09/08/2019 - 08:49

Iran bị tố “quấy rối” tàu tại Vùng Vịnh 

Bộ Giao thông Mỹ ngày 7-8 phát cảnh báo đến các công ty thương mại hàng hải về các mối đe dọa từ Iran tại Eo biển Hormuz và Vùng Vịnh, bao gồm gây nhiễu hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và phá sóng liên lạc.

Tàu chở dầu Stena Impero. Ảnh: AP

Tàu chở dầu Stena Impero. Ảnh: AP

Cảnh báo liệt kê một loạt sự cố liên quan đến Cộng hòa Hồi giáo kể từ tháng 5 vừa qua, trong đó có vụ bắt giữ hai tàu Stena Impero treo cờ Anh và Mesdar treo cờ Liberia (tàu này sau đó được thả). Theo Cơ quan Hàng hải Mỹ, trong “ít nhất hai” cuộc đối đầu gần đây có dính dáng đến lực lượng vũ trang Iran, các tàu đã báo cáo về tình trạng GPS bị nhiễu. Trong đó, một chiếc đã tắt hệ thống nhận dạng tự động (AIS- thường được sử dụng để cầu cứu) trước khi bị bắt. Ngoài ra, các tàu này cũng đề cập đến những cuộc liên lạc giả mạo do các tổ chức bí ẩn thực hiện, trong đó tuyên bố họ là các chiến hạm của Mỹ hoặc liên minh.

Về vấn đề này, hãng tin CNN dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ Tehran đã đặt các thiết bị gây nhiễu GPS trên đảo Abu Musa do Iran kiểm soát, nằm gần cửa ngõ vào Eo biển Hormuz. Theo đó, các thiết bị gây nhiễu được đặt như thế là để ngắt các hệ thống điều hướng của tàu và máy bay dân sự, khiến các phương tiện đi nhầm vào lãnh hải hoặc không phận Iran. Khi đó, lực lượng của Iran có “cớ” để bắt họ. Trong một số trường hợp, các tàu của Hải quân và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thậm chí “đánh lừa” AIS để mạo danh các tàu buôn. Những chiếc máy gây nhiễu nói trên được cho không có tác dụng đối với chiến đấu cơ hoặc tàu chiến Mỹ.

Hồi cuối tháng 6, GPS tại Iran đã bị gián đoạn có chủ đích. Trong khi một số nguồn tin chỉ tay về phía Nga, lãnh đạo bộ phận liên lạc vô tuyến Iran Hossein Fallah Josheghani cho rằng “thủ phạm gây gián đoạn đã được xác định”. Tuy nhiên, việc Josheghani bóng gió về “hành động pháp lý của Bộ Tư pháp Iran” cũng chỉ ra rằng ông tin vụ này có “bàn tay” của một tổ chức trong nước. Hồi tháng 9-2011, mạng lưới điện thoại di động của Iran cũng từng gặp sự cố về hệ thống định vị. Sau đó, giới quan sát tin rằng chuyện này là do IRGC thử nghiệm thiết bị gây nhiễu GPS của họ.

Nhà Trắng chia rẽ về vấn đề Iran

Việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tuần rồi trừng phạt Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif được cho là để tránh xa một động thái khác, có thể khiến Washington trông “yếu đuối” trước Tehran. Bởi cùng ngày ban bố lệnh cấm vận, Nhà Trắng cũng đã lặng lẽ gia hạn lệnh miễn trừ trừng phạt, cho phép các công ty Nga, Trung Quốc và châu Âu tiếp tục hợp tác hạt nhân dân sự với Iran- hành động bị cho là đi ngược lại chiến dịch “gây sức ép tối đa” lên Tehran. Hai động thái gần như liên tục này phơi bày quan điểm an ninh quốc gia hỗn loạn về chính sách đối với Iran, theo Wendy Sherman- cựu trưởng đoàn đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran dưới thời chính quyền tiền nhiệm Barack Obama. Bà Sherman nhận định áp đặt lệnh trừng phạt Ngoại trưởng Iran nhằm làm “mát dạ phe diều hâu” rằng chiến tranh vẫn là một giải pháp. Một trong những nhân vật thuộc “phe diều hâu” này là Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton.

Ngày 6-8, chính quyền Iran đã đề nghị Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres ngăn chặn các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Ngoại trưởng Zarif. Đại sứ Iran tại LHQ Majid Takht-Ravanchi cáo buộc Mỹ “vi phạm các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế” và hối thúc cộng đồng quốc tế lên án hành vi của Washington. Cùng ngày, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố Tehran ủng hộ đối thoại với Washington, song nhấn mạnh Mỹ trước tiên cần dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Cộng hòa Hồi giáo.

THANH BÌNH (Theo CNN, AFP)

Chia sẻ bài viết