19/10/2019 - 15:38

Kinh tế Trung Quốc giảm tốc 

Số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 18-10 cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý III/2019 của nước này chỉ đạt 6%, chậm nhất trong 27 năm qua.

Các container tại cảng Thanh Đảo thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AP

Chỉ số trên tuy thấp nhưng vẫn nằm trong phạm vi mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% năm 2019 của Chính phủ Trung Quốc, theo Bắc Kinh. Trước đó, các chuyên gia khác dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Trung Quốc tăng 6,1% trong quý III. Năm ngoái, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trị giá 13.000 tỉ USD tăng trưởng 6,6%.

Người phát ngôn của NBS Mao Shengyong nhận định kinh tế Trung Quốc đã duy trì sự ổn định trong 3 quý đầu năm 2019. Dù vậy, ông lưu ý rằng trước những điều kiện kinh tế phức tạp trong lẫn ngoài nước, sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu và tình trạng gia tăng bất ổn bên ngoài, kinh tế nước này đang “chịu sức ép đi xuống”. Vishnu Varathan- trưởng bộ phận kinh tế và chiến lược tại ngân hàng Mizuho (Nhật Bản)- cho biết tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã giảm mạnh kể từ quý I/2018, khi chỉ đạt 6,8%. Nguyên nhân là do việc thắt chặt tín dụng và tranh chấp thương mại với Mỹ.

Hiện cả Washington và Bắc Kinh đều đang nỗ lực chấm dứt căng thẳng thương mại, chẳng hạn như hai bên vừa đạt được “thỏa thuận giai đoạn một”. “Lệnh đình chiến” này được cho mở ra triển vọng tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ sớm kết thúc. Tổng thống Mỹ Donald Trump nói thỏa thuận trên sẽ giải quyết những lo ngại về sở hữu trí tuệ và dịch vụ tài chính cũng như việc Trung Quốc mua khoảng 40-50 tỉ USD nông sản Mỹ. Đổi lại, Mỹ hoãn tăng thuế từ 25% lên 30% đối với 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, mà theo kế hoạch là có hiệu lực vào ngày 15-10 vừa qua. Quyết định trên được ông Trump đưa ra trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Washington hôm 11-10, sau hai ngày thương thảo giữa quan chức hai nước. Tính đến nay, thương chiến Mỹ- Trung kéo dài hơn một năm và trải qua 13 vòng đàm phán.

Tiếp sức cho nền kinh tế

Trước những khó khăn trên, Bắc Kinh đang tăng cường hỗ trợ nền kinh tế bằng chương trình cắt giảm thuế, hạ lãi suất và dỡ bỏ các hạn chế đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán. Trong biện pháp mới nhất để hỗ trợ tăng trưởng, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ngày 16-10 cho biết đã bơm 28 tỉ USD vào hệ thống tài chính thông qua cơ chế cho vay trung hạn cho các ngân hàng, nhằm duy trì khả năng thanh khoản trên thị trường.

Cùng ngày, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thông báo nước này sẽ công bố thêm các biện pháp cũng như cải thiện môi trường kinh doanh để thúc đẩy đầu tư nước ngoài. Theo đó, những hạn chế đối với phạm vi kinh doanh của ngân hàng nước ngoài, các công ty chứng khoán và doanh nghiệp quản lý đầu tư sẽ bị xóa bỏ hoàn toàn. Các chính sách về đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất xe hơi sẽ được điều chỉnh, bao gồm việc đối xử công bằng về tiếp cận thị trường với các dòng xe chạy bằng năng lượng mới được chế tạo tại Trung Quốc của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa đủ để bù đắp cho sự sụt giảm nhu cầu nội địa. Xung đột thương mại và nhu cầu trong nước suy yếu đã khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2019 của Trung Quốc từ 6,2% xuống còn 6,1%. Thương chiến kéo dài với Mỹ cũng tác động tiêu cực đến kinh tế Trung Quốc. Trong tuần này, Trung Quốc đã công bố các số liệu cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 9 thấp hơn dự kiến, sau khi Washington áp đặt mức thuế mới. Cụ thể, xuất khẩu (tính theo đồng USD) đã giảm 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu giảm 8,5%.

Trung Quốc chấp thuận nhập khẩu sản phẩm sữa của Việt Nam

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức thông báo chấp thuận nhập khẩu các sản phẩm sữa của Việt Nam.

Trên trang web chính thức, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết đã chính thức phê chuẩn việc cho phép nhập khẩu sản phẩm sữa của Việt Nam kể từ ngày 16-10, căn cứ theo quy định pháp luật Trung Quốc và nghị định thư giữa Tổng cục Hải quan nước này với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Thông báo nêu rõ các sản phẩm sữa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải đáp ứng các yêu cầu kiểm nghiệm liên quan, cụ thể là Luật An toàn thực phẩm và Luật Kiểm dịch động thực vật của Trung Quốc; Nghị định thư giữa hai nước và các quy định về giám sát, quản lý kiểm nghiệm, kiểm dịch sản phẩm sữa xuất nhập khẩu.

Về phạm vi các sản phẩm sữa được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, thông báo trên cho biết các sản phẩm sữa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc là các loại thực phẩm được chế biến với nguyên liệu chính là sữa bò đã được xử lý nhiệt, bao gồm các loại sữa thanh trùng, sữa tiệt trùng, sữa pha chế, sữa đặc, sữa bột, sữa công thức cho trẻ em… Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu sữa của Việt Nam phải được sự chấp thuận của cơ quan chức năng Việt Nam, tiến hành các thủ tục đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc; sau đó với các sản phẩm sữa cụ thể, phải tiến hành thẩm định về kiểm dịch để được cấp giấy phép kiểm dịch động thực vật của nước này, trên cơ sở đó mới có thể chính thức xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Hiện Việt Nam đặt mục tiêu sang năm 2020, xuất khẩu sữa sang Trung Quốc sẽ tăng từ 120 triệu USD lên 300 triệu USD.

 

HẠNH NGUYÊN (Theo CNBC, Reuters)

Chia sẻ bài viết