24/07/2010 - 08:59

Khó khăn ở ngôi trường thí điểm

Học sinh Trường THPT-KT Trần Ngọc Hoằng trong giờ thực hành vi tính. Ảnh: Trường cung cấp

Trường THPT Trần Ngọc Hoằng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, trước đây có nhiều năm liền đạt tỷ lệ học sinh THCS và THPT đậu tốt nghiệp 100%. Từ năm học 2002 - 2003, trường được đổi tên thành Trường THPT Kỹ thuật (THPT- KT) Trần Ngọc Hoằng. Mặc dù đã có kế hoạch triển khai từ năm học 2002 - 2003, nhưng đến năm học 2005 - 2006, Trường THPT- KT Trần Ngọc Hoằng mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) chọn thực hiện thí điểm chương trình THPT- KT.

* Mô hình đào tạo hay...

Mô hình vừa dạy phổ thông, vừa dạy kỹ thuật đã được một số nước trên thế giới áp dụng như Trung Quốc, Nhật Bản, CHLB Đức, Thái Lan, ... nhưng lại rất mới ở nước ta. Đây là mô hình kết hợp vừa dạy phổ thông với dạy kỹ thuật nghề. Sau khi các em học xong các lớp phổ thông, các em đã có những kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp nhất định. Trong kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông của Bộ GD & ĐT (CV số 3668 ngày 15/11/2001), có nêu: “Xây dựng đề án phát triển các trường THPT- KT theo hướng phân luồng sau THCS, chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ CNH, HĐH ở địa phương”. Do vậy, loại hình trường này có vị trí tồn tại song song với loại hình THPT phân ban. Học sinh tốt nghiệp THCS được phân luồng lên THPT phân ban, THPT- KT hoặc đi vào các trường trung cấp hay dạy nghề. Hướng đi tiếp theo của trường THPT- KT là có thể học lên các trường đại học, cao đẳng kỹ thuật cùng với nghề mà các em đã học trong thời gian ba năm THPT - KT, hoặc thi vào các trường đại học, cao đẳng khác theo khả năng và nguyện vọng của các em.

Trong dự án thí điểm mô hình này có xác định: Về tính chất, loại trường này được xác định là phổ thông, cơ bản, kỹ thuật và chuẩn bị nghề. Trong đó, tính chất phổ thông, cơ bản được thể hiện ở 11 môn học thuộc giáo dục phổ thông nhằm đảm bảo mặt bằng chuẩn trình độ học vấn trung học phổ thông. Về tính kỹ thuật và chuẩn bị nghề được thể hiện ở sự phân hóa và chuẩn bị nghề theo các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp, nông- lâm- ngư nghiệp bằng nhiều nghề khác nhau như: May công nghiệp, nuôi cá, làm vườn, điện tử dân dụng, tin học, sửa xe gắn máy... Về mục tiêu, loại trường này cũng được dự án nêu rõ: Nhằm giáo dục cho học sinh vừa có trình độ kiến thức THPT để có thể học đại học hoặc cao hơn nữa, vừa có trình độ kỹ năng nghề nghiệp cơ bản để đi vào các ngành nghề trong cuộc sống lao động, góp phần phân luồng học sinh sau THCS. Do đó, nếu xây dựng thành công mô hình này sẽ là điều kiện tốt để phát triển nguồn lực có tay nghề cho địa phương trong tương lai. Thực tế trong ba năm học vừa qua, mô hình trường THPT - KT đã góp phần rất lớn trong việc phân luồng học sinh lớp 9 sau khi tốt nghiệp THCS và định hướng nghề cho học sinh trong tương lai ở một số địa phương.

* Nỗ lực vượt khó...

Khó khăn lớn hiện nay của Trường THPT - KT Trần Ngọc Hoằng là chưa có cơ sở cho riêng mình. Để chuẩn bị cho việc lập đề án xây trường trong tương lai, từ tháng 12 năm 2009, khối THCS của trường đã được tách ra thành lập Trường THCS Thới Hưng và trường này đặt tại điểm Trường THPT- KT Trần Ngọc Hoằng cũ. Hiện tại, Trường THPT - KT Trần Ngọc Hoằng đang “ở đậu” Trường THCS Thới Hưng. Điều này đã gây khó khăn lớn cho hai trường vì thiếu phòng học, phòng làm việc, các phòng thực hành, thí nghiệm, thư viện... Chỉ cần có hoạt động nào đó của một trường mà cần đến nhiều phòng thì trường còn lại phải nghỉ, chứ đừng nói chi đến có phòng dư để phụ đạo học sinh yếu kém hay bồi dưỡng học sinh giỏi. Nơi làm việc của Ban giám hiệu, Văn phòng, Công đoàn, Kế toán, Chuyên trách phổ cập... của mỗi trường “ dồn” trong một phòng cũng đã ảnh hưởng nhiều đến chất lượng làm việc của các bộ phận.

Riêng phần kỹ thuật nghề, trường chưa có phòng để dạy thực hành các môn kỹ thuật nghề riêng biệt, cũng chưa có vườn trường, xưởng trường... nên một số tiết thực hành chưa được dạy chính quy. Năm học 2005-2006, dự án thí điểm của Bộ GD&ĐT có cung cấp về cho trường thiết bị dạy nghề khối 10, nhưng từ đó đến nay chỉ cung cấp được một số ít linh kiện cho nghề tin học, các nghề còn lại chưa có. Khối 11 và 12 phải sử dụng lại của khối 10 nên gặp rất nhiều khó khăn vì các thiết bị vừa không phù hợp lại vừa quá lạc hậu, cũ. Một điểm đáng lưu ý nữa là trường đã nhận được văn bản quy định về văn bằng nghề (Công văn 2840 của BGD-ĐT/GDTrH ngày 4 tháng 4 năm 2008), nhưng chỉ là chứng nhận hoàn thành chương trình nghề phổ thông kỹ thuật, tương đương với chứng nhận nghề phổ thông. Học sinh học ba năm liên tục với rất nhiều tiết lý thuyết và thực hành (hơn 600 tiết) nhưng chỉ có giá trị cộng điểm thêm cho thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, hầu hết mục tiêu đào tạo của trường vẫn là đảm bảo chuẩn kiến thức cơ bản để các em thi tốt nghiệp và đại học, cao đẳng.

Mặt khác, vùng tuyển sinh của trường hàng năm là trong toàn thành phố. Thế nhưng mỗi năm, trường chỉ tuyển được không quá 130 học sinh trong địa bàn xã trên tổng chỉ tiêu 200 học sinh được Sở GD&ĐT TP Cần Thơ giao. Chỉ tiêu không đủ lại xét tuyển nữa, nên có bao nhiêu trường đều nhận hết bấy nhiêu. Do vậy, mặt bằng trình độ của học sinh có sự chênh lệch khá lớn.

Năm học 2006 - 2007, Trường THPT- KT Trần Ngọc Hoằng vẫn giữ được thứ hạng cao khi xét về tỷ lệ học sinh đỗ vào đại học, cao đẳng. Cụ thể, trường đã có 16 học sinh đạt trên điểm sàn của Bộ GD&ĐT và có 12 em trúng tuyển vào đại học trên tổng số 23 học sinh đăng ký dự thi. Năm học 2007 - 2008, trường có 100% học sinh đỗ tốt nghiệp đứng đầu trong khối THPT của TP Cần Thơ và THPT- KT trong cả nước; có 23 học sinh đỗ vào đại học, cao đẳng, trong đó có nhiều em đỗ cả hai ngành của Đại học Cần Thơ và Đại học Y dược Cần Thơ. Năm 2008-2009, mặc dù tỷ lệ tốt nghiệp có giảm, nhưng ngược lại số học sinh đỗ vào đại học, cao đẳng đạt rất cao, gần 40 em. Đây là một kết quả rất khả quan, làm động lực giúp thầy và trò Trường THPT- KT Trần Ngọc Hoằng tiếp tục phấn đấu.

Vừa qua, UBND TP Cần Thơ có buổi làm việc với Sở GD&ĐT Cần Thơ và đã thống nhất là tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt thí điểm mô hình THPT- KT này. Từng bước mở rộng, xây dựng Trường THPT- KT Trần Ngọc Hoằng thành trường trọng điểm đào tạo vừa kiến thức phổ thông, vừa có kiến thức cơ bản về nghề nghiệp, giúp học sinh định hướng tốt việc chọn nghề. Đồng thời, trường cũng có kế hoạch sẽ mở rộng vùng tuyển sinh trong thành phố và ĐBSCL trong những năm tới.

KHÁNH AN

Chia sẻ bài viết