14/11/2020 - 17:56

IS vẫn “sống tốt”? 

Một năm sau cái chết của Abu Bakr al-Baghdadi, nhà sáng lập và là thủ lĩnh của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), các tay súng trung thành của chúng vẫn được đánh giá “sống tốt” nhờ vào kiểm soát lãnh thổ, tạo nguồn thu nhập riêng, đồng thời trỗi dậy bằng hàng loạt cuộc tấn công đẫm máu.

Cảnh tượng tan hoang sau vụ thảm sát của IS tại Mozambique. Ảnh: AFP

Cảnh tượng tan hoang sau vụ thảm sát của IS tại Mozambique. Ảnh: AFP

Mới nhất là vụ tấn công vào một ngôi làng nhỏ ở huyện Muidumbe, tỉnh Cabo Delgado, phía Bắc Mozambique, hành quyết khoảng 20 bé trai và nam giới. Ðây chỉ là một phần trong cuộc xung đột tàn khốc đang diễn ra ở Cabo Delgado, nơi các phần tử nổi dậy tuyên bố trung thành với IS đẩy mạnh chiếm đóng lãnh thổ, cảng biển và sát hại dân thường.

Trong một năm trở lại đây, IS đã đẩy mạnh tấn công trên toàn cầu, đặc biệt là ở châu Phi, Trung Ðông và Trung Á. Chỉ riêng tại Iraq và Syria, lực lượng này trung bình thực hiện từ 100-200 cuộc tấn công/tháng. Từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 8, hơn 500 người đã thiệt mạng hoặc bị thương trong hơn 130 vụ tấn công riêng biệt của IS.

Sở hữu khoảng 20 chi nhánh

Tính đến tháng 10-2020, IS sở hữu khoảng 20 “tỉnh” chính thức. Ðể trở thành chi nhánh chính thức, nhánh IS tại địa phương phải chỉ định thống đốc tỉnh tuyên bố trung thành với thủ lĩnh IS Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurayshi và Hội đồng Shura, đồng thời đệ trình kế hoạch thiết lập quyền kiểm soát một vùng lãnh thổ cụ thể và thực thi luật Hồi giáo Sharia hà khắc.

Hiện IS có chi nhánh chính thức ở Afghanistan, Nigeria, Somalia, Mozambique, Cộng hòa Dân chủ Congo, Libya, Ai Cập, Philippines và Yemen, chủ yếu kiểm soát vùng nông thôn hoặc vùng sa mạc ít dân cư. Chúng dựng nên rào chắn tạm dọc theo các tuyến đường chính để bắt khách du lịch, moi tiền, lấy đi vật dụng có giá trị của cư dân trong khu vực hoặc trừng phạt những người vi phạm luật Sharia; tấn công giới chức địa phương hoặc quan chức chính phủ. Ngoài ra, IS còn sở hữu nhiều chi nhánh nhỏ không chính thức ở khoảng 50 quốc gia trên thế giới.

Về mặt địa lý, lực lượng này có mặt khắp nơi, từ Trung Ðông đến Ðông Bắc Á và cả Ðông Nam Á. Tại châu Phi, chi nhánh của IS hiện diện khắp phía Bắc lục địa đen và vùng châu Phi cận Sahara. Còn ở Tây bán cầu, IS cũng có chi nhánh ở Trinidad và Tobago, đồng thời được cho có quan hệ chặt chẽ với các nhóm khủng bố ở Paraguay và Argentina. Hiện Nam Mỹ đang trở thành khu vực chiến lược quan trọng đối với IS, bởi đây là nơi chúng dễ dàng buôn bán vũ khí cho các băng đảng ma túy.

Đe dọa châu Âu

Hiện có hàng chục nhóm thánh chiến đang hoạt động ở châu Âu. Các nhóm này phần lớn hoạt động độc lập và là nguồn nhân lực có thể được IS hoặc các nhóm thánh chiến khác sử dụng cho các hoạt động của mình.

Có thông tin cho rằng khoảng 2.000-5.000 chiến binh IS có thể đã hồi hương về châu Âu. Ngoài ra, các nhà tù ở châu Âu được cho trở thành “điểm nóng” về hoạt động “chiêu binh mãi mã” của IS. Riêng tại Pháp, Cơ quan Cảnh sát châu Âu ước tính, khoảng 1.000-2.000 tù nhân là chiến binh thánh chiến và khoảng một nửa trong số này đã bị cực đoan hóa.

Ðáng lo ngại khi có ước tính rằng khoảng 35-65% trong số 50.000 tay súng IS vẫn còn sống. Nhiều tên trong số này đang ở yên tại chỗ, số khác được Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ chọn làm dân quân hoặc làm lính đánh thuê ở Libya và Azerbaijan.

Có nguồn thu nhập khủng

Vào thời hoàng kim, IS được cho có thu nhập từ 1-2 tỉ USD. Dù mất quyền tiếp cận các mỏ dầu béo bở ở Syria và Iraq nhưng nhờ các hoạt động tạo ra tiền khác, IS vẫn có nguồn tài chính dồi dào. Các cơ quan tình báo Mỹ tin rằng IS có thể đã rửa khoảng 400 triệu USD thông qua các công ty Thổ Nhĩ Kỳ cùng với khoảng 250 triệu USD khác được lực lượng này rửa ở Iraq thông qua các khoản đầu tư vào các doanh nghiệp hợp pháp.

Buôn lậu cổ vật cũng là một hoạt động béo bở của IS, được cho đóng góp vào ngân sách IS từ 10-20 triệu USD/năm. Quan trọng hơn, IS đẩy mạnh buôn bán heroin ở Afghanistan, tích cực phân phối cocaine ở Nam Mỹ, sản xuất và phân phối methamphetamine ở châu Âu. Ngoài ra, chúng vẫn thực hiện các vụ bắt cóc, cướp tài sản ở Iraq và Syria, huy động tiền các cá nhân và doanh nghiệp tư nhân tại địa phương. Theo giới phân tích tình báo Mỹ và châu Âu, các hoạt động bất hợp pháp của IS đã mang về cho chúng khoảng 200-500 triệu USD.

TRÍ VĂN (Theo NYT, Military)

Chia sẻ bài viết