20/03/2016 - 16:22

CHI BỘ ẤP TRƯỜNG THỌ, XÃ TRƯỜNG LONG

Lãnh đạo thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy kinh tế phát triển

Đến ấp Trường Thọ, xã Trường Long (huyện Phong Điền) vào giữa tháng 3, dưới cái nắng gay gắt, nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được không khí mát mẻ bởi những vườn cây ăn trái xanh tốt, trĩu quả, xen những cánh đồng lúa xanh rì. Càng thấy vui hơn khi bon xe trên những tuyến đường bê tông khang trang, được làm nên từ ý Đảng lòng Dân.

Anh Nguyễn Trường An, Bí thư Chi bộ ấp Trường Thọ, tham gia công tác ở ấp gần 10 năm nay. Từng làm Phó Trưởng ấp, Trưởng ấp, trước khi giữ cương vị Bí thư Chi bộ ấp, nên anh An hiểu tường tận về quá trình phát triển của ấp. Anh kể: Toàn ấp hiện có 347 hộ, với 1.658 nhân khẩu. Trước đây, dù cần cù lao động, chịu khó làm ăn, nhưng đời sống của nhiều hộ vẫn nghèo khó. Đến năm 2010, ấp có gần 15% hộ nghèo và 10% hộ cận nghèo. Để giúp người dân thoát nghèo, nâng cao đời sống và xây dựng quê hương ngày càng phát triển, nhiều năm qua, Chi bộ ấp đã đề ra nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, cải tạo vườn tạp trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao…

Nhờ chuyển ruộng lên vườn trồng cây ăn trái, 3 năm qua, mỗi năm ông Hồ Văn Sách (bên phải) có huê lợi hơn 150 triệu đồng.

Chúng tôi ghé vào thăm mô hình vườn cây ăn trái của ông Hồ Văn Sách, đúng lúc ông đang bơm nước tưới cây. Hỏi chuyện làm ăn, ông Sách vui vẻ cho biết: Gia đình có 8 công đất, trước đây làm lúa chỉ đủ ăn. Năm 2011, được cán bộ ấp vận động và được Chi hội Nông dân ấp hỗ trợ vay 25 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội, ông đã lên liếp trồng cam mật, bưởi da xanh, xoài Đài Loan, vú sữa. Nhờ siêng năng, chịu khó và được tập huấn kỹ thuật chăm sóc nên từ năm 2014 đến nay một số cây trồng đợt đầu đã cho thu hoạch, trừ chi phí mỗi năm ông thu huê lợi hơn 150 triệu đồng. Nhìn những cây xoài, vú sữa, cam mật quả lúc lỉu, ông Sách phỏng chừng vào năm sau, khi tất cả cây trong vườn cho trái, trừ chi phí ông sẽ thu huê lợi hơn 250 triệu đồng. Theo anh Nguyễn Trường An, Bí thư Chi bộ ấp, dưới sự lãnh đạo của chi bộ, 5 năm qua, Ban Nhân dân và các đoàn thể ấp đã tích cực tuyên truyền, vận động và hỗ trợ vốn nên nhân dân trong ấp đã chuyển đổi ruộng và cải tạo được 35ha vườn trồng cây xoài, cam mật, bưởi da xanh, nhãn da bò… mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Không chỉ lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế vườn, nhiều năm qua, Chi bộ ấp Trường Thọ đã lãnh đạo nhân dân nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh chăn nuôi. Chúng tôi đến tham quan cánh đồng mẫu của ấp đúng lúc nhiều hộ đang bơm nước dưỡng lúa hè thu vừa sạ cách đây hơn 1 tuần. Ngắm nhìn cánh đồng lúa xanh mượt, anh Lê Văn Tám, người dân trong ấp, kể: "Tôi có gần 1ha ruộng. Từ 2011 đến nay tôi tham gia sản xuất cánh đồng mẫu được doanh nghiệp hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật sản xuất và bao tiêu sản phẩm nên rất an tâm". Bí thư Chi bộ Nguyễn Trường An, tiếp lời: "Ban đầu vận động nhân dân tham gia cánh đồng mẫu rất khó khăn, bao đời nay họ có thói quen sản xuất theo kiểu mạnh ai nấy làm. Nhưng với sự kiên trì lãnh đạo của chi bộ, sự nhiệt tình vận động của ban, ngành, đoàn thể ấp và sự tiền phong thực hiện các cán bộ, đảng viên, nhân dân trong ấp dần hiểu được lợi ích của việc tham gia sản xuất cánh đồng mẫu và tích cực hưởng ứng. Đến nay, toàn ấp có 109 hộ đã tham gia sản xuất cánh đồng mẫu, với tổng diện tích 55,13ha. Thực tế, 5 năm qua, khi tham gia sản xuất cánh đồng mẫu, nhân dân không chỉ được doanh nghiệp hỗ trợ sản xuất, bao tiêu sản phẩm, mà chi phí sản xuất tiết kiệm hơn, năng suất cao hơn nên lợi nhuận cao hơn sản xuất bên ngoài từ 10-12%". Theo anh Nguyễn Trường An, Bí thư chi bộ, đối với 5 ha đất gò, Chi bộ vận động nhân dân chuyển đổi sang trồng mè, cải bắp, cải xanh thu nhập cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa. Chi bộ cũng chỉ đạo các đoàn thể ấp thường xuyên hỗ trợ cho nhân dân vay hơn 1,2 tỉ đồng để chăn nuôi heo, gà, vịt. Từ đó, đời sống nhân dân cũng khấm khá hơn.

Cùng với lãnh đạo phát triển kinh tế, Chi bộ ấp Trường Thọ quan tâm công tác an sinh xã hội. Chỉ tính từ năm 2013 đến nay, Chi bộ đã chỉ đạo Ban Nhân dân, các đoàn thể ấp vận động mạnh thường quân đóng góp và đề nghị Ủy ban MTTQ huyện hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết tặng 26 hộ nghèo, gặp khó khăn về nhà ở. Hiện nay, trong ấp không còn nhà lá tạm bợ nữa. Bà Trần Thị Phượng, 60 tuổi, người dân trong ấp xúc động kể: "Gia đình tôi không có ruộng, vườn. Chồng tôi chết vì bệnh gan đã mấy năm rồi. 4 đứa con cũng bị bệnh giống ổng nên chẳng làm lụng được gì nhiều, cuộc sống gia đình rất khó khăn. Năm rồi, được địa phương xét tặng nhà đại đoàn kết, gia đình tôi vui không kể xiết". Nhờ chỉ đạo thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế, chăm lo công tác an sinh xã hội nên đến cuối năm 2015, ấp không còn hộ nghèo (đầu năm 2016 xét hộ nghèo theo tiêu chí mới ấp cũng chỉ có 14 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4% và 14 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4%).

Nói về sự đổi thay của quê hương, anh Nguyễn Trường An, khẳng định: "Khi đời sống được nâng lên; quyền làm chủ được phát huy và tôn trọng, nhân dân trong ấp đã nhiệt tình góp công, góp của xây dựng đường sá khang trang, sạch đẹp". Điển hình như tuyến đường bên trái rạch Ông Hào dài 1.800m, rộng 2m, huyện hỗ trợ xi măng, nhân dân trong ấp đã đóng góp gần 200 triệu đồng và hàng trăm ngày công thi công hoàn thành vào dịp trước Tết Bính Thân năm 2016 vừa qua. Ông Hồ Văn Khởi, người dân trong ấp nói: "Với cách làm dân chủ, công khai của ấp, gia đình tôi đã đóng góp hơn 3 triệu đồng để làm đường".

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Sáu, Bí thư Đảng ủy xã Trường Long, khẳng định: "Kết quả trên là nhờ Chi bộ ấp Trường Thọ luôn đoàn kết, đề ra nghị quyết lãnh đạo sát với thực tiễn; đội ngũ cán bộ, đảng viên của ấp nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu, đi đầu nên mọi phong trào, được nhân dân tin tưởng, ủng hộ, từ đó ấp đạt được kết quả khá toàn diện trên các mặt công tác. Chi bộ ấp đã đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu nhiều năm liền".

Bài, ảnh: ANH DŨNG

Chia sẻ bài viết