10/04/2024 - 09:40

Hợp tác công tư thúc đẩy canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở ĐBSCL 

Trong xu hướng phát triển chung của nền nông nghiệp, ngành lúa gạo ĐBSCL đang đẩy mạnh triển khai các chương trình sản xuất lúa carbon thấp, bảo vệ môi trường và sức khỏe nông dân, từng bước thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính mà Việt Nam đã cam kết. Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” là điểm nhấn cho nỗ lực, quyết tâm thực hiện mục tiêu này...

Thu hoạch lúa tại mô hình canh tác lúa thông minh phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL vụ đông xuân 2023-2024 tại tỉnh Hậu Giang.

Ngày 23-6-2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ban hành Quyết định số 2258/QĐ-BNN-HTQT về việc thành lập nhóm công tác đối tác công tư (PPP) về lúa gạo, giao Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Công ty TNHH Bayer Việt Nam đồng chủ trì nhóm công tác. Việc thành lập nhóm công tác đối tác công tư ngành hàng lúa gạo là cần thiết và kịp thời góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam và nâng cao giá trị gia tăng của lúa gạo thông qua chuỗi giá trị. Cùng với đó, tăng thu hút đầu tư và tăng cường hiện đại hóa hệ thống nông nghiệp, lương thực thông qua áp dụng công nghệ và kết nối đổi mới sáng tạo.

Ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT, nhấn mạnh: Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” là sự thay đổi to lớn đối với ngành lúa gạo trong việc hình thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn, ổn định lâu dài, đảm bảo chất lượng, quy trình sản xuất hiện đại, đồng bộ, đáp ứng mục tiêu nâng cao giá trị chuỗi sản xuất lúa gạo. Qua đó, cải thiện thu nhập cho nông dân, đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ chế biến, xuất khẩu gạo đạt hiệu quả cao, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu… Để đạt được mục tiêu trên, Việt Nam cần phải có những nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ mà cả khối tư nhân, doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia. Trong đó, một trong những giải pháp then chốt được ưu tiên thực hiện là đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Theo đó, khối công thực hiện nhiệm vụ chủ trì triển khai xây dựng các gói kỹ thuật, ban hành tài liệu kỹ thuật, thực hiện chuyển giao, hướng dẫn, hỗ trợ hộ dân áp dụng mô hình sản xuất lúa gạo chất lượng cao. Tác nhân tham gia gồm tổ chỉ đạo sản xuất và xây dựng hệ thống khuyến nông, tổ chức quốc tế (IRRI, GIZ,…) và các viện nghiên cứu. Đối với  khối tư, thực hiện nhiệm vụ cung cấp vật tư, công nghệ cho nghiên cứu, thử nghiệm, cung cấp bằng chứng phục vụ xây dựng mô hình sản xuất lúa gạo chất lượng cao, thí điểm và hỗ trợ thực hiện gói kỹ thuật trên đồng ruộng. Tác nhân tham gia gồm doanh nghiệp cung cấp vật tư, công nghệ, doanh nghiệp lúa gạo, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ nông dân tại địa bàn thử nghiệm, áp dụng mô hình sản xuất lúa gạo chất lượng cao.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, nhấn mạnh: Ngành Nông nghiệp khuyến khích doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước tham gia đề án. Thế nhưng, khi thực hiện, phải làm theo quy trình canh tác bền vững đã đưa ra. Đối tượng chính của đề án là thành viên hợp tác xã và lực lượng khuyến nông cộng đồng. Do vậy, trước hết phải nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi tư duy của họ mới có thể phát huy sức mạnh tổng hợp thực hiện đạt mục tiêu đề ra. Vấn đề khó nhất hiện nay của ĐBSCL là thực hiện canh tác lúa ngập khô xen kẽ vì nông dân vẫn quen suy nghĩ canh tác lúa phải có nước và vấn đề xử lý nguồn rơm rạ. Vì vậy, chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước mang đến những công nghệ tiên tiến vào xử lý các vấn đề này. Khi nông dân thấy được lợi ích, thu nhập cải thiện đáng kể họ sẽ hợp tác và chuyển đổi nhanh chóng.

Theo kế hoạch của Bộ NN&PTNT, trong năm 2024, đề án thực hiện thí điểm ở 5 địa phương: Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ. Với vai trò trách nhiệm là trưởng khối công và trưởng khối tư trong nhóm công tác đối tác công tư ngành hàng lúa gạo Việt Nam, Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Công ty TNHH Bayer đã dự thảo quy chế hoạt động của nhóm công tác đối tác công tư về lúa gạo. Tại hội thảo “Hợp tác công tư phục vụ triển khai Đề án 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp” diễn ra mới đây, các đại biểu thảo luận về vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của các bên trong nhóm công tác ngành hàng lúa gạo; thống nhất các nội dung dự thảo phân công nhiệm vụ các tổ công tác PPP ngành hàng lúa gạo và quy chế làm việc. Đồng thời, xây dựng kế hoạch hành động của các tổ công tác PPP ngành hàng lúa gạo để thực thi chủ trương, chính sách của bộ về sản xuất lúa gạo; quản lý và hỗ trợ phát triển ngành lúa gạo theo hướng cạnh tranh cao, chất lượng, vệ sinh an toàn, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế, bền vững về xã hội và môi trường.

Nhiều ý kiến cho rằng, điều kiện tiên quyết để hợp tác công tư hiệu quả là phải có sự phân công trách nhiệm, công việc giữa công và tư, đảm bảo công bằng sao cho mỗi bên nhận được lợi ích tương xứng với đóng góp của mình và bảo vệ tốt quyền sở hữu của các bên. Ông Hoàng Vũ Quang, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, phân tích: “Nông dân sẽ được nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất, giảm chi phí sản xuất, thị trường tiêu thụ ổn định; tăng thu nhập (từ gạo, rơm, tín chỉ carbon). Còn hợp tác xã được nâng cao năng lực, vai trò, mở rộng hoạt động. Đối với doanh nghiệp, được tiếp cận công nghệ mới, ổn định vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu, nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng thị trường và tiếp cận tín dụng theo chuỗi. Ở góc độ Nhà nước và cộng đồng, đề án mang lại sự phát triển bền vững sản xuất lúa gạo, nâng cao giá trị, thu nhập người dân trồng lúa, đặc biệt là góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam về giảm phát thải”.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết