Kết quả khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2024 (PCI 2024) cho thấy có 33% doanh nghiệp (DN) tư nhân dự định mở rộng kinh doanh trong vòng 2 năm tới, cải thiện so với năm 2023 nhưng vẫn chưa về trước mức đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, những thách thức mới và chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ trong các tháng đầu năm 2025 sẽ tác động đến các dự định mở rộng kinh doanh của DN thời gian tới.

DN cần hỗ trợ nhiều hơn để vượt qua thách thức. Trong ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH South vina (TP Cần Thơ).
Chuyển biến nhưng còn rào cản
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố báo cáo PCI 2024 cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế tiếp tục cải thiện, niềm tin kinh doanh của cộng đồng DN được giữ vững. Khảo sát PCI 2024 với 9.267 DN tư nhân trong nước phản hồi kết quả điều tra trong tổng số 10.821 DN trả lời, có 33% DN tư nhân cho biết có dự định mở rộng kinh doanh trong 2 năm tới, cải thiện so với mức 27% của năm 2023 nhưng vẫn chưa về mức trước đại dịch (thường xoay quanh mức 50%).
Trong đó, có 10 ngành có tỷ lệ dự định mở rộng kinh doanh cao nhất, gồm: hóa chất (47%); nông - lâm nghiệp, thủy sản (43%); chế biến thực phẩm (40%), sản phẩm kim loại (39%), y tế - giáo dục - hành chính (38%), sản phẩm gỗ (37%), may mặc (37%), công nghệ thông tin (35%); bán buôn, bán lẻ và sửa chữa mô tô - xe máy (34%) và xây dựng (33%). Tỷ lệ DN có quy mô vừa và lớn có mức độ lạc quan về mở rộng kinh doanh cao nhất với 46% (quy mô 50-200 tỉ đồng), DN từ 200 tỉ đồng trở lên với tỷ lệ 56%; DN quy mô dưới 3 tỉ đồng có 27% cho biết có kế hoạch mở rộng kinh doanh.
Khảo sát PCI 2024 cũng liệt kê 15 vấn đề bao quát các khía cạnh kinh doanh để DN lựa chọn, kết quả tích cực là DN nhận định khó khăn đã giảm bớt so với năm 2023. Theo đó, tỷ lệ DN gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng chỉ còn 54% (năm 2023 là 57%), tuy nhiên tiếp cận tín dụng vẫn là khó khăn có tỷ lệ lựa chọn cao nhất liên tục từ năm 2022. Bên cạnh đó, những biến động thị trường toàn cầu trong 2 năm liên tục đã ảnh hưởng không nhỏ đến DN, 49% DN gặp khó trong tìm kiếm khách hàng, có đến 38% DN gặp khó do biến động thị trường. Năm 2024, số DN rút lui khỏi thị trường lên tới 197.861 DN, cao nhất từ trước tới nay (100.098 DN tạm dừng kinh doanh, 76.155 DN chờ làm thủ tục giải thể và 21.608 DN giải thể, tỷ lệ tăng so với năm 2023 lần lượt là 12%, 16% và 20%).
Báo cáo PCI 2024 còn khái quát 8 điểm đáng chú ý trong cải thiện chất lượng điều hành kinh tế qua lăng kính của DN. Báo nêu nêu: chất lượng lao động có cải thiện, tính minh bạch gia tăng đáng kể, gia nhập thị trường thuận lợi hơn, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự tiếp tục được duy trì ở mức cao. Song, tính năng động, tiên phong của bộ máy chính quyền địa phương có dấu hiệu suy giảm; cần nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính; tiếp cận đất đai vẫn là thách thức với DN tư nhân; các cơ quan công quyền cần tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm chi phí không chính thức.
Củng cố niềm tin cho DN
Nhận định về chỉ số thành phần Ðào tạo lao động trong thang đo PCI 2024, DN đánh giá tốt về giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp ở các địa phương tăng so với 2023. Có 54% DN cho biết chất lượng lao động địa phương đáp ứng hoàn toàn/phần lớn nhu cầu sử dụng lao động của DN (tỷ lệ này năm 2023 là 47%); tuyển dụng lao động phổ thông, cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý cũng thuận lợi hơn, với tỷ lệ lần lượt là 63% và 37% (năm 2023 tỷ lệ này lần lượt là 58% và 31%). Các DN trả lời khảo sát cũng nhận định tính minh bạch gia tăng đáng kể. Năm 2024, chỉ 31% DN cho biết cần có “mối quan hệ” để có được tài liệu của tỉnh, giảm gần một nửa so với con số 61% năm 2021. Năm 2024, các DN tiếp tục đánh giá cao chất lượng giải quyết các thủ tục đăng ký DN, như thủ tục công khai (93%), hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ (91%), cán bộ am hiểu chuyên môn, nghiệp vụ và cán bộ đăng ký kinh doanh nhiệt tình thân thiện (86%). Nhóm thủ tục về cấp phép kinh doanh có điều kiện cũng có sự cải thiện trong khảo sát năm 2024 so với năm 2023. Tuy nhiên, trong khảo sát 2024 vẫn có chưa tới 50% DN hài lòng với các thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện, nên cần cải thiện hơn ở chỉ số này.
Năm 2024, chỉ 77% DN cảm nhận chính quyền tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường thuận lợi hơn cho DN (năm 2023, con số này là 82%) và chỉ 71% DN cho biết UBND tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết các vấn đề mới phát sinh (năm 2023, tỷ lệ này là 77%); chỉ 53% DN quan sát thấy thái độ của chính quyền tỉnh đối với khu vực tư nhân là tích cực, giảm đáng kể so với con số 64% của năm 2021. Năm 2024, có 76,3% DN đồng ý với nhận định “Các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp tại tỉnh”, trong khi năm 2023 là 84,1%...
Kết quả PCI 2024 cũng nhận thấy tiếp cận đất đai vẫn là thách thức với DN, với điểm số của chỉ số thành phần Tiếp cận đất đai chỉ đạt 6,54 điểm (năm 2023 là 6,75 điểm). Tỷ lệ DN phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai tiếp tục ở mức cao, gần 74% vào năm 2024. Ở chỉ số thành phần Chi phí không chính thức với gần 37% DN cho biết có chi trả chi phí không chính thức, nhích nhẹ từ con số 33% của năm 2023; tỷ lệ DN có chi trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện lên tới gần 55%, tăng đáng kể so với năm 2023. Tương tự, có khoảng 50% DN khi thực hiện thủ tục hành chính đất đai thừa nhận có chi trả chi phí không chính thức, trong khi năm 2023 chỉ là gần 38%... Dù vậy, kết quả khảo sát năm 2024 có ghi nhận một số khía cạnh tích cực của các nỗ lực cắt giảm chi phí không chính thức cho DN, đó là chỉ gần 2,3% DN cho biết phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức, tiếp tục chuỗi giảm liên tục từ năm 2010 tới nay. Nếu so với mức đỉnh gần 13% của năm 2006, năm đầu tiên khảo sát chỉ tiêu này, thì gánh nặng chi phí không chính thức của doanh nghiệp vào năm 2024 đã giảm rất đáng kể…
Mặc dù khảo sát PCI 2024 ghi nhận những tín hiệu tích cực về môi trường kinh doanh và các dự định mở rộng kinh doanh, nhưng kết quả báo cáo cũng nhìn nhận rằng, khảo sát kết thúc tháng 12-2024, trong khi các khó khăn mới đã bắt đầu nhiều hơn ngay các tháng đầu năm 2025. Ðây là thách thức rất lớn, đặc biệt là biến động kinh tế toàn cầu và chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ. Ðiều này đòi hỏi các cơ quan công quyền vào cuộc mạnh mẽ hơn để thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN, tạo động lực cho khu vực kinh tế tư nhân vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.