15/03/2008 - 22:29

Ông Đỗ Minh Trưởng, Phó ban chỉ đạo chương trình phát triển thể dục thể thao Cần Thơ giai đoạn 2006 - 2020

Khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư các công trình thể thao trọng điểm

Chương trình phát triển thể dục thể thao (TDTT) Cần Thơ giai đoạn 2006 - 2010 và tầm nhìn tới năm 2020 vừa được Ban thường vụ Thành ủy TP Cần Thơ thông qua. Đây là chương trình mang tầm chiến lược với mục tiêu đưa TP Cần Thơ trở thành trung tâm TDTT tầm cỡ quốc gia hàng đầu ở khu vực ĐBSCL. Chúng tôi vừa có cuộc trao đổi với ông Đỗ Minh Trưởng, Phó ban chỉ đạo chương trình, những vấn đề chung quanh việc triển khai chương trình.

* Thưa ông, “Chương trình phát triển TDTT Cần Thơ giai đoạn 2006 - 2010 và tầm nhìn tới năm 2020” đòi hỏi nguồn kinh phí đến hàng ngàn tỉ đồng trong điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn - liệu có khả thi?

- Chương trình phát triển TDTT Cần Thơ giai đoạn 2006 - 2010 và tầm nhìn tới năm 2020 nhằm thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, gồm 7 đề án lớn gồm: phát triển TDTT quần chúng, phát triển TDTT thành tích cao, xây dựng cơ sở vật chất, xã hội hóa TDTT, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cấp trường trung học TDTT lên trường cao đẳng và đại học TDTT, phát triển thể thao giải trí. Ban thường vụ Thành ủy TP Cần Thơ đã thống nhất huy động sức mạnh tổng lực của toàn thành phố để nỗ lực hoàn thành chương trình này theo đúng kế hoạch. Trong lộ trình thực hiện, những vấn đề nảy sinh sẽ được đề xuất trực tiếp với UBND TP giải quyết kịp thời.

Trên thực tế các cấp lãnh đạo và chúng tôi cũng đã thấy và lường trước những khó khăn. Chẳng hạn như kinh phí cấp cho TDTT còn ở mức “khiêm tốn” trong khi công tác xã hội hóa TDTT còn yếu kém... Vấn đề khác là đất dành cho thể thao lấy ở đâu ra - đang là chuyện nan giải của TDTT thành phố đến quận, huyện... Tuy nhiên, nếu các ngành, các cấp cùng thống nhất ý chí, quan tâm, chung tay thúc đẩy TDTT phát triển để TDTT Cần Thơ xứng tầm là TP trung tâm của ĐBSCL - thì chúng tôi tin rằng Chương trình phát triển TDTT Cần Thơ đến 2020 sẽ thực hiện được.

Đến năm 2010 hy vọng sẽ không còn trên những sân tập thể thao dã chiến như thế này. Ảnh: L.H.G

* Chương trình phát triển TDTT Cần Thơ đến 2020 có quy mô rất “đồ sộ”... Vậy sẽ được tiến hành như thế nào, thưa ông?

- Để thực hiện, chương trình phải chia nhỏ ra theo lĩnh vực, theo từng giai đoạn; xác định cái nào làm trước cái nào làm sau... Trước tiên, chúng tôi sẽ thực hiện trước những công trình cấp thiết, quy mô vừa sức. Ưu tiên đầu tiên là phải tập trung giải quyết đất đai xây dựng Trung tâm TDTT quận, huyện. Hiện nay, một số quận, huyện đã được quy hoạch đất, nhưng thiếu vốn bồi hoàn, giải tỏa mặt bằng... Giải quyết vốn ban đầu, cần có sự quan tâm sâu sát của UBND thành phố và lãnh đạo quận, huyện. Các Trung tâm TDTT quận, huyện cũng cần chủ động vận động các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng các công trình TDTT cơ bản. Kế tiếp là phấn đấu hoàn thành một số hạng mục quan trọng của Trung tâm TDTT ĐBSCL, kịp thời huấn luyện VĐV đỉnh cao của Cần Thơ. Chúng tôi sẽ hợp tác với ngành y tế Cần Thơ mở một khoa chuyên điều trị chấn thương thể thao. Giai đoạn 2010 đến 2020, kế hoạch chính là hoàn thành Trung tâm TDTT ĐBSCL; xây dựng kế hoạch đào tạo VĐV đẳng cấp quốc gia và quốc tế ở một số môn thế mạnh như: xe đạp, điền kinh, cờ vua...; thành lập Trường trung học phổ thông TDTT, Trường Đại học TDTT Cần Thơ, đưa VĐV, HLV ra nước ngoài đào tạo...

* Nguồn vốn đầu tư để thực hiện một chương trình lớn và tầm cỡ này sẽ được “xoay xở” thế nào, thưa ông?

- Tổng kinh phí dự kiến hơn 3 ngàn tỉ đồng, xác định từ 3 nguồn: ngân sách trung ương, ngân sách thành phố Cần Thơ và nguồn vốn xã hội hóa trong đó cần xác định rõ tiềm năng xã hội hóa rất lớn. Dự báo đến năm 2020 TP Cần Thơ cơ bản trở thành TP công nghiệp, kinh tế-xã hội phát triển, đời sống người dân sẽ cải thiện kéo theo nhu cầu hưởng thụ, tập luyện thể thao. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước - các thành phần kinh tế sẽ nắm lấy cơ hội đầu tư trong lĩnh vực thể thao. Thành phố sẽ có các chủ trương, biện pháp, chính sách ưu đãi đặc biệt để mời gọi, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư các công trình thể thao, góp phần đẩy nhanh tiến trình thực hiện chương trình, giúp Cần Thơ sớm trở thành trung tâm TDTT mạnh của khu vực.

• LAM HẬU GIANG (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết