08/05/2025 - 08:40

Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại, bền vững 

Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn thuộc tiêu chí số 13 trong Bộ Tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025. Ðối với quy định xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn thuộc lĩnh vực số 1. Ðiều đó cho thấy, việc tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế tại các xã NTM là hành trình xuyên suốt, không ngừng nâng chất theo hướng công nghệ cao, công nghệ số, thúc đẩy kinh tế hợp tác nhằm cung cấp dịch vụ, góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Ứng dụng máy sạ hàng kết hợp vùi phân trong sản xuất lúa tại xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh.

Kết quả đáng ghi nhận

Ông Lê Văn Tính, Phó Chánh chuyên trách Văn phòng điều phối Xây dựng NTM TP Cần Thơ, cho biết: Thành phố, cấp huyện, cấp xã tập trung cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và xây dựng NTM. Ðồng thời, tích hợp giữa sản xuất nông nghiệp với du lịch nông nghiệp, chế biến nông sản và chương trình OCOP, xây dựng và phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn phổ biến về an toàn thực phẩm gắn với mục tiêu giảm phát thải. Hoạt động của các loại hình kinh tế tập thể tiếp tục được đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động. Ðến nay thành phố hiện nay có tổng 188 hợp tác xã, với 3.369 thành viên, vốn điều lệ hơn 171 tỉ đồng và 4 làng nghề được công nhận. Ngoài ra, Cần Thơ có 199 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao, với 98 chủ thể tham gia.

Tiêu chí số 13 trong Bộ Tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025 gồm các chỉ tiêu thành phần: sản phẩm OCOP được xếp hạng đạt chuẩn hoặc tương đương; mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với bảo đảm an toàn thực phẩm; ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã; sản phẩm chủ lực được tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử; vùng nguyên liệu tập trung được cấp mã vùng trồng... Ông Ðặng Quang Vinh, Chủ tịch UBND xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Thực hiện tiêu chí số 13, trên địa bàn xã đã thành lập Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản HP FOODS sản xuất theo quy trình sạch, được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, có ký kết hợp đồng tiêu thụ tối thiểu 30% tổng sản lượng. Xã có vùng sản xuất hàng hóa tập trung đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương là lúa Ðài Thơm 8, diện tích 44,2ha đã được cấp mã số vùng trồng. Ngoài ra, Thạnh Mỹ còn có sản phẩm nước mắm chay Hùng Liếng được chứng nhận OCOP 3 sao.

Theo bà Nguyễn Hồ Phương Thảo, Chủ tịch UBND xã Tân Thới, huyện Phong Ðiền, với thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, xã Tân Thới, huyện Phong Ðiền chọn hình mẫu “Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn” là lĩnh vực nổi trội trong xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Theo đó, xã đã quy hoạch thành công vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung chuyên canh cây chủ lực. Riêng cây sầu riêng có khoảng 1.600 hộ trồng với diện tích 1.249ha; trong đó, trên 383,1ha được cấp mã vùng trồng, có liên kết theo chuỗi giá trị ổn định. Ngoài ra, xã còn có 6 hợp tác xã hoạt động hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu về sản xuất, cung ứng dịch vụ, và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, Tân Thới còn xây dựng được những mô hình tiêu biểu trong xây dựng NTM kiểu mẫu như mô hình chợ thông minh 4.0 tại chợ Cầu Nhiếm và mô hình “Hợp tác xã hoạt động hiệu quả và có hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị ổn định.

Ðồng bộ nhiều giải pháp

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn tại các xã vướng phải nhiều khó khăn như sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên việc áp dụng khoa học công nghệ hiện đại chưa nhiều, chưa đồng bộ; giao dịch sản phẩm nông nghiệp trên sàn thương mại điện tử hạn chế. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp có chuyển biến nhưng chưa có chiều sâu, chưa đáp ứng yêu cầu; trình độ của cán bộ, người dân về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số còn hạn chế...

Ông Nguyễn Văn Hiếu, người dân xã Trung Hưng, huyện Cờ Ðỏ, chia sẻ: “Giờ đây, ngoài kênh bán hàng truyền thống, người dân mua hàng online rất nhiều. Do đó, tôi kiến nghị ngoài các sản phẩm OCOP được hỗ trợ, kết nối đưa lên các sàn thương mại điện tử, Nhà nước nên mở rộng thêm các sản phẩm nông nghiệp khác để người nông dân có thêm “đầu ra”, bán được giá tốt. Cùng với đó, mở thêm nhiều lớp tập huấn, đào tạo để nông dân có thêm hiểu biết và làm quen với cách bán hàng trực tuyến”.

Về phía các xã cũng đề ra nhiều giải pháp tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn trong bối cảnh mới. Bà Nguyễn Hồ Phương Thảo, cho biết: Xã tiếp tục nâng chất hình mẫu “Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn” thông qua tập trung hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả; mở rộng diện tích trồng cây ăn trái, tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế gia đình. Ðồng thời, mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề gắn với việc giải quyết việc làm…

Có thể thấy, khi các xã tập trung và đầu tư thỏa đáng cho việc hoàn thành nội dung tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn sẽ bắt nhịp với xu thế phát triển kinh tế hiện đại. Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đề nghị các xã tập trung phát triển sản xuất theo hướng quy mô lớn, hợp tác - liên kết theo chuỗi giá trị, hình thành các vùng sản xuất an toàn, tập trung sản xuất theo quy trình tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn thích ứng với biến đổi khí hậu… Ðồng thời, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, lựa chọn sản phẩm có lợi thế, phù hợp với điều kiện của xã để chỉ đạo xây dựng mô hình và nhân rộng; đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử; tích cực chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn...

Như vậy, với sự hoàn thiện và nâng chất không ngừng, tiêu chí số 13 trong xây dựng NTM nâng cao và lĩnh vực số 1 trong xây dựng NTM kiểu mẫu kỳ vọng sẽ tạo “đòn bẩy” để hoàn thành các tiêu chí khác như hộ nghèo, thu nhập, lao động việc làm…

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết