26/05/2009 - 06:22

Iraq trước nguy cơ nội chiến

Binh sĩ Iraq và lính Mỹ truy tìm khủng bố ở tỉnh Diyala hôm 17-5.
Ảnh: Reuters

Ngày 24-5, Thiếu tướng David Perkins, người phát ngôn quân đội Mỹ, cho biết từ đầu tháng 5 tới nay, Iraq chỉ xảy ra 13 vụ tấn công gây thương vong lớn, giảm hơn 50% so với tháng 4. Tuy nhiên, cùng ngày 24-5, các tay súng nổi dậy đã giết chết ít nhất 22 người trong 8 vụ tấn công ở thành phố Mosul và Falluja, bằng hình thức cài bom vệ đường, bắn tỉa, đánh bom tự sát và giết người kiểu hành quyết. Các nhà phân tích cho rằng nhìn lại 28 vụ đánh bom tự sát trong tháng 4 làm khoảng 235 người chết, càng khiến người ta lo sợ rằng những tiến bộ an ninh trong 2 năm qua ở Iraq đang trở thành “công cóc”.

3 vụ tấn công mới nhất ở Mosul, “thành trì” đô thị cuối cùng của Al Qaeda ở Iraq, hôm 24-5, làm ít nhất 13 người chết và 32 người khác bị thương, diễn ra trong lúc quân đội Mỹ đang tổng kết các hoạt động trước khi rút khỏi các thành phố vào hạn chót là ngày 30-6 tới. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thông báo việc rút tất cả các lực lượng chiến đấu Mỹ khỏi Iraq vào ngày 31-8-2010, chỉ để lại 30.000-50.000 quân trong vai trò cố vấn. Các lực lượng còn lại này cũng sẽ về nước vào cuối năm 2011. Cả các quan chức Washington và Baghdad đều tuyên bố thời hạn này sẽ không được gia hạn thêm, bất chấp các chỉ huy quân đội Mỹ lo ngại các lực lượng an ninh Iraq có thể không đủ sức tiếp quản các đô thị.

Vấn đề càng nghiêm trọng hơn khi đa số các vụ đánh bom từ tháng 4 tới nay có khuynh hướng nhằm vào các mục tiêu người Shiite. Mới đây, 3 thủ lĩnh của Hội đồng Thức tỉnh, vốn là các tay súng nổi dậy người Sunni chuyển sang hợp tác với chính phủ chống khủng bố từ năm 2006, đã bị bắt. Những vụ việc này được xem là “thuốc thử” cho sự hợp tác giữa chính phủ của người Shiite với Hội đồng Thức tỉnh. Hội đồng Thức tỉnh đóng vai trò quan trọng trong việc làm giảm bạo lực ở Iraq 2 năm qua, nhưng các nhà lãnh đạo Sunni cho rằng chính quyền Thủ tướng Nuri al Maliki không giữ cam kết hợp nhất các thành viên của họ trong các lực lượng an ninh. Họ cũng lo ngại rằng chính phủ xem Hội đồng Thức tỉnh là mối đe dọa và đang có kế hoạch tiêu diệt họ khi quân đội Mỹ rút đi. Hàng chục thành viên hội đồng này đã trốn khỏi Baquba từ khi chính phủ bắt đầu chiến dịch quân sự lớn với 30.000 quân và cảnh sát ở tỉnh này 2 tuần trước.

Thực ra, căng thẳng giữa các thủ lĩnh Hội đồng Thức tỉnh và chính phủ Iraq vẫn tồn tại lâu nay. Mỹ đã tổ chức và bảo trợ hội đồng này khi chi trả 300 USD/tháng cho các thành viên. Nhưng gần đây, Mỹ trao nhiệm vụ trả lương cho chính phủ Iraq và nhiều tháng qua các thành viên Hội đồng Thức tỉnh không nhận được đồng nào.

Do đó, việc 3 thủ lĩnh Hội đồng Thức tỉnh bị bắt dẫn tới lo ngại rằng căng thẳng giáo phái có thể bùng phát trở lại nghiêm trọng hơn ở Iraq. Điều này có thể khiến Iraq chìm vào nội chiến. Cần nhắc lại là xung đột giữa người Sunni và Shiite từng đẩy Iraq đến bờ vực nội chiến toàn diện vào năm 2007, buộc Mỹ phải tăng quân số để cứu vãn tình hình.

N.KIỆT
(Theo Washingtonpost, AP, Reuters)

Binh sĩ Iraq và lính Mỹ truy tìm khủng bố ở tỉnh Diyala hôm 17-5. Ảnh: Reuters

Chia sẻ bài viết