11/05/2019 - 18:27

Không bên nào giành thắng lợi trong thương chiến 

Sau hai ngày đàm phán mới đây tại Washington mà không đạt được thỏa thuận nào, Mỹ và Trung Quốc lại hẹn nhau tại Bắc Kinh nhưng chưa xác định ngày tháng cụ thể. Và Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ tăng thuế đối với gần như tất cả hàng hóa còn lại từ Trung Quốc, đồng thời sẵn sàng cho biện pháp trả đũa từ chính quyền Tập Cận Bình.

Phó Thủ tướng, trưởng đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc Lưu Hạc (trái) bắt tay Đại diện Thương mại  Robert Lighthixer cùng Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin của Mỹ. Ảnh: AFP

Trong thông cáo chiều 10-5 (tức rạng sáng 11-5 giờ Việt Nam), Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthixer cho biết “Tổng thống đã ra lệnh cho chúng ta khởi động tiến trình tăng thuế vào hầu hết hàng nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc có giá trị ước tính khoảng 300 tỉ USD”. Ông Lighthixer giải thích thêm, chi tiết của tiến trình này sẽ được thông báo và làm rõ cho công chúng biết vào ngày thứ hai (13-5), trước khi quyết định cuối cùng được ban bố. Tuy nhiên, theo hãng tin AFP, việc đánh thuế toàn bộ hàng hóa còn lại của Trung Quốc khó có thể thực hiện trong vài tháng tới, trong khi vòng đàm phán mới giữa hai nước có thể được nối lại trong vài tuần tới, có thể vào đầu tháng 6.

Nếu nông phẩm dư thừa, Mỹ sẽ viện trợ nhân đạo

Tuyên bố mang tính đe dọa và gây sức ép tối đa trên được đưa ra sau khi ông Trump đăng đàn trên Twitter trưa 10-5 bình luận về vòng đàm phán thất bại mới đây: “Trong hai ngày qua, Mỹ và Trung Quốc đã có các cuộc thảo luận thẳng thắn và xây dựng về quy chế quan hệ thương mại giữa hai nước. Quan hệ giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và tôi vẫn rất tốt và các cuộc thảo luận trong tương lai sẽ tiếp tục. Mỹ đã tăng thuế lên Trung Quốc và việc này có thể dỡ bỏ hay không tùy thuộc vào điều gì sẽ xảy ra trong các cuộc đàm phán tương lai”.

Một hệ thống thương mại dựa trên các quy tắc, công bằng và không phân biệt đối xử không chỉ vì lợi ích của tất cả các đối tác thương mại, mà còn cần thiết để bảo vệ lợi ích của các nền kinh tế nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất. Đây là khẳng định của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) António Guterres trước cuộc họp đặc biệt của đại diện các quốc gia thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ngày 10-5 tại trụ sở ở Geneva, Thụy Sĩ. Người đứng đầu LHQ cũng cảnh báo rằng căng thẳng thương mại leo thang “đe dọa sự tăng trưởng thương mại quốc tế và nền tảng của bản thân hệ thống thương mại đa phương vốn dựa trên các quy tắc”. Ông Guterres nhấn mạnh: “Khi căng thẳng thương mại gia tăng, không có người chiến thắng, chỉ có người thua cuộc, đặc biệt là trong số các nước đang phát triển”. 

Trước đó, từ sáng 10-5, Mỹ đã chính thức  áp dụng tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông Trump cũng đã có hàng loạt dòng trạng thái tweet trong sự kiện này: “Tăng thuế sẽ làm cho đất nước chúng ta giàu mạnh lên chứ không suy yếu. Hãy chờ xem”, “Trung Quốc không nên sửa đổi các thỏa thuận vào phút chót”, “Không cần vội đẩy nhanh đàm phán bởi dòng tiền khổng lồ mà Trung Quốc chi trả đang chảy trực tiếp vào ngân khố Mỹ”, “Nông dân  của chúng ta sẽ làm tốt hơn, nhanh hơn, và các quốc gia nghèo đói bây giờ có thể được trợ giúp”...

Cũng trên mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue viết: “Mặc dù Trung Quốc có thể đổi ý, song Tổng thống Trump kiên định sự ủng hộ đối với nông dân Mỹ và đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp nhanh chóng lập một kế hoạch. Tổng thống yêu người nông dân của mình và không để họ phá sản”. Một phát ngôn viên Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết chưa có thông tin về kế hoạch này, nhưng Tổng thống Trump đã chia sẻ trên Twitter rằng nếu Mỹ mua 15 tỉ USD nông sản trong nước sẽ cao hơn số tiền xuất sang Trung Quốc. Theo Bộ Nông  nghiệp Mỹ, Trung Quốc nhập khẩu 9,2 tỉ USD nông phẩm Mỹ năm 2018. Nông phẩm được cho là mục tiêu “ưa thích” của Trung Quốc  trong quyết sách thuế trả đũa mới nhằm vào Mỹ.

Để bù đắp cho những nông dân bị thiệt hại do Trung Quốc đáp trả trong lần đánh thuế trước đây, chính quyền Trump đã lập chương trình viện trợ trị giá 12 tỉ USD. Lần này số ngân quỹ hỗ trợ có thể cao hơn. Nếu nông phẩm Mỹ dư thừa do không thể xuất sang Trung Quốc hay các thị trường thay thế khác, ông Trump nói sẽ dùng tiền tăng thuế để mua và mang đến cho “các nước đói và nghèo dưới hình thức hỗ trợ nhân đạo”. Tuy nhiên, giới kinh tế chỉ trích rằng việc hỗ trợ nông dân sẽ không có hiệu quả hơn so với xuất khẩu ra bên ngoài. Trong khi đó, việc tăng thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho thấy đã làm tăng giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của Mỹ.

Bị dồn chân tường, Trung Quốc có thể cứng rắn hơn

Phát biểu trước báo giới sau khi không đạt thỏa thuận với Mỹ, Phó Thủ tướng Lưu Hạc, trưởng đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc cho rằng vòng đàm phán mới tại Washington mang tính “xây dựng” và “khá tốt” nhưng cảnh báo Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ đối với “các nguyên tắc quan trọng”.

“Chúng tôi có sự đồng thuận trong nhiều lĩnh vực nhưng chân thành mà nói, chúng tôi có những khác biệt trên nhiều lĩnh vực và đây là những nguyên tắc lớn. Mỗi nước đều có những nguyên tắc quan trọng và chúng tôi nhất quyết sẽ không nhượng bộ các vấn đề nguyên tắc” - ông Lưu nhấn mạnh. Trước câu hỏi về áp lực thương chiến đè lên nền kinh tế Trung Quốc, ông Lưu lạc quan rằng kinh tế nước này đang trở lại quỹ đạo phát triển và có thể duy trì sự ổn định trong dài hạn.

Những nguyên tắc quan trọng mà ông Lưu đề cập là vấn đề liên quan đến luật không thể vi phạm và không dễ dàng thay đổi. Các nguyên tắc này có thể bao gồm chính sách quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, chính sách cạnh tranh, tiền tệ và tài chính. Báo chí Trung Quốc  gọi các nguyên tắc này là lợi ích cốt lõi quốc gia. Tờ Nhân dân Nhật báo ngày 11-5 nêu rõ “thỏa thuận thương mại phải thực tế và cân bằng mà nhân dân Trung Quốc có thể chấp nhận được và nó không làm tổn hại chủ quyền và phẩm giá của đất nước”.

Vòng đàm phán thương mại sắp tới tại Bắc Kinh chưa biết ngày tháng nào sẽ diễn ra nhưng Washington đã đe dọa sẽ tăng thuế gần như tất cả hàng hóa xuất khẩu còn lại của Trung Quốc vào Mỹ. Sự cứng rắn này của Mỹ không dễ khuất phục Trung Quốc đang bị dồn vào chân tường. Vòng đàm phán vừa qua đã chứng minh điều đó. Michael Pillsbury, nhà nghiên cứu về Trung Quốc của Viện Hudson (Mỹ), nhận định sự sụp đổ của vòng đàm phán mới nhất tại Washington  là dấu hiệu cho thấy phe cứng rắn giành thắng lợi trong tranh cãi về thương chiến với Mỹ tại Trung Quốc và họ đang gây sức ép để Chủ tịch Tập Cận Bình không nhượng bộ với đòi hỏi quá mức từ ông Trump.

Trước viễn cảnh bùng nổ thương chiến toàn diện của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể trở thành hiện thực, ông Chad Bown - nhà phân tích thương mại của Viện kinh tế quốc tế Peterson cảnh báo trên Twitter: “Không có bên nào thắng lợi trong chiến tranh thương mại”. Giới phân tích kinh tế quốc tế dự báo “cú đấm thuế” tổng lực Trung-Mỹ sẽ làm giảm 0,3% mức tăng trưởng GDP và làm gia tăng nguy cơ suy thoái của nền kinh tế hai nước.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết