Giai đoạn thành phố thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch COVID-19, nhiều người bệnh không được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Theo ghi nhận của các y bác sĩ, hầu hết người bệnh mua thuốc uống theo toa thuốc cũ trước đó hoặc ngưng thuốc. Ðây là một trong những nguyên nhân dẫn nhiều trường hợp không điều trị kịp thời khi bệnh chuyển nặng...
Sau giãn cách, nhiều bệnh trở nặng do không tái khám, điều trị kịp thời. Ảnh do BV cung cấp.
Vì sợ dịch bệnh COVID-19 và những quy định hạn chế đi lại trong giai đoạn giãn cách xã hội, cụ bà 72 tuổi ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long tình trạng sức khỏe suy giảm do bệnh đái tháo đường. Nhiều tháng qua, bà sụt cân, lơ mơ, mệt lừ đừ trong người, tự mua thuốc về uống. Mới đây, cụ mệt nhiều, gia đình tức tốc đưa đến BV cấp cứu, sau đó rơi vào tình trạng hôn mê, ngưng tim, ngưng thở. Các bác sĩ, điều dưỡng BV Ða khoa Hoàn Mỹ Cửu Long khẩn trương cấp cứu kịp thời, giúp cụ qua cơn nguy kịch, hồi phục sức khỏe và xuất viện.
BS CKI Nguyễn Hữu Thái, Phó Trưởng khoa Can thiệp nội mạch BV Ða khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết, do giãn cách nên người bệnh khó tiếp cận với các dịch vụ y tế nhanh chóng, kịp thời; đặc biệt tâm lý lo sợ lây nhiễm COVID-19 nên người bệnh thường đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng bệnh rất nặng và đã quá giờ vàng điều trị. Từ khi giãn cách đến nay, BV đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp nhồi máu cơ tim cấp. Hơn 10 ca vào viện cấp cứu quá giờ vàng, tình trạng rất nặng, sốc tim, suy hô hấp, tắc nhiều nhánh mạch vành cùng lúc, vỡ tim,... Người bệnh vào viện quá trễ nên việc cấp cứu hồi sức có hiệu quả rất thấp.
Theo BS Nguyễn Hữu Thái, nhóm bệnh nhân đã đặt stent can thiệp mạch vành còn chịu nhiều hậu quả nặng nề khi không được tái khám, theo dõi sức khỏe định kỳ. Những người bệnh này rất cần được kiểm soát các yếu tố liên quan đến nguy cơ tim mạch như huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, vận động, thuốc lá, cân nặng và uống thuốc kháng tiểu cầu kép (khoảng 12 tháng tùy theo chỉ định của bác sĩ cho từng trường hợp cụ thể) nhằm giảm nguy cơ tái hẹp stent xuống mức thấp nhất và giảm các biến cố về tim mạch cho người bệnh. Việc gián đoạn theo dõi và điều trị làm tăng các nguy cơ tim mạch, đột quỵ, làm chậm trễ phát hiện, chẩn đoán và xử trí kịp thời các cấp cứu về tim mạch cũng như đột quỵ. Từ đó, giảm hiệu quả điều trị, kéo dài thời gian nằm viện, tăng nguy cơ tử vong, tàn phế...
Hiện nay, trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh tái khám định kỳ tại các y tế cơ sở để được theo dõi, điều trị hoặc hướng dẫn lên tuyến cao hơn, chuyên sâu hơn khi cần thiết. Khi có bất kỳ vấn đề bất thường về sức khỏe, đến ngay cơ sở y tế địa phương nơi đang cư trú để được sơ cứu ban đầu trong giờ vàng, ngay sau đó chuyển bệnh nhân điều trị theo tuyến chuyên khoa tùy trường hợp cụ thể.
Thời gian qua, BV Ða khoa Hoàn Mỹ Cửu Long triển khai nhiều chương trình hỗ trợ người bệnh. Ứng dụng DANH Y hỗ trợ tư vấn, thăm khám trực tuyến, kết nối người bệnh có nhu cầu với các bác sĩ chuyên khoa để được điều trị kịp thời, nhanh chóng. Các bác sĩ khuyến cáo người mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần thăm khám định kỳ để điều trị hiệu quả.
THU SƯƠNG