22/03/2019 - 11:16

IS sắp bị ‘’xóa sổ’’? 

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 20-3 tuyên bố tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sẽ bị xóa khỏi bản đồ Syria trong “vòng vài giờ tới”.

Người dân tập trung bên ngoài nhà hát Bataclan ở Paris để tưởng nhớ nạn nhân của các cuộc tấn công hồi năm 2015. Ảnh: NYT

Tổng thống Trump khẳng định các lực lượng Mỹ đã gây thiệt hại nặng nề cho IS trên chiến trường trong tháng rồi. Theo ông chủ Nhà Trắng, khi ông mới đắc cử, Syria vẫn còn là “một mớ hỗn độn” với sự hoành hành của các tay súng IS. Trong tấm bản đồ mới nhất, Tổng thống Trump nhấn mạnh “vương quốc Hồi giáo sẽ biến mất từ đêm nay”.
 

Tuyên bố của Tổng thống Trump được đưa ra trong bối cảnh IS được cho sắp đến ngày tàn. Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn cho biết phần lãnh thổ cuối cùng của IS ở thị trấn Baghouz đã được giải phóng. Hàng ngàn tay súng IS vẫn ở trong thị trấn này nhưng chủ yếu trốn chui dưới các căn hầm và thực hiện các cuộc tấn công chớp nhoáng. Thận trọng hơn, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian hôm 20-3 bày tỏ hy vọng “sự thất bại hoàn toàn của IS” sẽ được thông báo “trong vài ngày tới”.

Vào năm 2013, tàn dư của nhánh al-Qaeda ở Iraq đã đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo  Iraq và Syria (ISIS) giữa lúc Syria đang rơi vào năm thứ 3 của cuộc nội chiến. Tháng 1-2014, IS đánh chiếm Raqqa, biến thành phố này thành “kinh đô” của chúng. Dưới sự lãnh đạo của Abu Bakr al-Baghdadi, các tay súng ISIS hoành hành trên khắp miền Đông Sryia và Tây Bắc Iraq vào mùa xuân và hè năm 2014, đánh chiếm hết thành phố này tới thành phố khác, gồm thành phố lớn thứ hai của Iraq là Mosul. Vào tháng 6 năm đó, al-Baghdadi chính thức tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo (IS) và tự xưng mình là “vua Hồi”. Y kêu gọi các tay súng nước ngoài đến Iraq và Syria gia nhập IS, đồng thời ra sức tuyển mộ, lôi kéo các phần tử cực đoan tham gia thánh chiến, thực hiện các cuộc tấn công khủng bố khắp thế giới. Vào thời hoàng kim, IS có trong tay khoảng 40.000 chiến binh từ 100 quốc gia.

Hành quyết, tuyên truyền và khủng bố

IS vào năm 2014 bắt đầu xuất bản tạp chí trực tuyến Dabiq nhằm tăng cường hỗ trợ cho hệ tư tưởng và hoạt động của chúng. Thế giới khi đó đã chứng kiến sự tàn ác của IS khi chúng công bố một loạt các đoạn video ghi lại cảnh hành quyết các nhà báo quốc tế cũng như nhân viên cứu trợ bị bắt ở Syria. Tuy nhiên, các vụ hành quyết chỉ là một phần nhỏ của sự tàn bạo của IS. Hình ảnh và các đoạn video ghi lại cảnh đóng đinh, chặt đầu hàng loạt và ném đá cư dân địa phương thường xuyên xuất hiện trên mạng Internet vào thời đỉnh cao sức mạnh của chúng. Chúng cũng nhắm vào các nhóm tôn giáo thiểu số, bắt giữ người trái phép, ép phụ nữ và bé gái làm nô lệ tình dục.

IS “vươn vòi” sang châu Âu bằng một loạt cuộc tấn công khủng bố vào năm 2015 và 2016. Đáng chú ý nhất là vụ tấn công vào văn phòng tuần báo châm biếm Charlie Hebdo ở Thủ đô Paris (Pháp) hồi tháng 1-2015, khiến 12 người thiệt mạng, cũng như vụ tấn công phối hợp vào một hộp đêm và một số quán cà phê ở Paris vào tháng 11-2015, làm 130 người chết. 

Đầu năm 2016, đa số lãnh thổ do IS chiếm được gần như bị mất kiểm soát. Tại Iraq, lực lượng an ninh do Mỹ hậu thuẫn cũng như lực lượng dân quân người Hồi giáo dòng Shiite được Iran hỗ trợ đã lật đổ IS, chiếm lại Mosul vào giữa năm 2017 và chính thức tuyên bố đánh bại IS vào cuối năm đó. Trong khi đó, lực lượng do Mỹ, người Kurd hậu thuẫn đã giành lại lãnh thổ ở Syria, gồm “kinh đô” Raqqa của IS vào tháng 10-2017. Dọc theo biên giới phía Đông Syria, lực lượng do Tổng thống Bashar al-Assad và Nga hậu thuẫn cũng đã tái chiếm lãnh thổ từ tay IS.

Thủ lĩnh al-Baghdadi, vốn không thấy xuất hiện vài năm qua, được cho là đã tử thương nhưng không thể kiểm chứng. Vấn đề là sau ngày tàn của IS, thế giới có được bình yên hay lại đối diện với “vòi bạch tuộc” của một thế hệ thánh chiến xuất phát từ những gốc rễ sâu xa của thời đại? 

TRÍ VĂN (Theo NYT, AP)

Chia sẻ bài viết