03/05/2024 - 06:54

Phát triển liên kết bền vững trong chuỗi giá trị lúa gạo 

(CT) - Ngày 2-5-2024, tại TP Cần Thơ, Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam tổ chức hội thảo “Phát triển liên kết bền vững trong chuỗi giá trị lúa gạo”. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam; ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cùng lãnh đạo các sở NN&PTNT, các nhà khoa học, doanh nghiệp… trong và ngoài vùng ĐBSCL dự hội thảo.

Xây dựng cánh đồng lớn là một trong những liên kết sản xuất lúa đạt hiệu quả cao tại ĐBSCL.

Theo Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam, ĐBSCL bao gồm các nhân tố liên kết trực tiếp và các nhân tố gián tiếp tác động thông qua chính sách, tiến bộ khoa học kỹ thuật, vốn.... Các nhân tố liên kết trực tiếp gồm nông dân - hợp tác xã (HTX) - thương lái - doanh nghiệp - nhà phân phối, tiêu thụ… Tổng sản lượng lúa hàng vụ do nông dân sản xuất sẽ được phân phối qua các kênh tiêu thụ: thương lái chiếm hơn 49%, HTX 32%, nhà máy xay xát hơn 12% và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo hơn 6,5%... Nhiều đại biểu cho rằng, thương lái là cầu nối, là mắt xích không thể thiếu trong chuỗi liên kết tiêu thụ hiện nay, nếu không có thương lái thì sản lượng lúa gạo không biết tiêu thụ vào đâu. Theo bối cảnh liên kết hiện nay, doanh nghiệp thiếu nguyên liệu đạt chuẩn trong khi nông dân thừa nông sản. Cả doanh nghiệp, HTX và nông dân chưa chú trọng đến “hợp đồng liên kết”, chỉ tập trung hợp đồng tiêu thụ, tức chỉ bàn nhau về “giá”, chưa bàn chất lượng, dịch vụ hỗ trợ nhau trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ…

Để phát triển liên kết bền vững trong chuỗi giá trị lúa gạo, nhiều đại biểu kiến nghị cần thiết lập kênh thông tin kết nối, chia sẻ mật thiết giữa các thành phần tham gia trong chuỗi liên kết từng địa phương, gồm: doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo đầu mối, hệ thống thương lái của doanh nghiệp hoạt động mua bán trên địa bàn, hệ thống môi giới trung gian, tổ khuyến nông cộng đồng, chính quyền và ngành Nông nghiệp các địa phương. Tăng cường hợp tác liên kết và duy trì mối hợp tác ổn định, lâu dài cùng nhau chia sẻ rủi ro và hài hòa lợi ích để xây dựng lòng tin dựa vào “chữ tín” giữa các bên (người sản xuất, môi giới, thương lái, doanh nghiệp, sự hỗ trợ của cơ quan quản lý các cấp). Bên cạnh đó, sự phát triển liên kết sẽ có lợi ích nhiều chiều khi đưa thương lái vào chuỗi lúa gạo bền vững. Thương lái cần có “giấy chứng nhận hành nghề”, được đăng ký hành nghề (để giúp phân biệt thương lái tốt và thương lái chưa tốt) và cần được xem là đối tác đồng hành với nông dân, HTX và doanh nghiệp. Khuyến khích tập hợp thương lái vào các nhóm, các câu lạc bộ trên cơ sở tự nguyện để cùng trao đổi kinh nghiệm, cùng tiếp cận các nội dung tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật bảo quản, vận chuyển, chế biến, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đó, giảm tình trạng “bẻ kèo”, nói không với những hành vi thiếu lành mạnh như mua bán nông sản kém chất lượng hay trục lợi, cấu kết, gây chia rẽ, tác động tiêu cực đến giá cả…

Các ý kiến trên được Ban tổ chức hội thảo ghi nhận và phối hợp đơn vị chuyên môn xây dựng, phát triển liên kết bền vững trong chuỗi giá trị lúa gạo thời gian tới.

Tin, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết