21/08/2022 - 17:45

IS “lộng hành” dưới thời Taliban 

Theo các quan chức Taliban, vụ đánh bom hôm 17-8 ở thủ đô Kabul của Afghanistan đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 21 tín đồ Hồi giáo, gồm giáo sĩ Amir Mohammad Kabuli, và khiến hơn 30 người khác bị thương.

Các tay súng ISIS-K ở Afghanistan. Ảnh: Fox News

Các tay súng ISIS-K ở Afghanistan. Ảnh: Fox News

Dù chưa có bất kỳ nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công nhưng nó xảy ra một tuần sau khi ISIS-K, nhánh của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Afghanistan, đối thủ của Taliban, nhận trách nhiệm thực hiện vụ đánh bom giết chết Rahimullah Haqqani, một giáo sĩ nổi tiếng có liên hệ mật thiết với Taliban.

Đây là vụ mới nhất trong chuỗi các vụ tấn công mà phần lớn được cho là do ISIS-K triển khai kể từ khi Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan cách đây một năm. Thế nhưng, ISIS-K là ai và hiện diện ở Afghanistan như thế nào vẫn còn là nghi vấn.

Tờ Bưu điện Washington cho biết, IS hiện diện mạnh mẽ nhất tại Iraq và Syria, nơi nhóm cực đoan tàn bạo này kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn vào “thời hoàng kim” hồi cuối năm 2014. “Nổi tiếng” nhờ hoạt động “chiêu binh mãi mã” xuyên quốc gia, IS đã chứng kiến sức mạnh suy giảm đáng kể sau khi liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu đánh bật chúng ra khỏi thành trì cuối cùng vào năm 2019. Song, IS vẫn tập hợp lực lượng và các “chân rết” của chúng vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công, gây bất ổn trên khắp Trung Đông, Nam Á và châu Phi.

Riêng ISIS-K bắt đầu hoạt động ở Afghanistan vào năm 2015. Lực lượng này do Hafiz Saeed Khan, quốc tịch Pakistan, người tuyên bố trung thành với thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi, thành lập. Ban đầu, ISIS-K gồm chủ yếu là các chiến binh Pakistan có bản doanh đặt tại tỉnh Nangahar, miền Đông Afghanistan, chuyên chiêu mộ tân binh từ Taliban và các nhóm cực đoan khác.

ISIS-K hoạt động dựa theo chủ nghĩa thánh chiến Salafi, phong trào cực đoan Hồi giáo dòng Sunni. Tại Afghanistan, người Hazara, một nhóm dân tộc thiểu số người Hồi giáo dòng Shiite, là mục tiêu thường xuyên của các cuộc tấn công của ISIS-K. Người Hồi giáo dòng Sufi cũng rơi vào tầm ngắm của ISIS-K. Giáo sĩ Kabuli, người bị sát hại trong vụ đánh bom hôm 17-8, được cho là một nhà lãnh đạo người Hồi giáo dòng Sufi.

Theo Liên Hiệp Quốc (LHQ), ISIS-K hiện do Sanaullah Ghafari lãnh đạo. Các cuộc tấn công của ISIS-K đã giảm sau các hoạt động chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu tại thành trì của lực lượng này ở miền Đông Afghanistan trong giai đoạn 2018-2020. Tuy nhiên, ISIS-K vẫn tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu dân sự như trường học, đám cưới. Đáng chú ý, ISIS-K đã nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công sân bay Kabul hôm 26-8-2021, khiến ít nhất 185 người thiệt mạng, trong đó có 13 binh sĩ Mỹ. Hồi tháng 2 năm nay, Mỹ đã treo thưởng 10 triệu USD cho người cung cấp thông tin có giá trị để truy tìm tên Ghafari cũng như trao thưởng cho bất cứ thông tin gì có thể giúp cho việc bắt giữ những kẻ đã thực hiện vụ tấn công này.

Kẻ thù của Taliban

Taliban có quan hệ chặt chẽ với al-Qaeda, đối thủ của ISIS-K. Mặc dù giới chức Taliban trong Thỏa thuận Doha được ký với Mỹ hồi năm 2020 cam kết không để lãnh thổ Afghanistan trở thành “thiên đường” cho các nhóm khủng bố nhưng sự kiện thủ lĩnh al-Qaeda Ayman al-Zawahiri hồi tháng trước bị tiêu diệt trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ ngay tại thủ đô Kabul dường như cho thấy mối quan hệ khắn khít giữa al-Qaeda và Taliban.

Ngược lại, Taliban hầu như “bất hòa” với ISIS-K kể từ khi lực lượng này lần đầu xuất hiện ở Afghanistan. “Mục tiêu thực sự của chúng là thành lập một tiểu vương quốc Hồi giáo để cạnh tranh với cả al-Qaeda và Taliban” - Seth Jones, chuyên gia chống khủng bố tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nói về ISIS-K. Được biết, có rất nhiều chiến binh của Taliban đã gia nhập vào hàng ngũ của ISIS-K. Hai lực lượng này thường xuyên xảy ra xung đột để tranh giành các nguồn tài nguyên và lãnh thổ.

LHQ ước tính, trước khi Taliban tiếp quản Afghanistan, ISIS-K có khoảng 1.500-2.200 tay súng hoạt động ở các tỉnh Konar và Nangahar cũng như một số nơi khác trên khắp Afghanistan. Tuy nhiên, trong những tháng sau khi Taliban chiếm quyền kiểm soát quốc gia Tây Nam Á này, ISIS-K đã mở rộng phạm vi hoạt động tới gần như tất cả các tỉnh của Afghanistan và đẩy mạnh nhịp độ các cuộc tấn công, triển khai nhiều vụ đánh bom liều chết, phục kích và ám sát. Kể từ tháng 8 năm ngoái, ISIS-K tuyên bố thực hiện 224 vụ tấn công ở Afghanistan, chủ yếu nhằm vào Taliban. 

“Chiến lược của ISIS-K gồm 2 mặt, nhắm trực tiếp vào lực lượng Taliban để làm suy yếu quyền lực của họ và nhắm mục tiêu vào dân thường để hạ uy tín của Taliban”  - Michael Kugelman, phó giám đốc chương trình châu Á tại Trung tâm Wilson (Mỹ), nhận định.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết