12/02/2009 - 09:18

Đồng bằng Sông Cửu Long

Làm gì để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm?

Tiếp theo BÀI 1:  PHÒNG CHỐNG DỊCH CÒN NHIỀU BẤT CẬP

BÀI 2: MÔ HÌNH AN TOÀN SINH HỌC - HƯỚNG MỞ CHO NGHỀ CHĂN NUÔI GIA CẦM Ở ĐBSCL

Những năm qua, chăn nuôi gia cầm đã góp phần đáng kể vào việc cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống của người dân, nhất là người dân vùng nông thôn ĐBSCL. Tuy nhiên, nhiều năm qua, dịch cúm gia cầm (CGC) đe dọa rất lớn đến sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi gia cầm ở ĐBSCL và cả nước. Trước tình hình này, mô hình nuôi gia cầm an toàn sinh học (ATSH) đã chứng tỏ hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng chăn nuôi gia cầm bền vững ở ĐBSCL.

Mô hình hiệu quả

Mô hình chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học của anh Phạm Văn Dư, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.
Ảnh: XUÂN TRƯỜNG 

Năm 2003, dịch CGC xảy ra nên anh Phan Văn Chinh, ấp Huê II, xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu phải nghỉ nuôi vịt đẻ một thời gian khá dài. Sau đó, được cán bộ thú y vận động nuôi vịt đẻ khép kín theo quy trình ATSH, anh Chinh đã quyết định đầu tư 600 triệu đồng mua vịt giống, đào ao, xây chuồng trại để nuôi vịt đẻ. Hiện nay, tổng đàn vịt đẻ của anh Chinh lên đến 3.300 con, trong đó có 2.000 con đang cho trứng. Mỗi ngày, anh Chinh thu được từ 1.300 - 1.500 trứng vịt. Giá mỗi trứng vịt giống là 4.000 đồng. Sau khi ấp nở con, giá vịt giống từ 9.000 - 10.000 đồng/con, có lúc lên đến 11.000 - 12.000 đồng/con.

Anh Chinh cho biết: “Hơn 3 năm áp dụng mô hình nuôi vịt đẻ theo quy trình ATSH, vịt nuôi không bị bệnh, dễ kiểm soát đàn, tiêm phòng cũng dễ hơn, vịt không đi ăn đồng nên lượng trứng đẻ hàng ngày ổn định. Mặc dù nuôi vịt khép kín chi phí thức ăn cao gần gấp 3 lần so với nuôi vịt thả đồng, nhưng tôi chấp nhận lợi nhuận thấp để đàn vịt nuôi được an toàn”. Khu nuôi vịt của anh Chinh có dãy chuồng trại để vịt đẻ trứng, có sân ăn, ao bơi... Dưới ao, anh Chinh thả nuôi 3.000 con cá tra, hằng năm, anh thu lãi 30 triệu đồng từ cá. Sau khi vịt đẻ, trứng được đưa vào lò ấp, 28 ngày sau trứng nở, vịt con được đưa vào khu chuồng trại nuôi riêng biệt. Khi vịt con 14 ngày tuổi thì được tiêm vắc-xin phòng chống dịch CGC, sau đó, anh Chinh mới đem bán ra thị trường.

Tại Sóc Trăng, theo đánh giá của ngành thú y, trang trại chăn nuôi theo mô hình ATSH (3 dãy chuồng nuôi heo, mỗi chuồng 1.100 con; 11 chuồng nuôi gà lấy trứng, 5.184 con/chuồng và 6 chuồng nuôi gà thịt, 15.000 con/chuồng) của anh Phạm Văn Dư, huyện Châu Thành là một trong những trang trại chăn nuôi lớn và hiện đại nhất của tỉnh. Phía sau các dãy chuồng là hệ thống xử lý chất thải bằng hầm biogas, ao sinh học, nên dù qui mô tổng đàn rất lớn nhưng vẫn không phát sinh mùi hôi ở khu vực xung quanh. Anh Dư cho biết, vừa xuất một chuồng heo đầu tiên sau gần 5 tháng nuôi tính ra lãi 280 triệu đồng và mới thả nuôi lại 3 chuồng; anh cũng đang chuẩn bị xuất một chuồng gà ước tính lãi khoảng 100 triệu đồng. Anh chia sẻ: “Chăn nuôi theo kiểu nuôi khép kín này rất hiệu quả và an toàn. An toàn về đầu ra nhờ có hợp đồng bao tiêu mà còn an toàn cả đối với dịch bệnh. Mấy năm nay, dịch bệnh CGC rồi heo tai xanh liên tiếp xảy ra trên địa bàn tỉnh, nhưng trang trại của tôi vẫn bình yên vô sự là nhờ kỹ thuật chăn nuôi này. Tuy chỉ đầu tư chuồng trại, trang thiết bị và công chăm sóc nhưng vốn đầu tư cũng rất lớn, bình quân từ 1,1-1,3 tỉ đồng cho mỗi chuồng nuôi”. Hiện nay, để gia tăng hiệu quả cho mô hình, anh chuẩn bị xây dựng hệ thống ao sinh học để thả nuôi cá trê. Anh Dư chân tình nói: “Ngoài hiệu quả trên, chính vật nuôi còn một nguồn lợi khác cũng không nhỏ đó là chất thải. Đối với mô hình nuôi gà thì việc thu dọn phân gà cũng đủ để trả lương cho công nhân...”.

Không chỉ ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, mà nhiều địa phương khác ở ĐBSCL như: Cà Mau, An Giang, Long An... chăn nuôi gia cầm ATSH đã tỏ ra là mô hình hiệu quả trước tình hình dịch CGC diễn biến khá phức tạp.

Mô hình cần được nhân rộng

Ông Nguyễn Hữu Minh, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Chăn nuôi theo hướng ATSH có nhiều cấp độ khác nhau. Đối với những hộ có điều kiện thì đầu tư nuôi theo mô hình khép kín thuộc cấp độ cao, còn những hộ không đủ điều kiện vẫn có thể chăn nuôi ATSH theo mô hình hở, tức không có hệ thống điều hòa nhiệt độ. Tất nhiên, độ an toàn sẽ không cao bằng mô hình kín”. Ngoài ra, theo ông Minh, hiện nay, nếu nuôi vịt theo hướng ATSH không có hiệu quả cao bằng vịt chạy đồng. “Qua theo dõi 5 mô hình đã thực hiện, chúng tôi nhận thấy, giá thành để tạo ra một trứng vịt hay 1 ký vịt thịt của mô hình nuôi ATSH bằng 1,8 lần của mô hình nuôi chạy đồng. Nguyên nhân chính vẫn là do giá thức ăn chăn nuôi còn quá cao, trong khi giá sản phẩm còn bấp bênh vì không có hợp đồng đầu tư bao tiêu sản phẩm như các mô hình nuôi gia công” - ông Minh nói. Mô hình nuôi vịt ATSH theo quy trình hở của anh Nguyễn Văn Mun ở xã Lâm Kiết, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng là một trong số mô hình nuôi vịt ATSH đầu tiên của tỉnh. Anh Mun cho biết: “Tính ra mức lời không bằng những hộ nuôi theo kiểu chạy đồng, nhưng tôi nuôi vẫn chọn nuôi theo mô hình này vì vịt nuôi không bị dịch bệnh, đặc biệt là bệnh CGC”.

Hiện nay, Sóc Trăng là một trong những tỉnh có số trại chăn nuôi gà công nghiệp lớn nhất khu vực ĐBSCL với 29 trại (gà thịt và gà lấy trứng) theo hình thức gia công cho các công ty lớn như: CP Group, Japfa... có tổng đàn lên đến 854.000 con. Bình quân mỗi trại nuôi từ 20.000 – 50.000 con. Với hình thức nuôi này, người nuôi chỉ đầu tư chuồng trại và bỏ công chăm sóc, còn các công ty sẽ đầu tư con giống, thức ăn, thuốc thú y và tiêu thụ sản phẩm. Ông Nguyễn Hữu Minh, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Mấy năm nay, dịch CGC vẫn xảy ra rải rác trên địa bàn tỉnh, nhưng tất cả các trại nuôi theo mô hình nuôi kín này đều rất an toàn. Mặt khác, mô hình nuôi này cũng không gây ô nhiễm môi trường vì chất thải được quản lý và thu gom xử lý triệt để. Hiện nay, chúng tôi đã hoàn tất đề án qui hoạch chăn nuôi để người chăn nuôi có thể an tâm đầu tư phát triển mô hình và bước đầu đã có một số trại chuẩn bị mở rộng qui mô để tăng đàn”.

Ông Lâm Chí Trung, Phó trưởng Trạm Thú y huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Mô hình nuôi vịt đẻ khép kín theo quy trình ATSH đang được Trạm Thú y khuyến khích nông dân áp dụng. Vì chăn nuôi theo mô hình này rất dễ cấp sổ, quản lý dịch bệnh, tiêm phòng, tiêu độc khử trùng và dễ xử lý khi có dịch bệnh xảy ra. Tuy nhiên, nuôi vịt đẻ theo quy trình ATSH cần phải có vốn. Vì thế, ngân hàng cần tạo thuận lợi trong việc vay vốn để các hộ chăn nuôi với quy mô lớn có điều kiện áp dụng mô hình này”.

Tại Hội nghị Định hướng vật nuôi ở ĐBSCL được tổ chức vào cuối năm 2008 tại TP Cần Thơ, vịt, gà thả vườn là hai đối tượng được các nhà khoa học khuyến cáo phát triển. Phó Giáo sư – Tiến sĩ Võ Văn Sơn, Phó Trưởng Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: Do phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ trong dân (đối với gà) và nuôi chạy đồng (đối với vịt) nên dịch CGC luôn đe dọa. Chính vì thế, các phương thức chăn nuôi có kiểm soát dịch chặt chẽ cần phải được các tỉnh ĐBSCL duy trì một cách nghiêm túc. Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Võ Văn Sơn, giá cả các vật nuôi thường xuyên biến động theo quy luật cung-cầu. Hơn nữa, hầu hết các loại thức ăn chăn nuôi đều nhập ngoại nên các sản phẩm này đều có giá thành cao, tính cạnh tranh thấp. Để các vật nuôi này phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh, cần chú ý giảm giá thành sản phẩm bằng cách đưa phụ phẩm nông nghiệp vào khẩu phần ăn để giảm thức ăn công nghiệp; xây dựng các mô hình ATSH như: đàn giống – ấp trứng – vịt thịt/vịt trứng; gà công nghiệp/gà thả vườn – thu mua/giết mổ – chợ/cửa hàng/siêu thị...

Nhóm PV - CTV

Tiếp theo BÀI 1:  PHÒNG CHỐNG DỊCH CÒN NHIỀU BẤT CẬP

Chia sẻ bài viết