29/07/2010 - 09:07

Israel và Liban trước nguy cơ chiến tranh vì khí đốt

Vùng Địa Trung Hải nhìn từ Liban. Ảnh: AP

Hãng tin Mỹ AP ngày 27-7 nhận định việc phát hiện nhiều mỏ khí đốt thiên nhiên ở phía Đông Địa Trung Hải là “món quà kinh tế trời cho” với cả hai quốc gia nghèo tài nguyên Israel và Liban, nhưng sự tranh chấp giành quyền sở hữu đang có nguy cơ đưa hai nước vào cuộc phiêu lưu quân sự mới.

Hồi năm ngoái, Israel đã phát hiện hai mỏ khí đốt lớn là Tamar và Dalit mà theo các chuyên gia là có trữ lượng 160 tỉ mét khối. Nếu bắt đầu khai thác vào năm 2012 như dự kiến, hai mỏ khí đốt thiên nhiên này sẽ đáp ứng nhu cầu năng lượng của Israel trong vòng 2 thập niên tới. Thậm chí, theo nhận định hồi tháng 6 của công ty năng lượng Noble Energy của Mỹ (đang tham gia phát triển hai mỏ khí đốt này), Israel có thể đủ khí đốt để xuất khẩu sang châu Âu và châu Á nếu phát triển thêm một mỏ khí đốt thứ 3 là Leviathan (được phát hiện đầu năm 2010) với trữ lượng lên đến 450 tỉ mét khối.

Cần biết rằng hiện nay, Israel phụ thuộc hoàn toàn vào năng lượng nhập khẩu với mỗi năm chi ra hàng tỉ USD để mua khí đốt thiên nhiên từ Ai Cập và than đá từ nhiều quốc gia khác. Khi mỏ Tamar và Dalit được đưa vào khai thác, hàng năm Israel có thể giảm chi phí nhập khẩu năng lượng khoảng 40 tỉ USD và chính phủ lại có thêm nguồn thu thuế 16 tỉ USD. Còn nếu phát triển thêm mỏ Leviathan thì Israel sẽ trở thành quốc gia xuất khẩu khí đốt lớn thứ 10 thế giới với nguồn thu nhập kếch xù. Chưa hết, theo nghiên cứu của Cơ quan thăm dò địa chất Mỹ công bố hồi tháng 3-2010, vùng phía Đông Địa Trung Hải của Israel, Syrie, Liban và Dải Gaza (Palestine) chứa khoảng 3.450 tỉ mét khối khí đốt có thể khai thác, tức hơn gấp 7 lần 3 mỏ Tamar, Dalit và Leviathan gộp lại.

Tuy nhiên, Đông Địa Trung Hải là khu vực chưa xác định chủ quyền biên giới biển của quốc gia nào, nên tất cả các mỏ khí đốt sẽ đương nhiên vấp phải sự tranh chấp giữa các nước có liên quan. 3 địa điểm của mỏ khí đốt Tamar, Dalit và Leviathan cũng nằm trong vùng hàng hải đặc quyền chưa tuyên bố của cả Israel và Liban. Vì vậy, khi Israel tuyên bố sẽ khai thác các mỏ khí đốt trên, chính phủ Liban và phong trào kháng khiến Hezbollah đã cực lực phản đối. Hezbollah cảnh báo phong trào này sẽ nâng gấp đôi khả năng chiến đấu của mình nhằm bảo vệ tài nguyên quốc gia nếu bị Israel đe dọa “lấy cắp”. Theo các quan chức Israel, sau cuộc chiến tranh đẫm máu với Israel hồi mùa Hè năm 2006, Hezbollah hiện đã tăng cường kho vũ khí của mình lên gấp 3 lần với hơn 40.000 quả rốc-két. Trong khi đó, giới lãnh đạo chủ chốt của chính phủ Liban coi các mỏ khí đốt trên vùng Địa Trung Hải là nguồn tài nguyên có thể giúp nước này thanh toán khoản nợ quốc gia khổng lồ 52 tỉ USD, tức bằng 147% GDP của Liban.

Có thể nói khí đốt trên Địa Trung Hải là nguồn tài nguyên quý hiếm của cả Israel và Liban, hai quốc gia hiện vẫn nằm trong tình trạng “chiến tranh không tuyên bố”. Do đó, cộng đồng quốc tế, mà đại diện là Liên Hiệp Quốc, đã bày tỏ mối quan ngại và đang đứng ra dàn xếp cuộc tranh chấp chủ quyền biển và khí đốt giữa hai bên.

KIẾN HÒA (Theo AP, Gulf Times và FT)

Chia sẻ bài viết