khỏi cuộc chiến. Tuy nhiên, Văn phòng Đối ngoại Anh không xác nhận các cuộc tiếp xúc với Ismail hoặc các quan chức khác của Libye.

N.MINH (Theo CNN, Reuters, WSJ)

Sau cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì ở Bắc Kinh hôm 1-4, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cho rằng tình hình ở Libye không thể được giải quyết thông qua “các biện pháp quân sự” và kêu gọi ngừng bắn. Ông Westerwelle nói: “Đó chỉ có thể là một giải pháp chính trị và chúng ta phải thực hiện một tiến trình chính trị. Điều đó cần bắt đầu bằng một lệnh ngừng bắn mà nhà lãnh đạo Gadhafi phải lưu ý để mở đường cho tiến trình hòa bình”.


Chia sẻ bài viết